Nguy cơ mất xe với bẫy lừa cầm cố

“Cầm cà vẹt xe lên đến 90% giá trị xe nhưng chúng tôi không giữ xe, bạn vẫn còn xe đi lại”, “Giải pháp tài chính giúp bạn vẫn có tiền, vẫn có xe đi”…, những lời chào mời của những tiệm cầm đồ đang “tung chiêu” ảo để thu hút khách hàng. Sự thật là như thế nào?

Nguy cơ mất xe cao

Chị Nguyễn Diệu Linh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: “Tôi có việc cần tiền, thấy dịch vụ cầm đồ quảng cáo cầm cà vẹt xe giá trị lên tới 90% nên tôi tìm tới. Chiếc xe SH Mode của tôi cầm được 40 triệu đồng với lãi suất 9%/tháng (120.000 đồng/ngày).

Loay hoay trả lãi, hơn 2 tháng sau tôi nhận được cuộc điện thoại của một số máy lạ yêu cầu tôi đem xe qua địa chỉ chỉ định để trả xe, vì xe của tôi đã được sang tên bán cho họ. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa”.

Từ tờ rơi dán trên các trụ điện quảng cáo, trong vai người đang cần tiền giải quyết việc gia đình, chúng tôi gọi vào số điện thoại 0903180XXX, một người tên T. bắt máy hồ hởi bảo:

“Chị đem xe ra đây, bên em định giá và làm thủ tục cho, đảm bảo 10 phút là chị có tiền giải quyết chuyện riêng mà lại vẫn có phương tiện đi lại. Làm ăn ngày càng khó, tụi em phải nghĩ đủ cách để có lợi cho khách hàng nhất thì người ta mới tìm đến mình, miễn là xe chính chủ và hộ khẩu TPHCM là được nhé”.

Chúng tôi gặng hỏi lãi suất bao nhiêu thì T. cho biết lãi suất chỉ 1% - 10%, tùy xe, nhưng phải đem xe ra xem thực tế thì mới biết được. 

Chúng tôi đi chiếc xe Lead đời 2016 mới mua được 7 tháng với giá 49 triệu đồng tới tiệm cầm đồ trên đường Đội Cung (phường 9, quận 11). T. xăm soi xe, soi giấy tờ và yêu cầu đối chiếu chứng minh nhân dân rồi cho biết: “Bên em định giá xe của chị 23 triệu đồng, em cầm 20 triệu đồng cho tròn, lãi suất 10%/tháng.

Bây giờ chị ký vào hợp đồng mua bán xe rồi ra công chứng, coi như em mua lại xe của chị, chị thuê lại chiếc xe này để đi, 15 phút sau chị sẽ nhận đủ tiền, lãi em tính theo ngày nhưng để tiện cho chị thì đóng theo tuần, khi nào trả đủ gốc thì em lại làm hợp đồng bán xe về cho chị. Chị có xe đi mà em cũng đỡ phải thuê bãi”. 

Nguy cơ mất xe với bẫy lừa cầm cố

Một tiệm cầm cà vẹt xe lên đến 80% giá trị xe tại quận 2. Ảnh: THỤC HÂN

Đọc các điều khoản trong hợp đồng, lãi suất ghi 3%/tháng, tôi thắc mắc thì người này nói: “Đó là để đối phó khi công an kiểm tra thôi, chứ 3% thì không bằng tụi em cho vay tín dụng dưới 10 triệu đồng, đằng này chị vừa có tiền, vừa có xe đi thì lãi suất phải cao hơn chứ”.

Chúng tôi lấy lý do 20 triệu đồng không đủ giải quyết việc riêng nên từ chối để tìm cách khác. Cũng chiếc xe đó, chúng tôi được tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2), định giá cầm được 25 triệu đồng với lãi suất 9%/tháng. Quy trình cầm xe cũng giống như tiệm cầm đồ của T.

Tuy nhiên, với khoản lãi suất “cắt cổ” này thì nhiều người không trả được lãi đúng hạn, lãi mẹ đẻ lãi con, cộng với tiền gốc khiến 9% - 10% lãi tăng lên chóng mặt.

Đến lúc người cầm cố xe mải xoay tiền trả lãi thì chủ tiệm có đầy đủ pháp lý để bán sang tên cho người khác. Khi biết mình bị lừa thì sự việc đã rồi bởi họ đầy đủ hợp đồng mua bán, hợp đồng cho thuê xe với lãi suất theo quy định của Nhà nước. 

Cho vay lãi nặng núp bóng tiệm cầm đồ

Từ những trường hợp trên cho thấy một số tiệm cầm đồ đã hnh vi. oạt động trá hình, thực chất những nơi này đang thực hiện hành vi cho vay lãi nặng với những thủ đoạn ti

Đối tượng cho vay lãi nặng đã lách luật, dùng “hợp đồng mua bán tài sản” để che giấu hoạt động phạm pháp, đồng thời hợp thức hóa việc chiếm lấy tài sản của người dân thiếu hiểu biết pháp luật. Hình thức này không mới, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin bị mắc bẫy.

Trước đây, ngành tòa án đã phải rất đau đầu khi xét xử những vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà”. Người “bán” cho rằng hợp đồng mua bán chỉ là giả tạo, bản chất là quan hệ vay mượn tiền với lãi suất cao. Muốn vay được tiền, bên cho vay buộc bên vay phải làm “hợp đồng mua bán” để  bảo đảm khoản nợ vay.

Có không ít người mất nhà vì không chịu nổi lãi suất cao hoặc đến hạn không kịp thanh toán. Để “phá” những vụ án dạng này, tìm ra bản chất thật, bảo vệ quyền lợi người lương thiện không phải là chuyện dễ dàng.

Nhiều đối tượng cho vay lãi nặng rất tinh vi, không để lại bút tích nào liên quan đến việc cho vay, mà tất cả đều làm “hợp đồng mua bán”. Muốn chứng minh “hợp đồng mua bán” là giả tạo thì hết sức khó khăn. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), những hợp đồng mua bán xe như trên đều là hợp đồng vô hiệu do giả tạo, nhằm che giấu giao dịch vay tài sản (hoặc cầm cố tài sản).

Rõ ràng, những người cầm đồ đã có dấu hiệu của hành vi “cho vay lãi nặng” theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột”.

Vì vậy, theo luật sư Đức, cơ quan chức năng, nhất là công an, cần vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật về hành vi “cho vay lãi nặng”.

Những người đã rơi vào trường hợp này cần nhanh chóng khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên bố các “hợp đồng mua bán xe” là vô hiệu do giả tạo để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Đồng thời, người dân cần phải tỉnh táo, cẩn trọng trước những lời chào mời đường mật của các đối tượng cho vay lãi nặng núp bóng cửa tiệm cầm đồ; nếu không, với mục đích ban đầu là cầm cố tạm xe để có tiền sử dụng, chủ xe gặp nguy cơ bị mất xe rất cao.

Theo HẢI THU - KIM PHƯỢNG/SGGP