Hệ thống trái cây Ưu Đàm tiêu thụ bánh trung thu không có tem nhãn phụ

Trong khi lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm soát mặt hàng bánh trung thu thì hệ thống trái cây Ưu Đàm (Hà Nội) đang đưa lên kệ nhiều hộp bánh trung thu Liu Xin Su (xuất xứ Trung Quốc) không có tem nhãn phụ.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua bánh Trung thu, qua số điện thoại hotline, nhân viên tư vấn của hệ thống cửa hàng trái cây Ưu Đàm (đường Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa) giới thiệu: "Bánh trung thu Liu Xin Su có giá là 130.000 đồng/hộp. Bánh được bán ở cả 3 cửa hàng và có đầy đủ tem nhãn phụ. Bánh này có xuất xứ từ Đài Loan, nhà em nhập khẩu và phân phối trực tiếp… Bánh này ăn rất ngon… nhà em bán bánh này lâu rồi, nhập về còn không đủ trả khách…".

Tuy nhiên, khi PV thông tin về những hộp bánh mua ở cửa hàng tại địa chỉ Nguyễn Văn Lộc và Phạm Ngọc Thạch đều không có tem nhãn phụ thì nữ nhân viên này cho rằng: "Thế thì em không biết, để em kiểm tra lại, hoặc chị đến cửa hàng ở Quán Thánh (Hoàn Kiếm) sẽ có đầy đủ tem nhãn".

Ghi nhận của PV tại cửa hàng trái cây Ưu Đàm (địa chỉ ngõ 46C Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa) cho thấy, nhiều hộp bánh Trung thu hiệu Liu Xin Su (có xuất xứ từ Trung Quốc) được bày, xếp trên kệ hàng đều không có tem nhãn phụ thể hiện thông tin về sản phẩm. Giá bán ra tại cửa hàng là 130.000 đồng/hộp 6 cái.

Để làm rõ thông tin thu thập, PV Báo Gia đình & Xã hội đã liên hệ làm việc với hệ thống cửa hàng hoa quả Ưu Đàm. Tuy nhiên, thay vì thể hiện trách nhiệm của đơn vị bán hàng đối với sức khoẻ người tiêu dùng, thì đại diện cửa hàng lại thẳng thắn: "Mình chẳng biết chủ hàng là ai, bạn đến làm việc với nhân viên bán hàng…!".

he-thong-trai-cay-uu-dam-tieu-thu-banh-trung-thu-khong-co-tem-nhan-phu

Mặt trước hộp bánh Trung thu hiệu Liu Xin Su, có xuất xứ từ Trung Quốc, cùng hoá đơn bán hàng của cửa hàng trái cây Ưu Đàm.

he-thong-trai-cay-uu-dam-tieu-thu-banh-trung-thu-khong-co-tem-nhan-phu

Mặt sau hộp bánh trung thu được mệnh danh là "bánh trung thu trứng chảy ngàn lớp". Mọi thông tin đều được thể hiện bằng chữ nước ngoài và không có tem nhãn phụ tiếng Việt.

Ngày 22/8, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: "Đối với những sản phẩm ăn nhanh đều phải công bố bảng danh mục thành phần, tên thương hiệu... Một sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài mà người tiêu dùng không thể biết được trong sản phẩm này có những thành phần gì thì nên cẩn trọng, cân nhắc khi mua. Đặc biệt là liên quan đến sức khoẻ.

Tuy nhiên, những thông tin nhìn thấy ở bên ngoài hộp sản phẩm như thành phần hay tem nhãn phụ với hàng xuất xứ nước ngoài, thì đó cũng chỉ là hình thức, không phải là yếu tố đảm bảo an toàn sản phẩm. Vấn đề cơ bản đối với sản phẩm ăn nhanh phải được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn với người dùng".

he-thong-trai-cay-uu-dam-tieu-thu-banh-trung-thu-khong-co-tem-nhan-phu

Hệ thống trái cây Ưu Đàm tiêu thụ bánh Trung thu không có tem nhãn phụ

 

"Bánh Trung thu Liu Xin Su có xuất xứ từ Trung Quốc khi đưa về nội địa tiêu thụ thì phải có nhãn phụ thông tin sản phẩm theo quy định. Còn hàng hoá được nhập theo đường tiểu ngạch mà không được kiểm soát ATTP, khách hàng không thể biết được bánh được làm từ những thành phần gì… thì theo quy định, sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ bị tịch thu và tiêu huỷ. Việc này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của lực lượng chức năng", ông Thịnh thẳng thắn.

Khoản 3, Điều 7 Nghị định 43/2017 của Chính phủ quy định về Nhãn hàng hoá đã nêu rõ: "Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".

Đồng thời, tại Điều 10 của Nghị định này cũng nêu rõ : "Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá, bao gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; thời gian sản xuất và hạn sử dụng…".

Theo GiaDinh