Khốn đốn vì đa cấp - Kỳ 1: Ăn 'bánh vẽ' vì sập bẫy lừa đảo

Nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt của đường dây đa cấp, không ít bạn trẻ đã đi vay nặng lãi để đổ tiền tham gia vào bán hàng đa cấp. Khi nhận ra mình bị "sập bẫy" lừa đảo thì đã muộn.

Choáng ngợp bởi những con người đóng vest bóng bẩy, những cái bắt tay đầy phong thái doanh nhân, rồi viễn cảnh mua siêu xe, xây resort, du lịch khắp thế giới, nằm ngủ tiền cũng tự động chảy vào túi... tất cả chỉ là chiếc "bánh vẽ" của kinh doanh đa cấp bất chính đem lại. Họ vẽ lên thiên đường châu báu đầy đẹp đẽ trên trời, nhưng chẳng chỉ cho người ta biết hạt đậu thần ở đâu…?

Dậy sóng "tố" đa cấp lừa đảo nhiều nạn nhân

Thực chất bản chất của đa cấp không xấu. Bán hàng đa cấp ở nước ngoài còn là một phương thức kinh doanh tiến bộ, hiện đại và rất phát triển bậc nhất, nhưng không hiểu sao loại hình kinh doanh này trở về Việt Nam lại bị biến tướng hết sức nặng nề, gắn liền với sự lừa đảo, tai tiếng. Điều đáng buồn là dù lừa đảo kinh doanh đa cấp đã bị báo đài, truyền thông "vạch trần" rất nhiều nhưng có không ít bạn trẻ cũng như người dân vẫn non nớt "sập bẫy".

Chìa cho chúng tôi xem đơn tố cáo còn chưa ráo mực, anh Bùi Danh Tuấn Em (SN 1995, trú thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, H. Mộ Đức, Quảng Ngãi) cho biết tin tức, trước đó anh đã gửi đơn tố cáo tới một số phương tiện truyền thông và tới này sẽ gửi cho các cấp chính quyền có thẩm quyền để làm rõ về hành vi theo anh Tuấn Em có dấu hiệu lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp của công ty TNHH TMDV Khát Vọng Việt.

Khốn đốn vì đa cấp - Kỳ 1: Ăn 'bánh vẽ' vì sập bẫy lừa đảo

Đơn tố giác của anh Bùi Danh Tuấn Em.

Theo đơn ghi ngày 29/7/2015 của anh Bùi Danh Tuấn Em (SN 1995, trú thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, H. Mộ Đức, Quảng Ngãi) trình bày: Trong thời gian theo học tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), anh được chị Nguyễn Thị Phương An tư vấn tham gia làm việc tại Công ty TNHH TMDV Khát Vọng Việt (Cty KVV- địa chỉ: Lô 3A, Khu Thương mại Tam Kỳ thuộc P. An Sơn, TP. Tam Kỳ). Với những lời "có cánh" chị An vẽ ra nhiều tương lai tươi đẹp khi làm việc tại Cty KVV, sau một thời gian mức lương làm việc có thể tăng lên từ 20- 30 triệu đồng/tháng, là cơ hội thành công, có thu nhập cao có thể cải thiện đời sống bản thân và phụ giúp gia đình… Theo mô tả của chị An, công việc tại Cty KVV rất giản đơn, chỉ cần mua sản phẩm của công ty để bán lại kiếm lợi nhuận; trong trường hợp mời bạn bè, người thân cùng vào Cty KVV làm việc sẽ được hưởng hoa hồng. Trước những lời "có cánh" đó, anh Tuấn Em cảm thấy như tương lai sáng lạng đã nằm chắc trong tầm tay nên quyết định "đầu quân" cho Cty KVV.

Ngày 4/6/2015, anh Tuấn Em mang xe máy hiệu Yamaha do chị Bùi Thị Như Thơ đứng tên chủ sở hữu đi cầm cố lấy 26 triệu đồng để mua 15 sản phẩm yến chưng của Cty KVV. Mặc dù nộp tiền từ ngày 6/6/2015 nhưng mãi đến nay, anh Tuấn Em vẫn chưa nhận được hàng và chỉ học được cách mời chào người khác mua sản phẩm. Qua tìm hiểu trên thị trường, anh Tuấn Em cho biết, một tổ yến như vậy chỉ có giá từ 160.000 đồng đến 300.000 đồng nhưng Cty KVV lại bán ra với giá 1,6 triệu đồng/hộp. Biết rõ không thể bán được sản phẩm này cho người khác nên anh xin hủy hợp đồng nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hằng (Kế toán trưởng) và ông Nguyễn Thanh Tú (Giám đốc Cty KVV) trả lời: Tiền đã chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để mua sản phẩm nên không thể hủy hợp đồng và trả lại tiền. Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy Cty KVV có dấu hiệu lừa đảo khách hàng nên anh Tuấn Em không mời người thân, bạn bè tham gia…

Trước đó không lâu, ông Nguyễn Hồng Phong (ngụ quận 1, TP. HCM), Nguyễn Điền Sơn (ngụ quận Thủ Đức, TP. HCM), Nguyễn Văn Đồng (ngụ huyện Nhà Bè, TP. HCM), Nguyễn Hoàng Kết (ngụ quận 9, TP. HCM) và Vũ Văn Chính, Trịnh Thị Toan (cùng ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) cũng vừa có đơn tố cáo Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Công ty CP LMTDVN, số 21K đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận, TP. HCM) nhận tiền nhưng không giao hàng mà họ đã mua.

Theo đơn tố cáo, vào tháng 3/2015, những người này được 2 nhân viên của Công ty CP LMTDVN tên Vũ và Thảo đến dụ tham gia vào mạng lưới kinh doanh phân vi sinh EMZ-USA của công ty.

Theo hướng dẫn, những người tham gia chỉ cần mua 2 đợt hàng là thành người của công ty. Đợt 1, mua 1 đơn hàng với số tiền 8.450.000 đồng cho 10 lít phân vi sinh và được tham gia chương trình "Nối vòng tay lớn". Chương trình này sẽ nhân gấp 11 lần số tiền đã nộp, cụ thể là 333.680.000 đồng cộng với 1 chiếc xe gắn máy hiệu Honda SH 125i. Đợt 2, mua 1 gói đơn hàng giá 9.888.000 đồng sẽ được nhận 10 lít phân vi sinh và tham gia chương trình "Cuộc sống thịnh vượng". Chương trình này sẽ nhân 6 lần số tiền đã nộp, tức 117.320.000 đồng và 1 chiếc xe hơi Toyota Camry 2.0.

Để tăng thêm phần hấp dẫn, Vũ và Thảo nhiều lần đưa những "con mồi" của mình đến tận công ty để tham dự các buổi hội thảo, tư vấn. Tại đây, lãnh đạo Công ty CP LMTDVN, bồi thêm niềm tin cho khách hàng rằng: "Các chương trình tri ân này đã được đăng ký với Bộ Công Thương và công ty sẽ cấp mã số để khách hàng truy cập vào trang web công ty để trực tiếp theo dõi việc trả thưởng".

Tin lời, những người tham gia nộp tiền nhưng chỉ nhận được hóa đơn nộp tiền do nhân viên công ty ký sơ sài, không có con dấu của công ty, cũng không nhận được hóa đơn tài chính. Nghi ngờ, những khách hàng này kéo đến trụ sở công ty để tìm hiểu vụ việc thì các nhaanh viên cứ đùn đẩy cho nhau mà không có lời giải thích rõ ràng. Trong khi đó, công ty này vẫn ngang nhiên tổ chức hội thảo rao giảng kinh doanh kinh doanh đa cấp và hứa hẹn, chiêu dụ hàng trăm người, nhất là những người dân nghèo ở các tỉnh miền Tây đang cần phân bón và mơ đến số tiền "khủng" để đổi đời....

Kinh doanh đa cấp hay là lừa đảo có hệ thống?

Bán hàng đa cấp ở nước ngoài là một phương thức kinh doanh tiến bộ, hiện đại và rất phát triển nhưng không hiểu sao loại hình kinh doanh này ở Việt Nam lại bị gắn với sự lừa đảo, tai tiếng. Có lẽ ở Việt Nam bây giờ, kinh doanh đa cấp chân chính thì ít mà lừa đảo đa cấp thì nhiều! Theo con số mới công bố của Bộ Công Thương thì ở Việt Nam có đến 1 triệu người bán hàng đa cấp. Một triệu người là con số không hề nhỏ, nhất là sau hàng loạt bài báo phanh phui tình hình làm ăn lừa đảo của một số công ty đa cấp ở Việt Nam thời gian qua.

Về mặt định nghĩa, kinh doanh đa cấp, hay còn gọi là kinh doanh đa tầng, kinh doanh theo mạng là "việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau" (theo Điều 3- Luật Cạnh tranh 2005).

Theo lý thuyết, người tham gia, vừa là khách hàng của công ty (bước đầu tham gia), vừa là một thành phần của công ty đó (sau khi đã tham gia). Hưởng lợi của người tham gia là từ tiền hoa hồng của sản phẩm bán được (do bản thân mình, hoặc người cấp dưới).

Nếu chỉ xét ở khía cạnh khái niệm và nếu các công ty kinh doanh đa cấp cũng tuân thủ đúng theo định nghĩa này thì đã không có chuyện gì để nói. Quan trọng là giữa lý thuyết và thực tế là cả một khoảng cách xa vời. Nhiều công ty đa cấp ở nước ta lại không làm như vậy. Thứ nhất, họ không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm mà chỉ giỏi trong việc đánh vào lòng tham của đa số dân chúng. Làm giàu và làm giàu thật nhanh, thật dễ dàng mà không mất công sức gì luôn là câu được những thủ lĩnh tiêm nhiễm cho các tân binh khi gia nhập. Các công ty bán hàng đa cấp thường đánh vào tâm lý này của đám đông, người nào bị lóa mắt bởi đồng tiền thì lý trí sẽ bị làm mờ đi và không thể nào minh mẫn nữa.

Những ai đã từng đi nghe những buổi diễn thuyết để lôi kéo thêm người của các công ty đa cấp mới thấy sức mê hoặc khủng khiếp từ lời nói của các "chuyên gia" này.

Họ không giới thiệu về sản phẩm mới hay các tính năng ưu việt mà quan trọng nhất là phần giới thiệu về các tấm gương làm giàu nhanh chóng sau khi mới vào công ty được vài tháng, với mục thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng.

Thứ hai, lợi nhuận không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo được nhiều người tham gia bán hàng đa cấp. Đây chính là điểm khác nhất giữa bán hàng đa cấp ở Việt Nam so với các quốc gia khác. Ở Việt Nam thì chỉ cần có nhiều người tham gia mạng lưới đa cấp là được. Khi mới tham gia thì họ sẽ bắt nộp tiền ký quỹ và các loại lệ phí tham gia. Đây chính là thu nhập nuôi sống các công ty đa cấp chứ không phải doanh số bán hàng. Nếu muốn có tiền hoa hồng thì phải bằng mọi cách lôi kéo được những người khác cùng tham gia với mình để tạo thành cả hệ thống "bầy đàn" đa cấp.

Nhiều công ty đa cấp ở VN hoạt động theo nguyên lý ép buộc chứ không phải tự nguyện. Nếu đã trót tham gia vào các mạng lưới đa cấp thì có muốn rút chân ra cũng khó. Nếu đã bỏ tiền ra cho các công ty này thì khả năng thu hồi là hầu như không thể vì họ sẽ lấy số đông để lấn át khách hàng. Còn với nhân viên, do đã mắc nợ công ty một số tiền nên cũng không có lối thoát. Cách rút chân ra duy nhất là chịu nộp tiền phạt, điều này thì không phải ai cũng làm được…

Choáng ngợp bởi những con người hào nhoáng đóng vest đẹp đẽ, những cái bắt tay đầy phong thái doanh nhân, viễn cảnh mua siêu xe, xây resort nhanh chóng, nằm ngủ tiền cũng tự động chảy vào túi... tất cả chỉ là chiếc "bánh vẽ" của kinh doanh đa cấp bất chính đem lại. Vậy mà vẫn rất hấp dẫn, khiến nhiều người u mê chạy theo cơn ảo tưởng làm giàu nhanh chóng đến nỗi họ quên đi một sự thật cơ bản rằng, chẳng có sự giàu có nào từ trên trời rơi xuống nếu không đổ mồ hôi, công sức lao động chân chính.

Còn tiếp...

Theo Quỳnh Bùi (NĐT)