Những điều lưu ý khi cúng Táo Quân không nên bỏ qua

Cúng ông Công ông Táo từ xa xưa đã là một nghi lễ quan trọng của người Việt. Vậy nhưng, cúng thế nào và cần tránh những điều cấm kỵ gì khi thực hiện cúng Táo Quân thì không hẳn ai cũng biết.

Không cúng Táo Quân trên bàn thờ gia tiên?

Theo quan niệm truyền thống dân gian Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về thiên đình để trình báo mọi việc của gia đình dưới hạ giới xảy ra trong một năm với Ngọc Hoàng và thay gia chủ bày tỏ mong muốn một năm mới vạn sự an lành. Khi đó, mọi người sẽ chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ sao cho gọn gàng, sạch sẽ. Đồng thời sẽ làm một mâm cúng để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.

Đa phần mọi gia đình đều cho rằng, cúng ông Công ông Táo cần cùng với gia tiên chứ không được cúng ở dưới bếp? Việc đặt mâm cúng Táo Quân ở trên bàn thờ gia tiên hay ở dưới bếp mới chuẩn cho đến nay vẫn còn nhiều quan niệm trái ngược.

nhung-dieu-luu-y-khi-cung-tao-quan-khong-nen-bo-qua

Tùy theo điều kiện thời gian mà mọi gia đình nên sắp xếp cúng trước ngày 23 hoặc đúng ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: Internet

Về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh (Học viện phong thủy ngũ hành) cho rằng, theo truyền thống văn hóa dân gian thì bàn thờ ông Táo thường đặt trong bếp. Nếu nhà nào có bàn thờ ông Táo như vậy thì đặt mâm cỗ tại đây. Còn không có bàn thờ ông Táo riêng, có thể đặt chung với bàn thờ thần linh gia tiên, chứ không nên để ở mâm cỗ ở ngoài ban công, tuyệt đối không được để ở bàn thờ Phật.

Chuyên gia phong thủy Linh Quang (Trung tâm Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành) cho rằng, tùy theo văn hóa vùng miền, cách đặt bàn thờ và bày lễ cúng Táo Quân sẽ có sự khác nhau. Ở miền Bắc, miền Trung thường cúng Táo Quân luôn trên bàn thờ chung của thần linh và gia tiên. Còn ở miền Nam, cho tới giờ vẫn giữ văn hóa là bàn thờ ông Táo thường đặt ở phía trên bếp nên việc sắm lễ bày luôn trong khu bếp.

Như vậy, việc đặt cúng Táo Quân ở bếp hay bàn thờ gia tiên là do văn hóa ở vùng miền chứ không có một quy tắc. Sự đúng sai trong thờ tự nếu để tâm quá nhiều thì sẽ gây nhiễu loạn tâm trí. Điều quan trọng nhất là sự phù hợp, sự thành tâm lúc cúng.

Mọi người đừng quá lo lắng, mọi việc tâm linh cũng cần xuất phát từ tâm. Khi tâm sáng mọi sự sẽ sáng, tâm thành mọi sự sẽ lành. Xuất phát từ nhiều quan niệm, nhiều người thường áp đặt rằng, làm như này mới đúng và hù dọa không làm theo vậy sẽ bị thế này, thế kia. Nhất là những tín đồ mê tín và những thầy cúng với nhiều tà tâm tuyên truyền sai lệch. Trong trường hợp có niềm tin lớn đối với việc này thì tham khảo các chuyên gia để thực hiện tốt giúp cho tinh thần thoải mái, yên tâm hơn.

Những điều cần lưu ý khi sắm lễ

Về lễ vật cúng Táo Quân, chuyên gia phong thủy Linh Quang cho hay, mâm cúng Táo Quân tùy theo điều kiện từng gia chủ, thông thường mâm cúng có đầy đủ các lễ mặn, lễ ngọt, bộ đồ quần áo 3 vị Táo Quân và có thêm cá chép.

Một trong những điều đại kỵ mà không ít gia đình vẫn mắc phải là bắt cá chép rán lên để cúng ông Táo. Không chỉ cá chép, tất cả các loại cá khác cũng không thể rán để đưa vào mâm cúng. Mọi người có thể cúng ông Táo bằng cá sống hoặc cá giấy nhưng cá chép giấy không có nhiều ý nghĩa bằng cá chép thật.

Theo đạo Phật, việc lấy cá chép thật để cúng rồi sau phóng sinh là một hình thức tạo phước lành cho chúng sinh, làm điều thiện. Các gia đình nên mua tối thiểu là 3 con cá chép sống hoặc mua nhiều hơn tùy theo điều kiện nhà mình. Điều cần lưu ý tránh thả ở ao hồ, sông suối bẩn khi thả xong là cá chết. Thả cũng cần nhẹ nhàng, từ từ cho cá có cơ hội sống. Đừng ném, quăng cá hay ném cả túi nilon không chỉ là thiếu ý thức mà còn mất đi cả ý nghĩa của việc phóng sinh, lại vô hình chung xả rác ra nguồn nước.

Bên cạnh đó, cần chú ý tránh không nên mua nhiều vàng mã với hy vọng rằng dâng nhiều sẽ được Táo Quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Điều này không chỉ gây tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Thay vì quá tốn kém mua đồ mã để đốt thì hãy dùng số tiền đó để làm việc thiện tạo phước lành sẽ được hưởng nhân quả tốt hơn.

Các chuyên gia văn hóa, tâm linh cũng cho rằng, trong khi khấn không nên xin tài lộc, no đủ, phú quý. Điều này cũng không nên. Thực chất lễ cúng 23 tháng Chạp Âm lịch mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Khi khấn ông Táo chỉ xin Táo công bẩm báo điều tốt, bớt nói điều không hay.

Với nhịp sống hiện đại, đa phần mọi người làm công sở thường đi làm cả ngày nhiều khi khó sắp xếp để cúng ông Công, ông Táo đúng ngày. Tùy theo điều kiện thời gian mà mọi gia đình nên sắp xếp cúng trước ngày 23 hoặc đúng ngày 23 tháng Chạp.

Theo đó, kể từ Rằm trở ra là các gia đình có thể chọn ngày để tiến hành cúng ông Công ông Táo. Nếu cúng ông Công, ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp thì cần phải cử hành trước 12h để Táo Quân còn tổng hợp rồi lên trời báo cáo. Theo quan niệm dân gian từ 11h – 13h là giờ Ngọ và đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời nên thời điểm đẹp nhất vẫn là tối 22 và sáng 23 tháng Chạp.

Chuyên gia phong thủy Linh Quang

Theo GiaDinh