Tân Hiệp Phát - Cần lắm, một cái cuối đầu

Khi, người tiêu dùng cảm nhận được cái “cúi đầu” đầy chân thành, thể hiện đạo đức và văn hóa doanh nghiệp, đợt khủng hoảng truyền thông này sẽ nhanh chóng được giải quyết triệt để, tiết kiệm hàng trăm, ngàn tỷ đồng.

Chủ tịch Hãng hàng không Korean Air Cho Yang-Ho cúi đầu xin lỗi khách hàng và công chúng

Chủ tịch Hãng hàng không Korean Air Cho Yang-Ho cúi đầu xin lỗi khách hàng và công chúng
Chủ tịch Hãng hàng không Korean Air Cho Yang-Ho cúi đầu xin lỗi khách hàng và công chúng

Hẳn, chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện ông Chủ tịch Hãng hàng không Korean Air Cho Yang-ho - người được mệnh danh là “ông trùm ngành hàng không Hàn Quốc” - đã phải nhiều lần cúi rạp đầu xin lỗi người dân và khách hàng cả nước vì hành vi ngang ngược của con gái mình trên máy bay. Trước đó, con gái ông - bà Heather Cho (40 tuổi) - Phó Chủ tịch Korean Air đã có hành vi gây ảnh hưởng đến chuyến bay và khách hàng. Ngày 5/12, bà này đã ngồi ghế hạng nhất trên chuyến bay từ sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York (Mỹ) về Incheon gần Seoul, thủ đô Hàn Quốc. Do không hài lòng về cách một tiếp viên phục vụ hạt macca, bà Cho đã yêu cầu phi công đưa máy bay trở lại và đuổi người này. Không có bất kỳ thông báo nào đến 250 hành khách khác trên máy bay. Vụ việc khiến chuyến bay hạ cánh chậm 11 phút so với dự kiến. Và chỉ với 11 phút “quý giá” này, bà Cho sau đó đã bị dư luận áp lực đến mức buộc phải từ chức và cơ quan công tố đã vào cuộc điều tra ngay hành vi sai phạm của bà này.

Từ sự việc gây bức xúc trong dư luận và tưởng chừng “dồn ép” hãng hàng không Korean Air đến tận “chân tường” của sự mất niềm tin và uy tín. Thế nhưng, bằng một thái độ thực sự cầu thị và văn hóa, Chủ tịch Cho Yang-ho đã đứng trước công chúng, cúi rạp đầu nhận lỗi và hứa khắc phục, tuyệt đối không để vụ việc tái diễn. Đồng thời, người có lỗi là bà Cho cũng có hành động cúi đầu xin lỗi công chúng tương tự Cha mình, từ chức và cam kết chịu mọi trách nhiệm. Dư luận đang “dậy sóng” thì bỗng nhiên như chùn lại trước “rào cản” của phong thái hành xử đầy văn hóa. Dư luận từ chỗ bức xúc cực điểm đã chuyển biến thành sự hoan nghênh lòng chân thành và giá trị danh dự mà ông bà lãnh đạo Korean Air mang lại.

Và hãng bay danh tiếng của xứ Hàn Quốc Korean Air, từ chỗ tưởng chừng sắp “chìm đắm” trong hố sâu mất niềm tin lại “lướt bay lên” vượt qua khủng hoảng truyền thông và cơn phẫn nộ từ dư luận. Sự việc, sau đó còn được dư luận báo chí thế giới đánh giá cao như một động tác hành xử rất văn minh và trọng thị của vị Chủ tịch xứ Hàn.

Từ một khủng hoảng truyền thông, cách ứng xử khéo léo và thái độ chân thành đã mang lại một cơ hội PR tuyệt diệu cho Korean Air. Sau khi cơn “nóng sốt” đi qua, điều đọng lại trong suy nghĩ cộng đồng người tiêu dùng toàn thế giới - đó là sự thiện cảm, ngưỡng mộ lớn đối với Korean Air nói riêng và văn hóa của kinh doanh xứ Hàn Quốc nói chung. Nhìn về Việt Nam, có thể thấy, xét ở góc độ nào đó, chuyện con ruồi trong chai nước nhỏ hơn việc làm “ngạo ngược” của Phó Chủ tịch Korean Air. Thế nhưng, sự “vụng về” trong xử lý khủng hoảng của doanh nghiệp khi tiếp cận vụ việc bằng cách thói hành xử dùng “quyền lực cứng”, đánh giá thấp vai trò “quyền lực mềm” của NTD đã khiến THP phải nhận một đòn đau thích đáng.

Người viết đặt giả thiết, câu chuyện con ruồi của THP sẽ diễn tiến như thế nào, nếu ngay từ đầu, vị Chủ tịch THP cũng chọn cách nhún nhường, thể hiện thái độ thực sự cầu thị bằng việc cúi đầu xin lỗi NTD - như cách mà Chủ tịch Hãng hàng không Korean Air đã làm. Có lẽ, THP và ông chủ của nó sẽ được nhắc đến, bằng sự trân trọng của dư luận, và tin cậy tuyệt đối nơi hàng triệu NTD.

Khi, người tiêu dùng cảm nhận được cái “cúi đầu” đầy chân thành, thể hiện đạo đức và văn hóa doanh nghiệp, đợt khủng hoảng truyền thông này sẽ nhanh chóng được giải quyết triệt để, tiết kiệm hàng trăm, ngàn tỷ đồng mà ngày nay THP đang mất dần theo thời gian. Và những sản phẩm mang thương hiệu Việt như Dr Thanh, Trà xanh 0 độ, Number 1… sẽ sớm phục hồi lại được niềm tin người tiêu dùng.

Theo Hồng Sỹ - Gia Bảo (Báo NTD)