Người dân đổ xô tìm mua kem đánh răng "nguồn gốc thiên nhiên" sau lời đồn thất thiệt

Thông tin trên khuyên người dùng chỉ nên mua các tuýp thuốc có ký hiệu xanh lá cây và xanh da trời.

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, nhiều người truyền tai nhau về kinh nghiệm làm sao chọn kem đánh răng không có thành phần hóa học. Thông tin này được lan truyền một cách chóng mặt khiến cho nhiều người hoang mang, thậm chí đổ xô đi tìm mua kem đánh răng có vạch màu xanh da trời...

Theo đó, thông tin được các cư dân mạng truyền tai nhau chính là kinh nghiệm kiểm tra những vạch màu ở cuối mỗi tuýp kem đánh răng. Nếu phía cuối mỗi sản phẩm có vạch màu xanh da trời là sản phẩm chứa thành phần thuần thiên nhiên; màu xanh lá bao gồm thiên nhiên và dược liệu; màu đỏ là thành phần thiên nhiên và hóa học, còn màu đen thì thuần túy là thành phần hóa học.

Người dân hoang mang

Vào ngày 22/5 vừa qua, một thanh niên có nickname Jonathan Sang Ly đã đăng tải lên trang cá nhân của mình một lời cảnh báo với nội dung: “Mau kiểm tra kem đánh răng nhà bạn đang sử dụng, nếu có vạch đen ở phần cuối thì hãy vứt đi, đúng là thiếu hiểu biết nguy hiểm thật. Từ sau có mua kem đánh răng thì phải coi thật kĩ màu vạch phía dưới, chứ không nên tin vào hàng hiệu nào hết. Khi mua kem đánh răng cần chú ý màu sắc phía cuối mặt sau của tuýp kem.

Hôm nay mới biết, hóa ra vạch màu này cũng có ý nghĩa! Có tất cả 4 màu: xanh da trời, xanh lá, đỏ, và đen. Xanh da trời: thành phần thuần thiên nhiên. Xanh lá: thiên nhiên và dược liệu. Đỏ: thiên nhiên và thành phần hóa học. Đen: thành phần hóa học. Hãy lựa chọn những loại có màu xanh da trời và xanh lá! Có rất nhiều loại kem đánh răng của cả nước ngoài cũng toàn thành phần hóa học. Nếu biết những thông tin này hãy gửi nó cho bạn bè của mình để chúng ta không phải ảnh hưởng tới sức khỏe".

Lời cảnh báo trên được đưa ra khá logic khiến nhiều người đọc được thông tin vô cùng lo lắng. Ngay lập tức, cư dân mạng đã truyền đi thông điệp cần kiểm tra kĩ các tuýp kem đánh răng ở nhà mình, chỉ nên dùng loại có vạch màu xanh da trời và xanh lá cây với nguyên liệu an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình với mức độ chóng mặt.

Chưa cần biết thông tin trên đúng hay sai, nhưng những kiểu tin đồn như thế này khiến cho rất nhiều người ho-ang mang, có người còn chẳng ngại ngần ném tuýp kem đánh răng đang dùng của mình vào sọt rác vì có vạch màu đen để đi tìm kem đánh răng có vạch màu xanh.

Thực hư tin đồn

Theo đó, trên mỗi sản phẩm kem đánh răng, phía cuối mỗi tuýp đều có những vạch chỉ màu khác nhau. Trên thực tế, khi tìm mua kem đánh răng ở siêu thị, chúng tôi phát hiện có 5 màu: ngoài màu xanh lá, xanh lam (chứ không phải xanh da trời), đỏ, đen, còn có màu trắng. Kem đánh răng có vạch đen và vạch màu lam là nhiều nhất, sau đó là đến màu đỏ (hầu hết là của trẻ em). Màu xanh là chủ yếu là kem đánh răng có thuốc hoặc các loại muối, màu trắng thì ít gặp hơn.

Trước những tin đồn trên, Tiến sĩ Lưu Thị Nguyệt Minh (Phó phòng Hóa phân tích - Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho hay đó là những tin đồn thiếu căn cứ. Trên thực tế, mỗi loại kem đánh răng có một loại hợp chất khác nhau, điều này cần xem thành phần ở bao bì.

Kem đánh răng không phân chia thành 100% thiên nhiên hay hóa chất, mà tùy loại kem đánh răng có thể thêm chất hóa học khác nhau, như vị bạc hà, vị chanh, vị muối... Bởi lẽ, kem đánh răng của bất kể hãng nào cũng có chứa thành phần hóa học nhất định và ở trong giới hạn cho phép. Những chất hóa học có tác dụng tăng ma-xát, diệt khuẩn, làm sạch miệng.

Còn về những vạch màu hình vuông dưới mỗi tuýp kem đánh răng chỉ là cách đánh dấu độ dài để cắt và đóng gói, có thể gặp ở các loại khác như mỹ phẩm, thức ăn, đồ uống, trong các màu sắc in trên bao bì, họ sẽ chọn ra một màu để định vị trí, không liên quan đến thành phần bên trong.

Trong ngành công nghiệp in ấn, ô vuông này được gọi là "Điểm mắt". Kí hiệu này nhằm mục đích để đánh dấu điểm mốc, giúp máy nhận diện được rìa ngoài của sản phẩm để cắt thành từng tuýp nhỏ. Màu sắc xanh, đen, đỏ, trắng... cuối mỗi sản phẩm nhầm mục đích phân biệt mà chữ, tên sản phẩm. Bởi thế mới có chuyện một hãng kem đánh răng nhưng có đến 2-3 mã màu khác nhau.

Còn theo như một số chuyên gia nha khoa, chọn kem đánh răng không phải theo màu sắc, bởi thành phần cơ bản như nhau, chỉ khác là mỗi loại sẽ chú trọng vào một thành phần riêng biệt và cơ bản đều đã được kiểm định, có thể yên tâm sử dụng. Các bác sĩ cho biết, nên chọn theo tác dụng, như làm trắng, chống viêm, giảm chảy máu chân răng... Ngoài ra nên thường xuyên thay đổi các loại kem đánh răng để tăng hiệu quả sử dụng. Sáng và tối cũng nên đánh hai loại khác nhau. Bàn chải cũng nên thay thường xuyên.

Rõ ràng, thông tin trên mạng xã hội về mã màu sắc liên quan đến thành phần của kem đánh răng là không đúng sự thật. Đây không phải là một thực tế trong ngành công nghiệp kem đánh răng nói riêng và các sản phẩm khác có mã màu hình ô vuông được in trên sản phẩm nói chung.

Tiến sĩ Minh cũng khuyên người tiêu dùng không nên quá cả tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng. Bởi lẽ, người tiêu dùng lâu nay sử dụng các sản phẩm kem đánh răng chỉ quan tâm đến chất lượng, nghĩa là có sạch răng hay không, chứ không chú ý quá nhiều đến thành phần. Chỉ đến khi có ai đó khuyến cáo rằng sản phẩm kem đánh răng này, sản phẩm kem đánh răng kia có chất độc, mọi người mới lưu tâm.

Vậy nên, nếu có thắc mắc về sản phẩm, người dùng nên tra cứu kĩ lại thành phần của sản phẩm trên website, gọi điện lên hãng hỏi hoặc có thể đem trực tiếp sản phẩm đến các phòng ban chuyên môn để kiểm định chất lượng của sản phẩm. Mỗi người dân hãy là một người tiêu dùng thông thái, tránh trường hợp "nghe gì tin nấy", "tiền mất, tật mang". 

Hành vi tung tin đồn thất thiệt lên mạng có thể bị xử phạt

Theo điểm a, khoản 3, điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11- 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, đối với các hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (nếu là tổ chức vi phạm) và 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (nếu vi phạm là cá nhân). Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện.

Theo Câu chuyện pháp luật