Ngộ độc khí CO, tổn thương não nặng do sưởi ấm bằng than hoa

Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một nam thanh niên bị n gộ độc khí Co, tổn thương não do sưởi ấm bằng than hoa

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân (nam, 31 tuổi) người dân tộc H mông, Xã Lóng Luông, Huyện Vân Hồ, Tỉnh Sơn La chuyển đến trong tình trạng hôn mê, suy thận, tổn thương cơ, được chẩn đoán ngộ độc khí CO, tổn thương não.

Khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân được biết, do thời tiết giá lạnh, bệnh nhân có đốt than hoa trong phòng kín để sưởi ấm rồi đi ngủ. Đến khoảng 4h sáng người nhà nghe thấy có tiếng động trong phòng nên vào kiểm tra thì phát hiện bệnh nhân đã bất tỉnh, nên vội đưa đến bệnh viện.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, khi đốt các nhiên liệu chứa các-bon như củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu,… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 (các bon đi oxít) ít ảnh hưởng sức khỏe, nhưng nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO (các bon mô nô xít) lại là khí rất độc. Khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.

ngo-doc-khi-co-ton-thuong-nao-nang-do-suoi-am-bang-than-hoa

Người dân cẩn trọng khi sưởi ấm bằng than củi vì có thể gây tử vong. Ảnh minh họa

Mặc dù hiện tại tình trạng bệnh nhân đã có ý thức tỉnh hơn, tuy nhiên đây là một trường hợp rất là nặng, có dấu hiệu tổn thương não hai bên rất rõ ràng, có tổn thương cơ, có suy thận…. Nguy cơ rất cao là bệnh nhân sẽ có các biến chứng về tâm thần, thần kinh lâu dài, ví dụ mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, run tay chân, co cứng cơ, liệt,…. Hiện tại Trung tâm Chống độc đang áp dụng các biện pháp điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra cho bệnh nhân.

BS Nguyên cho biết thêm, theo những số liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, kể cả những trường hợp nhẹ nhất trong những trường hợp người bị ngộ độc khí CO, có tới khoảng gần 50% sẽ gặp những biến chứng về sức khỏe tâm thần, thần kinh, tổn thương não sau này. Nhẹ nhất có thể là suy giảm trí nhớ các mức độ khác nhau, thậm chí có thể là hôn mê, hoặc mất trí nhớ hoàn toàn.

Ngoài ra do cấu trúc nhà ở của người dân hiện nay rất có vấn đề về mặt thông khí, phần lớn tự xây, tự thiết kế và rất kín trong khi không có hệ thống thông khí hay chí ít thì có ô thoáng, có cách để bơm khí từ bên ngoài vào và hút khí từ trong ra.

Do đó, theo khuyến cáo của BS Nguyên, người dân, người dân tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas,… để trong không gian kín. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì không được sử dụng trong phòng kín, nên để mở cửa thoáng để có lưu thông khí đầy đủ. Tốt nhất là chọn phương pháp khác để sưởi ấm.

Khi phát hiện người bị ngạt khí cần mở rộng cửa để làm thoáng khí, trường hợp bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh, hoặc tim phổi không còn thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo hoặc ép tim (cấp cứu ngừng tuần hoàn) sau đó đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Tại các bệnh viện, bệnh nhân sẽ được cấp cứu điều trị tiếp.

Liên quan tới vấn đề sưởi ấm bằng than củi, mới đây Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh. 

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành (khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra và các tỉnh Tây Nguyên) quan tâm thực hiện các nội dung cụ thể:

Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp như các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết giá lạnh. Đặc biệt cần tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán, xử trí bệnh đột quỵ, đánh giá tình trạng bệnh và nguy cơ để chuyển viện cứu chữa kịp thời trong "giờ vàng".

Cùng đó, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện: nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… cần bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt độ phù hợp như yêu cầu của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 2.0.

Đồng thời thực hiện phòng, chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh nằm trên sàn nhà lạnh, hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khoẻ.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyên truyền cho người dân địa phương về nguy cơ của thời tiết tới sức khoẻ, tăng cường phòng chống rét đặc biệt các đối tượng người già và trẻ em; nhà cửa được che chắn kỹ, bảo đảm quần áo đủ ấm. Cảnh báo để người dân biết về các tai nạn do sưởi như bỏng lửa, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường truyền thông, cảnh báo để người dân biết về các tai nạn do sưởi như bỏng lửa, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ việc thực hiện phòng chống rét, kiểm tra các phương tiện phục vụ người bệnh trong các đợt kiểm tra bệnh viện Quý I năm 2024; tổng hợp số liệu do ảnh hưởng của thời tiết và báo cáo các diễn biến bất thường để kịp giải quyết...

Theo VietQ