Nhiều người vẫn hiểu sai ý nghĩa của đèn vàng

Nhiều người vẫn nghĩ, đèn vàng là để chạy từ từ băng qua ngã tư khi chưa sang đèn đỏ, nhưng điều này vô cùng sai lầm và rất nguy hiểm. 

Nhiều người vẫn hiểu sai ý nghĩa của đèn vàng
Quy định phạt lỗi vượt đèn vàng cao nhất 2 triệu đồng gây tranh cãi. (Ảnh: CAND)

Từ ngày 1/8, Nghị định 46 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thay thế các Nghị định 171 và 107, quy định người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng và đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau. Mức phạt đối với ô tô từ 1,2 đến 2 triệu đồng (mức cũ là 800.000 - 1,2 triệu đồng) và mô tô, xe gắn máy từ 300.000 - 400.000 đồng (mức cũ là 60.000 – 80.000).

Quy định gây ra nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, mức phạt như vậy là không phù hợp. Trên thực tế, nhiều người nghĩ đèn vàng “là cuộc đua” để chạy qua ngã tư trước khi chuyển sang màu đỏ. Chính quan niệm sai lầm này đã gây ra những tai nạn đáng tiếc khi người điều khiển phương tiện cố nhấn ga.

Vậy, phải hiểu ý nghĩa đèn vàng như thế nào cho đúng? Theo Khoản 3, Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về đèn tín hiệu:

Tín hiệu xanh: cho phép đi.

Tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.

Tín hiệu vàng nhấp nháy: báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Tín hiệu đỏ: báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng xe.

Như vậy từ trước tới giờ, việc vượt đèn vàng bị coi là không chấp hành tín hiệu giao thông và bị phạt hành chính theo luật định.

Nhiều người vẫn hiểu sai ý nghĩa của đèn vàng
Đèn vàng sinh ra để làm sạch nút giao cắt

Đèn vàng được sinh ra với mục đích là đèn làm sạch nút giao cắt, vì nếu lập tức chuyển từ đỏ sang xanh thì xe đã đi vào nút giao cắt sẽ không có thời gian để ra khỏi nút giao nhường đường cho xe phía khác đi, rất dễ gây tai nạn. Vì thế, thêm một đèn tín hiệu chuyển tuyến sẽ giúp các xe đã đi qua nút giao cắt có thời gian đi hết đoạn giao cắt, nhường đường cho xe phía khác.

Nhiều người vẫn hiểu sai ý nghĩa của đèn vàng
Khi thấy đèn vàng người điều khiển phương tiện phải dừng lại trước vạch giống như đèn đỏ.

Chính việc không hiểu rõ vai trò của đèn vàng mà nhiều người coi nhẹ nó, coi như không có cũng được, thậm chí là “bất tuân hiệu lệnh”. Điều này gây ra tình trạng cố vượt đèn vàng dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Vì thế, các nhà làm luật đã quy định mức phạt vượt đèn vàng ngang bằng với lỗi vượt đèn đỏ để người dân ý thức hơn vai trò của loại đèn này, tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra do vượt đèn vàng.

Bởi vậy khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải lập tức dừng lại ngay nếu thấy đèn vàng, giống như đèn đỏ vậy chứ không phải cố chạy để vượt. Và phải hiểu rằng, nếu xe đang đi qua nút giao cắt mà đèn xanh chuyển sang đèn vàng thì vẫn được đi tiếp để băng qua nút giao, giúp làm sạch nút giao trước khi chuyển tuyến cho xe phía khác.

Đèn vàng còn được dùng chung với đèn đỏ. Lúc này, đèn có chức năng thông báo sắp chuyển sang đèn xanh và vẫn có hiệu lực như đèn đỏ.

Theo Lê Minh (vntinnhanh)