Quá đà với mạng xã hội là… out!

Ngày 28.11 vừa qua, Võ Quốc Anh, 20 tuổi, ở Quảng Ngãi bị tạm giữ về hành vi tung tin đồn thất thiệt liên quan đến rắn lục đuôi đỏ, làm cho người dân tỉnh này hoang mang.

mang_xa_hoi

Sự việc trên và nhiều sự vụ trước đó chính là hồi chuông cảnh báo cho những ai lạm dụng quá đà mạng xã hội để rồi phải trả cái giá thật đắt.

Mạng xã hội mà đặc biệt là Facebook ra đời từ năm 2004 đã làm thay đổi nhận thức của không ít người trong xã hội hiện nay về sức mạnh của nó. Không quan tâm đến chất lượng, chỉ cần thông tin đó gây sốc, được nhiều người chú ý, câu được nhiều like và comment thì dân mạng sẵn sàng đăng tải. Thậm chí những quan điểm cá nhân có phần kích động, bạo loạn và vi phạm pháp luật cũng được cập nhật để tạo được tiếng vang cho bản thân. Họ chỉ nghĩ đơn giản mạng xã hội của mình thì có quyền nói gì, làm gì cũng được nhưng lại không ý thức được rằng mọi hành động cho dù là cá nhân, riêng tư đều chịu sự chế tài của pháp luật.

Người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 88 và điều 253 của bộ luật Hình sự”, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến bảy năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

theo ThS.LS Phạm Thanh Bình

Đáng buồn là việc “ảo tưởng” sức mạnh của mạng xã hội đã làm cho không ít người, ban đầu chỉ vì mục đích đùa giỡn, vui chơi, cuối cùng lại phải trả giá bằng những năm tháng tù tội, bằng những tiền án, tiền sự theo suốt cuộc đời. Điển hình như trường hợp của Nguyễn Khánh Thành, 28 tuổi, ở Hà Nội, bị công an bắt giữ để điều tra về hành vi tung tin đồn thất thiệt sự việc nữ sinh Hà Nội bị rạch đùi vào tháng 5.2013, hay vụ việc đăng tải tin đồn thất thiệt liên quan đến dịch bệnh Ebola làm hàng ngàn người dân hoang mang, lo sợ cực độ trong thời điểm tháng 8.2014 của Nghiêm Thuỳ Trang và Vũ Hương Thảo.

Không dừng lại ở việc tung tin đồn thất thiệt, một số cư dân mạng còn lạm dụng mạng xã hội để làm nơi đánh bóng tên tuổi và chứng tỏ bản thân mình. Ví dụ như vụ việc đối tượng Nguyễn Văn Quang, 22 tuổi, ở Quảng Nam, đưa hình ảnh một nhóm thanh niên hành hạ và giết hai con voọc lên trang cá nhân của mình vào ngày 16.7.2012. Hai con voọc trong hình là voọc chà vá, thuộc loài động vật quý hiếm, được Nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt. Vì đang là quân nhân ở Quân đoàn 3 nên sau khi cơ quan công an vào cuộc, Nguyễn Văn Quang đã phải trả giá cho hành động của mình bằng việc bị tước quân tịch.

Một ví dụ khác đó là Nguyễn Mạnh Linh, ở Lào Cai. Linh đã khoe chiến tích của mình trên mạng xã hội về vụ va chạm khiến ông Nguyễn Hữu Giảng, ở Yên Bái, tử vong với những lời lẽ phi nhân tính. Mặc dù không có đầy đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng Mạnh Linh đã bị cư dân mạng phản ứng dữ dội đến mức Linh phải bỏ nhà đi trốn để “bảo toàn tính mạng”.

Lý giải về hiện tượng lạm dụng quá đà này, ThS tâm lý Nguyễn Thị Vân, giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng những người như vậy thường là những người có tâm lý hướng nội, không thể hiện nhiều cảm xúc bên ngoài nhưng khi bước vào thế giới ảo thì họ hoàn toàn thay đổi, phần vì muốn giải toả cảm xúc của mình, phần vì muốn được trải nghiệm cảm giác mới lạ, thích thú khi được người khác chú ý, quan tâm. Tuy nhiên cũng không ít người lạm dụng quá đà mạng xã hội vì tâm lý thích chơi trội, muốn chứng tỏ bản thân mình, muốn được người khác công nhận.

Mạng xã hội là ảo nhưng những thông tin chúng ta phát ngôn, đăng tải đều là thật. Đừng chỉ vì một thứ giá trị ảo mà ảnh hưởng đến cuộc sống thật sự của chúng ta. Đừng để những thế giới ảo đó điều khiển cuộc đời ta. Hãy trở thành một cư dân mạng thông minh khi biết đâu là điểm dừng trong những chia sẻ, bày tỏ trên mạng xã hội.

Theo Lê Na (TGTT)