Thống đốc NHNN: Gửi VND vẫn lợi hơn USD

"Nếu tôi nói ngay người dân nên gửi bằng đồng VN vì có lợi hơn USD, nhiều người sẽ nói tôi chủ quan, nhưng phân tích bằng con số cụ thể sẽ thấy rõ điều này..." Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết

Sẽ tiến tới thu phí tiền gửi USD nếu còn găm giữ

Sau quyết định tăng lãi suất USD của Fed, NHNN đã ra quyết định hạ lãi suất USD từ 0,25% xuống 0% đối với cả những cá nhân có tiền gửi, thay cho quy định trước đó là lãi suất 0% chỉ áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp.

NHNN cho biết, cung - cầu ngoại tệ vẫn khá tốt và việc tỷ giá USD/VNĐ những ngày vừa qua tại các NHTM tăng lên kịch trần chỉ là yếu tố tâm lý. Bởi vậy, việc đưa lãi suất USD về 0% là để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ; chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.

Thời gian vừa qua. giá mua bán USD tại các ngân hàng đã chạm trần, trong khi nhu cầu về ngoại tệ trong những tháng cuối năm tăng mạnh.

Trả lời báo giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, nguyên nhân chính khiến tỷ giá biến động thời gian vừa qua vẫn là do tâm lý chi phối hành vi găm giữ. “Còn nguồn cung và cân đối ngoại tệ hiện rất tốt”, Thống đốc nói.

Cụ thể, trong hai tháng vừa qua, Việt Nam liên tục xuất siêu. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, cả ở hoạt động giải ngân. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vẫn tăng lên, dù có hiện tượng rút ra ở một số thị trường khác sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. “Nhưng vì sao tỷ giá vẫn tăng? Vì yếu tố tâm lý tác động đến hành vi găm giữ”, Thống đốc giải thích.

Cùng đó, người đứng đầu NHNN bất ngờ công bố: Sau động thái đưa lãi suất ngoại tệ về 0%, tới đây, không loại trừ khả năng NHNN áp dụng mức lãi suất âm, nghĩa là người gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí. Tất nhiên, nói như vậy nhưng sẽ linh hoạt trong điều hành, khi tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn, NHNN sẽ nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Cùng đó, bước tiếp theo trong điều hành tỷ giá là sẽ có tỷ giá trung tâm của NHNN.

"Định hướng nhất quán của NHNN là chống USD hóa, nghĩa là chuyển từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán. Cái này ta đã làm thành công với vàng. Chúng ta tôn trọng quyền nắm giữ ngoại tệ của người dân, doanh nghiệp, nhưng trên lãnh thổ VN phải sử dụng VND. Bạn có nguồn thu ngoại tệ hợp pháp, nhưng nếu tiêu xài phải rút ra bằng đồng VND. Đó là lộ trình cuối cùng phải tiến tới.

Trước mắt, người dân vẫn có quyền rút ngoại tệ, nhưng NHNN không khuyến khích việc này. Như vàng chẳng hạn, trước đây gửi vàng được hưởng lãi suất, nay gửi vàng phải trả phí. Do đó, chúng ta sẽ từng bước tiến tới việc gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí.

Vừa qua, lãi suất USD đối với doanh nghiệp gửi đã đưa về 0%/năm và từ ngày 18/12 người dân gửi còn 0%. Tới đây, không loại trừ khả năng NHNN áp dụng mức lãi suất âm, nghĩa là người gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí. Tất nhiên, nói như vậy nhưng sẽ linh hoạt trong điều hành, khi tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn, NHNN sẽ nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ.", Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết trên báo Tuổi trẻ.

Thống đốc NHNN: Gửi VND vẫn lợi hơn USD

Theo Thống đốc NHNN, người dân nên gửi bằng đồng VN vì có lợi hơn USD. (Ảnh minh họa).

Lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%, tiền gửi VND càng có lợi hơn

Bày tỏ quan điểm về việc người dân nên nên gửi ngoại tệ hay USD, ông Bình cho biết: "Nếu tôi nói ngay người dân nên gửi bằng đồng VN vì có lợi hơn USD, nhiều người sẽ nói tôi chủ quan, nhưng phân tích bằng con số cụ thể sẽ thấy rõ điều này. Cụ thể, người dân gửi bằng ngoại tệ lãi suất vừa qua chỉ 0,25%/năm, còn gửi bằng VND thì lãi suất gửi ngắn hạn thấp nhất cũng 5-6%/năm, gửi dài hạn 7-7,5%/năm.

Rõ ràng khi so sánh với lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ thì lãi suất VND cao hơn 5,75%/năm. Hiện nay lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%, tiền gửi VND càng có lợi hơn. Ở VN hiện nay, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp, năm 2014 tăng 1,84%, năm 2015 khoảng 1% và với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô xuyên suốt trong những năm tới của Chính phủ thì giá trị VND sẽ ổn định.

Một thực tế mà tôi muốn chia sẻ là ở Malaysia, có lần họ phá giá đồng ringgit tới 16% nhưng người dân không quan tâm, bởi họ cho rằng đồng ringgit vẫn có giá trị. Tóm lại đồng tiền có giá trị hay không là lạm phát bao nhiêu, cao hay thấp."

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng bày tỏ quan điểm với báo giới, với lãi suất gửi USD là 0%, hiện chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi giữa VNĐ và USD đang giãn rộng. Đơn cử, lãi suất gửi VNĐ kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi 5,5-5,8%/năm, nhưng nếu gửi USD lãi là 0%. Tương tự, gửi VNĐ các kỳ hạn dài lãi suất lên đến 7%, trong khi người gửi ngoại tệ chỉ có thể “nhìn” vào cơ hội khi biến động tỷ giá.

“Theo tôi, lãi suất chênh lệch lớn như vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh tăng tỷ giá đầu năm tới thì người dân giữ VNĐ vẫn lợi hơn,” ông Phong nói.

Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia ngân hàng khác cũng cho biết, dù tỷ giá có điều chỉnh năm 2016 thì người nắm giữ VNĐ vẫn lợi hơn nhiều vì lãi suất chênh lệch lớn.

Theo Ngọc Anh (DSPL)