Một nửa của cải toàn cầu rơi vào tay 1% dân số

Các tỷ phú và chính trị gia tập trung ở Thụy Sĩ tuần này sẽ chịu sức ép phải khắc phục sự bất bình đẳng ngày càng tăng sau khi một nghiên cứu của Oxfam phát hiện rằng - nếu khuynh hướng hiện nay vẫn duy trì - vào năm tới, 1% dân số thế giới sẽ sở hữu số tài sản nhiều hơn tổng tài sản của 99% dân số còn lại.

người giàu thế giới

1% số người giàu nhất thế giới sẽ tiếp tục giàu thêm

Trước cuộc họp hằng năm tuần này của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại khu trượt tuyết Davos, tổ chức chống đói nghèo Oxfam nói sẽ sử dụng vai trò nổi bật của mình tại diễn đàn để yêu cầu có hành động khẩn cấp thu hẹp khoảng cách giữa người giàu với người nghèo.

Nghiên cứu của Oxfam công bố hôm thứ hai, 19-1-2015, cho thấy phần sở hữu tài sản thế giới của 1% số người giàu nhất đã tăng từ 44% năm 2009 lên 48% năm 2014. Trong số 52% của cải toàn cầu còn lại, gần 46% do năm người giàu nhất thế giới còn lại nắm giữ, trong khi 80% thành phần nghèo nhất hiện chỉ nắm 5,5% tổng của cải toàn cầu. Oxfam nhấn mạnh rằng, với khuynh hướng hiện nay, 1% dân số giàu nhất sẽ sở hữu hơn 50% của cải thế giới vào năm 2016.

Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành Oxfam và là một trong sáu đồng chủ tọa của diễn đàn năm nay, nói sự tập trung tài sản tăng lên từ cuộc suy thoái sâu năm 2008 - 2009 này là rất nguy hiểm và cần phải đảo ngược lại. Trong một buổi trả lời phỏng vấn của Guardian, Byanyima nói: “Chúng tôi muốn mang một thông điệp từ những người ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới tới diễn đàn...”.

Năm ngoái, Oxfam nổi bật ở Davos với một nghiên cứu cho thấy rằng 85 người giàu nhất trên hành tinh có khối tài sản bằng 50% dân số nghèo nhất (3,5 tỷ người). Năm nay, tổ chức từ thiện này thông báo phép so sánh trên giờ thậm chí còn khắc nghiệt hơn, với chỉ 80 người đang nắm trong tay số tài sản bằng của hơn 3,5 tỷ người. 

Báo cáo của Oxfam cảnh báo “sự bùng nổ bất bình đẳng” đang cản trở cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu. Byanyima đặt câu hỏi liệu có ai thực sự muốn sống trong một thế giới nơi 1% dân số sở hữu nhiều của cải hơn của tổng số người còn lại gộp chung. Bà nói: “Khoảng cách giữa những người giàu nhất và số người còn lại đang mở rộng nhanh chóng... tới mức nguy hiểm. Điều đó không tốt cho tăng trưởng và cho việc cai quản...”.

Nghiên cứu khác của Equality Trust, tổ chức vận động giảm bất bình đẳng ở Anh cho rằng 100 gia đình giàu nhất ở Anh năm 2008 có khối tài sản chung tăng ít nhất 15 tỷ bảng. Một trăm người giàu nhất hiện nay của Anh có khối tài sản bằng với 30% hộ gia đình ở nước này.

Bất bình đẳng đi vào nghị trình trên nửa thế kỷ qua do lo ngại rằng sự hồi phục kinh tế từ cuộc suy thoái toàn cầu 2008 - 2009 đã đi kèm với việc siết chặt các tiêu chuẩn sống và sự gia tăng giá trị tài sản do người giàu nắm giữ, chẳng hạn như bất động sản và cổ phiếu. 

Giáo hoàng Francis và Giám đốc IMF, Christine Lagarde, nằm trong số những người cảnh báo bất bình đẳng tăng lên sẽ phá hỏng kinh tế thế giới nếu không được kiểm soát.

Báo cáo của Oxfam đưa ra chỉ một ngày trước phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó ông được cho là sẽ kêu gọi tăng thuế đối với người giàu để giúp tầng lớp trung lưu.

 Theo MINH PHƯƠNG (CATPHCM)