Thị trường Việt thoát khỏi 'danh sách đen' của Apple?

Gần đây, có thông tin Apple có khả năng mở công ty tại Việt Nam. Điều này khiến người ta "đoán già đoán non" về những kế hoạch mà đại gia công nghệ sẽ thực hiện.

  Thị trường Việt thoát khỏi 'danh sách đen' của Apple?

Apple sẽ thành lập công ty ở Việt Nam?

Sau khi chính thức tiếp cận thị trường Trung Quốc vào năm ngoái, hãng điện thoại danh tiếng Mỹ là Apple đang có kế hoạch "đặt chân" vào Việt Nam.

Để chuẩn bị cho một cuộc "đổ bộ quy mô lớn" vào thị trường Việt, trong hơn 1 năm qua, Apple đã có nhiều động thái tích cực.

Thực tế, thị trường Việt không xa lạ với các sản phẩm của Apple, song đó là hàng xách tay hoặc nhập tư các đối tác của Apple.

Việc có văn phòng đại diện tại Việt Nam có thể không khiến giá bán các sản phẩm của Apple thấp đi, song nó cho thấy tín hiệu tích cực, người khổng lồcông nghệ thế giới đã biết đến Việt Nam.

Thông tin kể trên khiến người ta nghi ngờ và "bán tín bán nghi" khi trước đây, thị trường Việt được xếp vào danh sách "đen" của Apple.

Cụ thể, trang Tech In Asia từng đưa ra nhận định về những lý do khiến Apple "không ưa" thị trường Việt.

Đầu tiên phải kể đến là tình trạng cửa hàng nhái Apple "mọc lên như nấm sau mưa" tại Việt Nam. Không quá khó để người dùng có thể bắt gặp nhan nhản các cửa hàng điện thoại với bảng hiệu và logo hình "quả táo cắn dở" - đặc trưng của Apple trên nhiều con phố.

Apple là một "đại gia" khó tính. Điều này được thể hiện thông qua quy trình sản xuất từng sản phẩm kéo dài hàng năm dưới sự kiểm soát gắt gao. Mỗi thay đổi trên sản phẩm đều rất tinh vi và hướng tới phục vụ người dùng. Ngay cả quy trình bán và bảo hành những thiết bị công nghệ của mình cũng được Apple thiết lập có hệ thống và theo lộ trình.

Tất nhiên, với vị thế là một tập đoàn lớn trên thế giới, Apple không mong muốn hình ảnh thương hiệu của mình bị sử dụng tràn lan và không được xin phép. Nhiều cửa hàng "nhái" cũng đồng nghĩa với việc, Apple không thể kiểm soát chặt chẽ hình ảnh, thương hiệu và chất lượng dịch vụ theo cách họ muốn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của công ty.

Thị trường Việt thoát khỏi 'danh sách đen' của Apple?

Các cửa hàng "nhái" Apple tại Việt Nam

Không dừng lại ở đó, cả bộ phận kỹ thuật viên của Apple nghiên cứu trong thời gian dài để cho ra đời và từng bước nâng cấp, hoàn thiện hệ điều hành iOS - "xương sống" của các thiết bị công nghệ của Apple nhưng tình trạng Jailbreak và dùng ứng dụng "chùa" tràn lan ở thị trường Việt cũng khiến họ phải ngao ngán.

Apple ngăn chặn bên thứ 3 tiến hành ghi chép lên khu vực hệ thống tronghệ điều hành iOS (OS X) nhưng điều này là vô dụng khi người dùng Jailbreak thiết bị. Đó là việc sử dụng phần mềm hoặc giải pháp kỹ thuật can thiệp vào hệ điều hành từ đó giúp người dùng thoải mái cài đặt những ứng dụng và phần mềm không do Apple cung cấp và khuyến nghị sử dụng. Rõ ràng, Apple đã bị "qua mặt" một cách dễ dàng. Thử đặt vào vị trí của tập đoàn công nghệ này thì mới hiểu được vì sao họ không ưa thị trường Việt.

Tiếp nữa là sự rò rỉ thông tin khó kiểm soát. Vào năm 2010, hàng loạt các thông tin về iPhone 4 - chiếc smartphone được xem là hoàn hảo nhất của Apple - bị rò rỉ trên các trang mạng, trong đó một diễn đàn của Việt Nam chính là nơi khởi đầu cho chuỗi thông tin rò rỉ đó. Thị trường VN lại là nơi Apple gần như không có sự hiện diện chính thức, do đó, họ không có bất cứ cách thức nào để bịt chặt các đầu mối rò rỉ nói trên.

Tuy nhiên, "nói đi cũng phải nói lại", bên cạnh những "điểm đen" kể trên thì không thể phủ nhận rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng của những sản phẩm Apple. Thực tế, iPhone vẫn là smartphone rất được ưa chuộng tại Việt Nam, dù đời mới hay cũ. Theo nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại xách tay cỡ vừa và nhỏ ở Hà Nội, không nói tới các "tân binh" của Apple như iPhone 6, iPhone 6 Plus mà ngay cả các dòng iPhone đời cũ như 5S hay 5C, thậm chí iPhone 5 vẫn bán rất tốt, thậm chí chạy hơn nhiều dòng Android cùng tầm.

Trong thống kê quý I/2015 của IDC, iPhone chiếm tới gần 25% doanh thu bán điện thoại chính hãng nói chung của toàn thị trường Việt Nam, chỉ sau Samsung. Doanh số bán máy cũng chiếm tới 10,4% và nằm trong top 5.

Quay lại với thông tin Apple tiến hành mở công ty chính thức tại Việt Nam, có thể thấy rằng nhu cầu lớn tại thị trường Việt có thể là một nguyên nhân thúc đẩy Apple đưa ra quyết định này.

Theo đó, với việc mở công ty tại Việt Nam, Apple có thể vừa cung cấp một kênh thông tin bán hàng chính hãng tới người dùng vừa từng bước loại bỏ những điều "chướng tai gai mắt" kể trên tại Việt Nam khi hiện diện chính thức tại đây. Và nếu thành công, "đại gia" công nghệ nổi tiếng toàn cầu sẽ tiếp tục khẳng định danh tiếng và vị thế của mình.

Theo Kiều Hương (NĐT)