Thực hư chuyện "1 triệu tiền thật đổi 5 triệu tiền giả"

Những ngày vừa qua, mạng xã hội facebook xôn xao thông tin "đổi 1 triệu tiền thật lấy 5 triệu tiền giả". Hãy tìm hiểu sự thật ngay sau đây:

Rao bán tiền giả công khai trên facebook

Trên mạng xã hội đang lan truyền nhiều Fanpage và địa chỉ Facebook cá nhân rao bán các loại tiền polymer giả với mệnh giá: 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng.

Một địa chỉ Facebook có tên Bích Ngọc rao: “Bên mình cho đổi 1 triệu tiền thật lấy 5 triệu tiền giả. Tiền giả giống tiền thật 98% làm từ polymer, có hình chìm, chỉ khác chỗ là các tờ tiền giả cùng mệnh giá có số xêri giống nhau, nếu xài 1 tờ thì chắc chắn không phát hiện…”.

Người sở hữu Facebook trên còn chỉ dẫn cho khách hàng nên dùng số tiền này để đổ xăng, đi chợ…, nếu ra ngân hàng gửi thì bị phát hiện ngay. “Mấy hôm nay có nhiều người đặt “hàng” quá mà bên em hết rồi, liên hệ với mọi người sau nhé” - Facebook Bích Ngọc rêu rao

Một Facebook khác có tên Linh Tây cũng mời chào: “Mình còn ít tiền giả, anh em nhanh tay nhé. Được cái giống như thật, khác là trùng số xêri thôi, nếu tiêu từng tờ một thì không lo phát hiện. Anh em nào thích thì liên hệ mình nhé, 1 triệu tiền thật đổi được 5 triệu tiền giả, đặt cọc trước 1/3”. Để tạo niềm tin, một số chủ nhân Facebook khác còn cho khách hàng số điện thoại liên hệ và cho biết nếu đổi nhiều sẽ được khuyến mãi, có người giao hàng tận nhà.

Nội dung được đăng tải trên một số trang mạng xã hội đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng. Những thông tin đăng tải trên, nhiều người khẳng định đây chỉ là chiêu thức lừa đảo qua facebook của một số đối tượng để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, có nhiều người nhẹ dạ cả tin đã dính vào những bẫy chiêu trò của những đối tượng xấu.


 Rao bán công khai trên mạng xã hội

Sự thật quái chiêu mua bán tiền giả này là thế nào?

Một số người kinh doanh ở TP HCM khẳng định đây chỉ là chiêu thức lừa đảo qua Facebook của một số đối tượng để chiếm đoạt tài sản. “Làm gì có chuyện tiền giả được tuồn từ nước ngoài vào Việt Nam một cách dễ dàng như lời các đối tượng rêu rao. Nếu để ý kỹ sẽ nhận ra những người này chụp ảnh tiền thật rồi dùng Photoshop làm mờ số xêri, điều chỉnh một số hình ảnh trên tờ tiền thật… để lừa gạt” - ông D. (ngụ quận Bình Thạnh) nói.

Anh Nguyễn Văn H. (quê tỉnh Nghệ An) cho hay cách đây khoảng 1 tháng, thông qua Facebook, anh và một người bạn có liên hệ với người giới thiệu tên Minh để đổi 2 triệu đồng tiền thật lấy 10 triệu đồng tiền giả. Người này sau đó cung cấp số tài khoản ngân hàng cho anh H., tuy nhiên sau khi nhận được tiền thì lặn mất tăm.

Liên hệ theo số điện thoại để lại trên facebook, những người rao bán tiền giả đều yêu cầu chuyển tiền đặt cọc trước. Đáng nói, dù ban đầu những người này rao bán 5 triệu đồng tiền giả lấy 1 triệu đồng tiền thật nhưng khi được đặt vấn đề 1 “ăn” 10 được không thì họ vẫn đồng ý.

C50 khẳng định đây là hành vi lừa đảo

Liên quan đến vụ việc, trưa nay (27/1), PV có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa cho biết: “Khi nhận được thông tin, cơ quan công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc tiến hành điều tra, làm rõ. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã phát hiện ra đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản trên mạng”.

“Bằng biện pháp nghiệp vụ, qua điều tra chúng tôi đã phát hiện ra một số đối tượng trên và giao cho công an địa phương bắt giữ. Khi bị bắt, các đối tượng này đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là hình thức lừa đảo để người ta chuyển tiền rồi chiếm đoạt luôn chứ không phải đổi tiền giả. Theo xác định số tiền người dân bị lừa lên đến vài trăm triệu đồng”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa nói.

Theo Trà Mi ( Khỏe & Đẹp )