Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen bị lật đổ - phải chăng “lợi ích nhóm” lên ngôi?



Lịch sử nhân loại đã đúc kết một chân lý đơn giản về sự thành bại của một thể chế quốc gia từ cổ chí kim là: Một chế độ chỉ có thể bền vững nếu có ba lĩnh vực mà người tham gia không được lấy vụ lợi làm mục đích đó là chính trị, y tế và giáo dục. Chính vì vậy người nào muốn hành ba nghề này hay nói đúng hơn là muốn phụng sự ba nghề này phải có lời tuyên thệ, lời thề trước những Đấng tối cao hay trước những giá trị tối cao.

Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen - Bùi Trân Phượng

Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen - Bùi Trân Phượng

Sau chuyện lình xình tranh chấp quyền lợi, quyền lực ở nhiều trường đại học dân lập làm cho những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà phải đặt những câu hỏi nghiêm túc về vai trò của các nhà đầu tư giáo dục và phẩm chất của họ. Sự kiện đang xảy ra ở Trường đại học dân lập Hoa Sen một lần nữa lại làm nóng lên câu hỏi này. Dư luận ồn ào không chỉ ở khía cạnh một cuộc lật đổ nào đó mà còn ở khía cạnh tính phi vụ lợi trong kinh doanh giáo dục có bị vi phạm hay không.Tính phi vụ lợi ở đây cần được hiểu là các nhà đầu tư  tức những ông chủ, bà chủ của mái trường đại học mang tên một loại hoa tinh khiết Việt, biểu tượng của tâm hồn và văn hóa thanh tao Việt là có đặt lợi ích của mình lên trên hết, tức là lên trên cả lợi ích của công việc giáo dục hay không?

Đã nhiều năm hình ảnh Đại học Hoa Sen gắn với hình ảnh một “người đương thời” – nữ nhà giáo Bùi Trân Phượng tận tâm cho việc “trồng người”. Một thời gian không ngắn Đại học Hoa Sen có nhiều bước đi  đổi mới khá mạnh mẽ  bước đầu thể hiện được tính nhân văn, tính giải phóng tư duy, tính phản biện khoa học, tính tôn trọng chủ thể của đội ngũ sư phạm trong công việc giáo dục của mình, với mong ước có thể tạo môi trường tốt cho những hạt giống công dân tốt phát triển.

Rõ ràng bước đầu đạt được một môi trường có không ít yếu tố tích cực như thế giữa một không gian còn ngột ngạt, nhiều giá trị văn hóa, nhân văn, tư duy, kiến thức xuống cấp trầm trọng, là một việc không dễ, và nó thể hiện  phần nào tâm huyết của đội ngũ quản lý cũng như giáo viên ở đây. Và đương nhiên môi trường trên chỉ có thể có được nhờ các nhà giáo dục tạm thời dành được sự thắng thế khi không đặt quá lệch lợi ích của mình và lợi ích của các nhà đầu tư lên trên lợi ích của sự nghiệp giáo dục. Ở đây chưa thể kết luận về “nguyên tắc phi vụ lợi trong giáo dục được nghiêm túc tôn trọng” vì nguyên tắc ấy khó là hiện thực trong mặt bằng thực tế nền kinh tế, xã hội hiện nay.

Đại học Hoa Sen có nhiều bước đi  đổi mới khá mạnh mẽ thể hiện được tính nhân văn, tính giải phóng tư duy, tính phản biện khoa học... Ảnh: TL

Đại học Hoa Sen có nhiều bước đi  đổi mới khá mạnh mẽ thể hiện được tính nhân văn, tính giải phóng tư duy, tính phản biện khoa học... Ảnh: TL 

Nhưng điều gì đang xảy ra khi Hội nghị cổ đông của Trường  Hoa Sen vừa nhóm họp và với đa số phiếu đã đi đến quyết định truất quyền lãnh đạo Trường của nhà giáo Bùi Trân Phượng? Người ta chỉ biết rằng Hội nghị cổ đông này có sự “vùng lên” của các nhà đầu tư thiên về lợi nhuận của mình, dẫn đến công việc quan trọng nhất của một quốc gia liên quan sống còn, đến sự phát triển quốc gia đó là công việc “trồng người” lại chỉ thấy những cuộc tranh cãi như mổ bò về việc chia lợi tức thế nào cùng những tố giác về  những sơ sót quản lý đồng vốn mà ở đó người có tiền tha hồ được quyền nói còn đại diện người bị nói trong đó có các nhà sư phạm không có cơ hội để phản biện, tranh luận đúng sai.

Tức là “phẩm chất giáo dục” - điều tất yếu phải có của các nhà đầu tư cho giáo dục đã bị vi phạm. Điều này càng thể hiện rõ khi trong Hội nghị cổ đông quyền lực của các ông bà chủ này không thấy ai bàn đến chất lượng đào tạo bấy lâu nay, các hoạt động xã hội mang tính tích cực hay tiêu cực cho đất nước tức sản phẩm đầu tư tốt xấu thế nào của Đại học Hoa Sen.

Qua sự kiện này một lần nữa cái nguyên lý về tính vụ lợi trong ba lĩnh vực đời sống con người trong đó có lĩnh vực giáo dục hơn lúc nào hết cần được vang lên như một hồi còi cảnh báo.

Lưu Trọng Văn (Theo MTG)