Sử dụng nguồn nước nhiễm vi khuẩn E.coli nguy hiểm như thế nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi vi khuẩn E.coli nhiễm vào nguồn nước hoặc thức ăn có thể gây ra hàng loạt bệnh.

Tại cuộc họp chiều muộn ngày 21/10, do UBND xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội), tổ chức, trả lời các câu hỏi liên quan đến chất lượng nguồn nước, ngành y tế huyện Thanh Oai cho biết kết quả mẫu xét nghiệm nước sạch lấy mẫu tại khu đô thị Thanh Hà vào ngày 13/10 vừa qua thể hiện trong nước có nhiễm vi khuẩn E.coli.

Ngành y tế huyện Thanh Oai khuyến cáo cư dân tạm thời không sử dụng nước sạch lấy trực tiếp từ vòi trong khu đô thị để ăn uống.

Ngay sau cuộc họp nêu trên, nhiều lãnh đạo tổ dân phố trong khu đô thị Thanh Hà đã lập tức phát khuyến cáo gấp đến các hội nhóm của tổ dân phố.

su-dung-nguon-nuoc-nhiem-vi-khuan-e-coli-nguy-hiem-nhu-the-nao

Chính quyền kiểm tra bể chứa nước của chung cư trong đô thị Thanh Hà

Vi khuẩn E.coli nhiễm vào nguồn nước hoặc thức ăn có thể dẫn đến hàng loạt bệnh cho con người

Liên quan đến vấn đề nguồn nước trong trường hợp phát hiện nhiễm khuẩn E.coli, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết, vi khuẩn E.coli có trong tự nhiên. Trong quá trình sinh hoạt, loại vi khuẩn này sinh sôi nảy nở có thể nhiễm vào thức ăn, qua đường ruột ra ngoài tự nhiên, hoặc từ động vật.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, không phải là loại bệnh truyền nhiễm nhưng khi vi khuẩn E.coli nhiễm vào nguồn nước hoặc thức ăn có thể dẫn đến hàng loạt bệnh (những ai dùng nguồn nước này đều dễ bị bệnh).

Đa số người bị nhiễm E.coli thời gian đầu không có triệu chứng mắc bệnh. Thời gian ủ bệnh của loại vi khuẩn này là khoảng 3-4 ngày, sau đó một loạt các triệu chứng đường ruột xuất hiện. Các triệu chứng có thể là tiêu chảy nhẹ, sốt nhẹ hoặc tiêu chảy ngắt quãng không kèm theo sốt.

Trong một số ít trường hợp, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi và người già, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và có thể phát triển hội chứng tăng urê máu có tán huyết gây suy thận, xuất huyết và các vấn đề thần kinh khác. Tỷ lệ tử vong là khoảng 3-5% ở những trường hợp này.

Đa số bệnh nhân khi bị vi khuẩn E.coli tấn công sẽ bị tiêu chảy, đau bụng, trong nhiều trường hợp có máu lẫn trong phân. Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy buồn nôn, ăn uống kém ngon miệng, cơ thể rơi vào tình trạng uể oải, mệt mỏi…

su-dung-nguon-nuoc-nhiem-vi-khuan-e-coli-nguy-hiem-nhu-the-nao

Nếu vi khuẩn có trong ao tù, kênh mương sẽ ngấm vào nguồn nước và gây bệnh (Ảnh TT)

Trong phần chia sẻ trên VOV, NCS Nguyễn Phúc Khánh Linh - Trường Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, các chất gây ô nhiễm do con người gây ra trong nước có thể gây rủi ro cho sức khỏe sinh sản. Hầu hết các hợp chất này được biết đến là hóa chất phá vỡ các kết nối nội tiết của tế bào (EDCs). EDC có thể tác động đến hệ thống nội tiết của cơ thể, làm suy yếu khả năng sinh sản của cả nam và nữ giới. Hệ thống nước thường xuyên bị các loại vi khuẩn như E. coli, amip ăn não… xâm nhập nên hầu hết các công ty cấp nước thường phải thực hiện các bước để đảm bảo chỉ có nước uống sạch, không có vi khuẩn để cung cấp cho người dùng.

Chuyên gia y tế cũng cho rằng, người dân thường tin tưởng các nhà máy cung cấp nước sạch, mặc định coi nguồn nước đó là "nước sạch" nên cứ thế tin dùng, mà không mấy khi quan tâm đến chất lượng.

Ông Thịnh cho biết thêm, nếu vi khuẩn chỉ xuất hiện trên bề mặt ruộng đồng hoặc ngoài không khí thì không nguy hiểm vì có thể bị tiêu diệt do nhiệt độ… Nhưng khi vi khuẩn E.coli ngấm sâu vào đất, nguồn nước không được xử lý triệt để thì có thể ngấm vào mạch nước lan ra rộng hơn. Mạch nước ngầm nào nếu ngấm vào nguồn nước sử dụng thì sẽ dẫn đến nguy hiểm.

"Khi người dân dùng nguồn nước ô nhiễm này thì có thể dẫn đến hàng loạt ảnh hưởng, thậm chí gây chết người", PGS.TS Thịnh nói.

Cách nhận biết nước sạch và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn trong nguồn nước

Chuyên gia y tế cho biết thêm, ở nhiều nước phát triển, các đơn vị cung cấp nước sạch với công nghệ cao họ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, nước lấy từ vòi ra có thể dùng được luôn. Tuy không tinh khiết như nước đóng chai, nhưng nguồn nước từ vòi này có thể dùng trực tiếp mà không có chất nguy hại và không có vi khuẩn. Người dân có thể dùng uống trực tiếp, nấu ăn trực tiếp mà không lo ngại đến sức khỏe.

Tuy nhiên, PGS khuyến cáo, người dân tuyệt đối không dùng trực tiếp nguồn nước khi phát hiện nhiễm khuẩn. Đơn vị xử lý nguồn nước cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định và tiêu chuẩn nguồn nước cung cấp cho người dân theo tiêu chuẩn Bộ Y tế cho phép.

"Để đề phòng nhiễm khuẩn, người dân cần ăn chín uống sôi. Với hoa quả, sau khi rửa sạch thì phải gọt hoặc bóc vỏ...", chuyên gia nói thêm.

su-dung-nguon-nuoc-nhiem-vi-khuan-e-coli-nguy-hiem-nhu-the-nao

Nước sạch là nước không màu, không mùi, không vị

Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chuẩn cho nguồn nước sạch như màu sắc, mùi vị, độ trong, độ kiềm, độ cứng, chất rắn hòa tan, hàm lượng chất vô cơ, vi sinh vật, mức nhiễm xạ... Do đó, nước sạch là nước có chỉ số nồng độ các chất dưới hoặc bằng mức cho phép của Bộ Y tế đưa ra.

Nước sạch là nước không màu, không mùi, không vị vì thế nếu thấy nước có màu vàng hoặc màu xanh là nước đã bị nhiễm sắt, nhiễm phèn và tảo biển rất cao. Còn nếu bạn ngửi thấy mùi thuốc tẩy, clo hay mùi tanh thì nguồn nước này chắc chắn đã có vấn đề và bạn nên ngưng sử dụng.

Theo GiaDinh