Hàng Việt có chỗ đứng vững chãi trong lòng người tiêu dùng

Có tới 90% hàng hoá trong siêu thị là hàng Việt, điều này chứng tỏ NTD ngày càng quan tâm và ủng hộ hàng hoá trong nước.

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương thì sau 6 năm triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, có tới 92% người tiêu dùng được hỏi quan tâm đến cuộc vận động này. Đáng chú ý, có tới 63% người tiêu dùng xác định ưu tiên mua hàng Việt Nam sản xuất và 54% người tiêu dùng không chỉ sử dụng hàng Việt mà còn động viên người nhà mua hàng Việt.

Đến thời điểm hiện tại, Cuộc vận động đã triển khai được 6 năm và mang lại những kết quả tích cực khi tâm lý tin dùng hàng Việt đã có những bước tiến bộ đáng kể.

Hàng Việt có chỗ đứng vững chãi trong lòng người tiêu dùng

90% là một con số đáng mừng về thị hiếu NTD với hàng Việt

Một trong những điểm nhấn trong việc thực hiện cuộc vận động là loạt hoạt động hỗ trợ sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng Việt và các hoạt động thiết thực để thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu Việt.

Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2015, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ, chú trọng tập trung vào công tác thúc đẩy tiêu thụ một số nông sản có sản lượng lớn, mang tính thời vụ với sản lượng lớn gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu. Để giảm áp lực, Bộ Công thương đã chủ động liên hệ với các địa phương nhằm hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản như dưa hấu, hành tím, vải… tại thị trường trong nước.

Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua tiếp tục được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động. Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2015, các địa phương đã tổ chức được 101 đợt bán hàng về nông thôn với 1355 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 600 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 8 nghìn tỷ đồng; tiếp nhận theo dõi hơn 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 109.000 lượt người, doanh thu mang lại là gần 9 tỷ.

Triển khai hoạt động xúc tiến việc hợp tác với một số doanh nghiệp phân phối lớn của nước ngoài đang quan tâm đến thị trường Việt Nam tham gia thu mua hàng Việt Nam để phân phối trong toàn hệ thống như Wall Mart (Mỹ), Auchan (Pháp), Woolworths…

Mặt khác, Bộ cũng phối hợp với Sứ quán, đồng thời chỉ đạo Thương vụ Việt Nam kết nối với các công ty mẹ của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tổ chức các Hội nghị xúc tiến hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Pháp, Đức, Nhật…

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình thực hiện Cuộc vận động trong 6 tháng 2015, bà Lê Việt Nga – Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước thẳng thắn thừa nhận, việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khiến các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Công Thương đưa ra một số giải pháp là; Tiếp tục thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại nội địa, tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, tổ chức các chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt Nam”… Trên thực tế, đối tượng được nhắc đến trong cuộc vận động này gồm 3 đối tượng: Nhà sản xuất; người tiêu dùng; vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban ngành đối với phát triển hàng hóa Việt.

Còn bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nêu ra giải pháp riêng, đó là công tác tuyên truyền về cuộc vận động trong thời gian tới không thể chỉ dừng ở tuyên truyền suông nữa mà phải thực hiện tuyên truyền cho từng đối tượng. Nếu không, cuộc vận động khó đi vào thực chất.

Theo Cao Phong (Người tiêu dúng)