Những ai tuyệt đối không nên uống nhiều nước?

Lợi ích của nước đối với sức khỏe là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên, có những nhóm người đặc biệt không nên uống quá nhiều nước.

Hầu hết chúng ta đều đã quen thuộc với những thông tin về tác dụng của nước. Nước giúp cơ thể hòa tan và vận chuyển các hợp chất như protein, carbonhydrate, vitamin, khoáng chất... Nước giúp thúc đẩy việc tiêu hóa thức ăn, tăng cường quá trình tuần hoàn dịch trong cơ thể, loại bỏ chất thải sau quá trình trao đổi chất.

nhung-ai-tuyet-doi-khong-nen-uong-nhieu-nuoc

Uống quá nhiều nước có thể gây ra tình trạng ngộ độc nước. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Uống nhiều nước làm tăng áp lực lên hệ thống tim mạch, tăng gánh nặng cho thận, làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn, thậm chí có thể gây ra tình trạng ngộ độc nước (còn gọi là nhiễm độc nước).

Nguyên nhân của tình trạng này là do nạp vào lượng nước vượt quá khả năng hấp thu của cơ thể. Từ đó làm hạ natri máu, gây ra những xáo trộn điện giải do tăng lượng hydrat trong cơ thể đột ngột, khiến chức năng não bộ bị tác động và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Triệu chứng của nhiễm độc nước bao gồm đau đầu, buồn nôn, co giật cơ, có thể gây tử vong. Chính vì vậy không nên uống quá nhiều nước, đặc biệt nếu bạn thuộc một trong những nhóm người sau:

Người ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động

nhung-ai-tuyet-doi-khong-nen-uong-nhieu-nuoc

Hiện nay, dân văn phòng có thói quen thiếu lành mạnh là ngồi một chỗ và không tập luyện thể thao. Điều này dẫn tới nguy cơ sưng phù chân, giãn tĩnh mạch chân.

Nếu ngồi nhiều và uống nhiều nước sẽ khiến máu lưu thông chậm, gây ra tình trạng chi dưới bị sưng, đau. Ngược lại, uống ít nước vừa không tốt, vừa tăng nguy cơ sỏi thận. Giải pháp lúc này là uống đủ lượng nước cần thiết, chịu khó đứng dậy đi lại và tăng cường tập luyện thể thao

Người ra nhiều mồ hôi sau khi thể dục hoặc làm việc nặng nhọc

Khi cơ thể tiết ra một lượng lớn mồ hôi sẽ dẫn đến mất nước và các chất điện giải. Nếu uống nhiều nước cùng lúc sẽ xảy ra tình trạng cơ thể hấp thu nhiều nước trong khi các chất điện giải chưa được bổ sung kịp thời.

Từ đó kéo theo việc nồng độ các chất điện giải như ion natri trong máu giảm nhanh chóng, có thể gây ngộ độc nước. Trong trường hợp này, bạn nên uống nước có bổ sung đầy đủ các chất điện giải.

Người thận yếu

Các bác sĩ thường gợi ý người khỏe mạnh nên uống nhiều nước để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Tuy nhiên, với những người thận yếu, điều này chưa chắc đã thích hợp. Uống nhiều nước làm tăng lưu lượng máu, tốc độ lọc tăng lên dẫn đến gia tăng gánh nặng cho thận và làm tình hình xấu đi.

Người suy thận cần phải cung cấp nước vừa đủ theo khuyến cáo của chuyên gia. Khi uống nước cần chia nhỏ thành nhiều lần trong ngày thay vì uống quá nhiều cùng lúc hoặc quá ít.

Người có vấn đề tim mạch

Uống quá nhiều nước sẽ làm tăng thể tích máu của cơ thể kéo theo tăng tải trọng lên tim và mạch máu. Đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch thì uống nhiều nước sẽ tăng nguy cơ bị suy tim, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Người bị bệnh gan

Nếu đang bị các bệnh về gan bạn cũng cần chú ý đến lượng nước uống mỗi ngày. Khi hấp thụ quá nhiều nước sẽ khiến cho bụng tích tụ nhiều dịch gây ra tình trạng tuần hoàn dịch bị rối loạn.

Người có đường huyết cao

nhung-ai-tuyet-doi-khong-nen-uong-nhieu-nuoc

Uống nước nhiều không giúp làm hạ thấp chỉ số đường huyết. Ngược lại, thói quen này còn tạo thêm gánh nặng cho cơ thể và gây ra tình trạng phù nề.

Ngoài ra không nên uống nhiều nước khi uống thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, trước và sau bữa ăn, trước khi đi ngủ. Tác dụng của thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày là hình thành lớp bảo vệ bên ngoài niêm mạc dạ dày bị tổn thương để ngăn ngừa axit ăn mòn thành dạ dày.

Việc uống quá nhiều nước sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Ngoài ra, uống nhiều nước trước và sau bữa ăn gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá thức ăn. Uống nhiều nước trước khi đi ngủ sẽ khiến đi tiểu nhiều hơn, làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Theo Người đưa tin