Thị trường điện máy Người tiêu dùng có phải thượng đế

Người tiêu dùng hiện nay có thể dễ dàng mua một món đồ tại các siêu thị song chính bởi vậy họ không còn là thượng đế trong mắt các nhà bán lẻ điện máy.

Theo thống kê, Việt Nam có dân số khoảng 90 triệu dân với độ tuổi trung bình rất trẻ: 26 tuổi. Khi công nghệ số phát triển như vũ bão, nhu cầu sở hữu các sản phẩm công nghệ, điện tử là rất lớn. Thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, từ thành thị tới nông thôn, người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi đều tích cực chi tiêu.

Thị trường điện máy: Người tiêu dùng có phải thượng đế?

Thị trường điện máy đang ngày càng được mở rộng

Các hãng điện tử lớn trên thế giới cũng bắt đầu đưa Việt Nam vào tầm ngắm cho chiến lược phát triển dài hơi. Điển hình như Sam Sung với kế hoạch đầu tư thêm hàng tỷ đôla cho việc mở thêm nhà máy, tăng tổng số nhân viên công ty tại Việt Nam lên tới con số 100.000 người.  

Dịp hè là thời điểm kinh doanh bện rộn nhất của các cửa hàng điện máy, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã sắp hết hè, nhưng theo chủ một cửa hàng bán đồ điện máy trên phố Cầu Giấy, doanh thu năm nay không cao, thấp hơn so với mọi năm mặc dù có những đợt nắng nóng kéo dài.

Thực tế cho thấy, thị trường điện máy đang gần như bão hòa, trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận của ngành này không cao, chỉ 2-6%. Mặt khác, đây lại là mặt hàng tiêu dùng dài hạn, doanh số tại các trung tâm điện máy lớn hiếm tăng trưởng mạnh, thậm chí còn thụt lùi vì nhu cầu của người dân giảm dần. Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng là mở rộng quy mô thông qua tăng số lượng cửa hàng, tuy nhiên, phải nhắm vào những nơi có tiềm năng và nhu cầu có xu hướng đi lên. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính mạnh.

Hơn thế nữa, nhu cầu về dịch vụ của khách hàng cũng có chiều hướng tăng. Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, kỳ vọng nhiều vào chất lượng, chính sách bán hàng, dịch vụ hỗ trợ và đặc biệt đòi hỏi cao về khâu chăm sóc khách hàng và thái độ phục vụ.

Sau hàng loạt sự ra đi của nhiều tên tuổi bán lẻ lớn, các doanh nghiệp đã rút ra bài học: Để tồn tại và phát triển theo hướng bền vững, các nhà bán lẻ điện máy cần phải xác định cho mình những lối đi riêng, đặc biệt phải tạo ra sự khác biệt trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt này.

Trong thời gian qua, ngoài các đại gia như Thế Giới Di Động, Thiên Hòa… thì Nguyễn Kim, đơn vị giữ thị phần lớn đã 2 năm liền không mở rộng mạng lưới. Nếu có, ông lớn này cũng chỉ kết hợp trong một mô hình mới là trung tâm thương mại. Tuy nhiên, sức mua ở những nơi này lại khá èo uột. 

Thị trường điện máy: Người tiêu dùng có phải thượng đế?
 

Trong khi thương vụ mua bán của Nguyễn Kim chưa lắng xuống thì gần một tháng sau đó, ngành điện máy trong nước lại tiếp tục sôi động khi VinPro, thành viên mới của Vingroup tuyên bố nhảy vào lĩnh vực bán lẻ điện máy. Theo đó, đơn vị này dự kiến mở 4 siêu thị điện máy tại các trung tâm thương mại trong tháng 3 và hết năm nay số lượng sẽ lên đến 25 cái, đồng thời lên kế hoạch bán hàng trực tuyến để thu hút người tiêu dùng.

Thừa nhận chịu nhiều áp lực hơn khi nhiều công ty lớn trong và ngoài nước tiếp tục mở rộng thị trường, ông lớn Thế Giới Di Động cũng cho hay sẽ tấn công mạnh về nông thôn. Thêm vào đó, doanh nghiệp này còn tuyên bố sẽ đầu tư 50 tỷ đồng vào mô hình bán lẻ thuộc lĩnh vực mới, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động M&A.

Rõ ràng, một khi thị trường đã thuộc về người mua, chỉ có khách hàng mới có thể cứu doanh nghiệp thoát khỏi nỗi ám ảnh về doanh thu – lợi nhuận và giúp doanh nghiệp tồn tại trong thị trường khắc nghiệt này.Có thể thấy, tiềm năng của thị trường điện máy vẫn khá rộng nếu như biết tấn công vào những ngõ hẹp hoặc phân khúc khách hàng mới. Bên cạnh đó, để rút ngắn thời gian mở rộng thị phần cũng như vượt qua mọi khó khăn, nhiều đơn vị điện máy đang tái cấu trúc, thậm chí, sẽ có nhiều hoạt động mua bán sáp nhập lớn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Huyền Cao(NTD)