Tin 9/9: Học hết lớp 9 nhưng không có trong danh sách của nhà trường; muốn livestream trên mạng xã hội phải xin phép?

Một học sinh học hết lớp 9 nhưng được phát hiện không có trong danh sách, học bạ các năm lớp 7,8,9 của nhà trường khiến phụ huynh bức xúc.; Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đề xuất quy định, người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

Chuyện lạ: Học hết lớp 9 nhưng không có trong danh sách của nhà trường

tin-9-9-hoc-het-lop-9-nhung-khong-co-trong-danh-sach-cua-nha-truong-muon-livestream-tren-mang-xa-hoi-phai-xin-phep

Trường THCS Lạc Long Quân

Ngày 8-9, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã nhận được báo cáo của Trường THCS Lạc Long Quân về việc 1 học sinh học hết lớp 9 nhưng không có học bạ và kết quả học tập các lớp 7, 8 và 9.

Theo hồ sơ, em Đ.X.H. (SN 2007, ngụ phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột) học lớp 6D, năm học 2019-2020 tại Trường THCS Lạc Long Quân (TP Buôn Ma Thuột). Tuy nhiên, kết quả học tập các lớp 7, 8 và 9 thì không có. Thay vào đó là "Giấy chứng nhận kết quả rèn luyện" cho cả 3 năm do ông Phan Thanh Thủy, Hiệu trưởng, ký.

Theo phản ánh của phụ huynh em H., tháng 7-2019, em nhập học tại Trường THCS Lạc Long Quân đúng tuyến, đúng quy định về độ tuổi. Đến cuối lớp 6, cô giáo chủ nhiệm có báo em H. phải thi lại 2 môn. Khi đó, cha em H. đến gặp ông Thủy xin cho con lên lớp, không phải thi lại.

Lúc này, ông Thủy có nói về làm đơn trình bày hoàn cảnh cháu bị "tự kỷ". Sau đó, ông Thủy đồng ý cho em H. lên lớp 7 học theo dạng "học hòa nhập" và cứ thế học hết lớp 9. Gia đình cũng đóng đầy đủ các khoản, em H. đi học đầy đủ và luôn được thầy cô khen ngoan hiền, lễ phép, bạn yêu mến.

Cũng theo phản ánh của phụ huynh em H, bất ngờ đến cuối 5-2023, khi nhà trường làm lễ tri ân tốt nghiệp thì giáo viên chủ nhiệm báo em H. không có tên trong danh sách xét tốt nghiệp và cũng không có tên trong danh sách nhà trường.

"Tại sao con tôi học từ lớp 6 đến giờ nhà trường không thông báo cho gia đình biết việc H. bị xóa tên khỏi danh sách học sinh của trường? Tại sao bỏ tên con tôi ra khỏi danh sách trường mà vẫn thu tiền học phí và các khoản thu khác? Ngay từ đầu, nếu ông Thủy cương quyết hoặc thông báo cụ thể quy định không thể hoàn thiện hồ sơ học tập cho con tôi thì đã khác" - phụ huynh em H. bức xúc nói.

Trả lời đơn thư của gia đình, ông Phan Thanh Thủy cho rằng năm học 2019 - 2020, gia đình em H. có nộp hồ sơ và trúng tuyển vào lớp 6 tại trường. Kết quả cuối năm học em H. xếp loại học lực kém dẫn đến hạnh kiểm khá, theo quy chế và buộc phải ở lại lớp 6.

Vì thương cháu chậm và không muốn cháu có sự sang chấn tâm lý, gia đình đã làm đơn xin cho con được theo học lớp 7.

Năm lớp 7, lớp 8 và lớp 9, em H. không có tên trong phần mềm SMAS. Kế toán trường có xác nhận thu đầy đủ các khoản các năm học.

Ngày 23-8, trường có nhận đơn của ông Đinh Xuân V. (cha em H.) với mong muốn hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục cho em theo học, kèm theo giấy xác nhận khuyết tật của em.

Trên cơ sở tình trạng khuyết tật của em H. đã được xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền như hiện nay, nhà trường đã thỏa thuận với gia đình cho em học lại từ lớp 7 theo dạng học sinh khuyết tật nhưng gia đình không đồng ý.

"Theo đúng nguyên tắc, trường không thể hoàn thiện hồ sơ cấp học theo nguyện vọng của gia đình" - văn bản do ông Thủy ký khẳng định.

Muốn livestream trên mạng xã hội phải xin phép?

tin-9-9-hoc-het-lop-9-nhung-khong-co-trong-danh-sach-cua-nha-truong-muon-livestream-tren-mang-xa-hoi-phai-xin-phep

Bộ Thông tin và truyền thông đề xuất chỉ các tài khoản có đăng ký thông tin liên hệ với bộ mới được livestream

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đề xuất quy định, người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Cùng với đó, muốn dùng dịch vụ phát video trực tiếp (livestream) mạng xã hội, người dùng phải xin phép. Đó là một trong những thông tin được bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TTTT - chia sẻ tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định thay thế sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, tổ chức sáng 8/9.

Tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ TTTT đề xuất bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung; đề xuất bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Theo lý giải của ban soạn thảo, quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.

Bà Nguyễn Thanh Huyền cho biết hiện nay mạng xã hội xuất hiện tính năng "livestream" cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực. Hình thức này ảnh hưởng nhanh tới xã hội nên Bộ TTTT đề xuất bổ sung quy định quản lý theo hướng: Chỉ mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TTTT (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ livestream. Hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Bộ TTTT bổ sung quy định mạng xã hội phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam. Cơ quan báo chí thiết lập tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội trong và ngoài nước phải đăng ký với Bộ TTTT và cam kết chịu trách nhiệm nội dung cung cấp, theo đúng tôn chỉ, mục đích. Điều này nhằm tránh tình trạng giả mạo cơ quan báo chí và tránh tình trạng các cơ quan báo chí cung cấp các nội dung không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

Ông Đậu Anh Tuấn - Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, hiện nay có đến 70% người dân Việt Nam sử dụng internet. Hạ tầng viễn thông quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp mọi mặt người dân.

"Các quy định của nghị định mới cần cẩn trọng để tránh xảy ra bảo hộ ngược khiến doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế. Và tránh tình trạng, nhà đầu tư trong nước ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Ban soạn thảo nghị định cần tính tới tác động này", ông Tuấn đề xuất.

Góp ý về quy định Bộ TTTT đề xuất, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN - cho rằng, việc chặn nội dung không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet tiềm ẩn nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi cuộc xu hướng Internet mở toàn cầu. Bên cạnh đó, yêu cầu tạm khoá và khoá vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành.

Máy bay lùi giờ cất cánh để chở lá gan từ Nghệ An ra Hà Nội

tin-9-9-hoc-het-lop-9-nhung-khong-co-trong-danh-sach-cua-nha-truong-muon-livestream-tren-mang-xa-hoi-phai-xin-phep

Lá gan được đưa từ Nghệ An ra Hà Nội bằng đường hàng không để thực hiện ca ghép tạng (Ảnh: VNA).

Tối 7/9, chuyến bay VN1718 của Vietnam Airlines khởi hành từ sân bay Vinh (Nghệ An) chở theo một lá gan của người hiến tạng đến sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Trước đó, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã liên hệ hãng hàng không đề nghị đặt chỗ, xuất vé cho đoàn bác sĩ và hành lý xách tay là một hộp y tế đựng lá gan của người hiến tạng. Lá gan này được chuyển từ Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An ra Bệnh viện Việt Đức để ghép cho một bệnh nhân.

Thời gian bảo quản lá gan kể từ khi lấy ra khỏi người hiến tặng đến khi ghép vào cơ thể người nhận tối đa là 6 tiếng. Để kịp giờ đón đoàn bác sĩ và lá gan, hãng hàng không đã quyết định cho chuyến bay khởi hành muộn 11 phút.

Các thủ tục check-in, soi chiếu an ninh và lên máy bay của đoàn y tế đều được ưu tiên tối đa. Đoàn được bố trí chỗ ngồi ở gần cửa ra vào máy bay để thuận tiện nhất cho việc lên xuống.

Lúc 19h30 ngày 7/9, chuyến bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài, lá gan được chuyển thẳng đến Bệnh viện Việt Đức, kịp thời cho ca ghép tạng.

Được yêu cầu rút BHXH 1 lần trong trường hợp nào?

Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

1.Các trường hợp được hưởng BHXH một lần

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

(ii) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

(iii) Ra nước ngoài để định cư.

(iv) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

Như vậy, người lao động nếu thuộc các trường hợp theo quy định nêu trên mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần.

2. Mức hưởng

Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

- 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mức hưởng BHXH một lần thực hiện theo quy định tại quy định nêu trên không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm (iv) mục 1.

(Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP )

Vụ nổ bóng bay làm 10 học sinh bị thương: Thầy giáo bị phạt 350.000 đồng

Ngày 8-9, tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị vừa phối hợp với UBND xã Yên Phú (Yên Định) làm việc với Trường Tiểu học Yên Phú về việc nổ bóng bay hôm 5-9.

Tại buổi làm việc này, Trường tiểu học Yên Phú xác định thầy giáo L.H.C. hút thuốc và sau đó gây ra vụ nổ bóng bay. Tuy nhiên, thầy C. không cố ý, do đó nhà trường đã họp và thống nhất, yêu cầu thầy C. rút kinh nghiệm.

Theo đại diện Phòng GD-ĐT huyện Yên Định, việc thầy C. hút thuốc lá trong khu vực trường học là sai. Căn cứ các quy định của pháp luật, thầy C. sẽ bị xử phạt hành chính, mức tiền phạt từ 200 đến 500 ngàn đồng. Vì vậy thầy C. sẽ bị UBND xã Yên Phú phạt 350 ngàn đồng.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sáng ngày 5-9, Trường tiểu học Yên Phú tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024. Tại buổi lễ, nhà trường đã chuẩn bị hai chùm bóng bay để hai bên cánh gà. Đến khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, buổi lễ bế mạc.

Kết thúc lễ tựu trường, một số học sinh và phụ huynh lên khán đài lấy bóng bay chơi, cùng lúc đó thầy C. (giáo viên nhà trường) đi qua, trên tay cầm thuốc lá, không may đụng phải khiến bóng bay phát nổ khiến 10 học sinh (lúc đầu báo cáo 7) bị bỏng ở tay, mặt.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường cùng các thầy giáo cô giáo đã đưa học sinh đến Trạm Y tế xã Yên Phú sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định tiếp tục điều trị.

Y án sơ thẩm 9 tháng tù với Trang Nemo

tin-9-9-hoc-het-lop-9-nhung-khong-co-trong-danh-sach-cua-nha-truong-muon-livestream-tren-mang-xa-hoi-phai-xin-phep

Trưa 8/9, TAND TP.HCM tuyên án phiên xét xử phúc thẩm Nguyễn Xuân Hương Trang (Trang Nemo, SN 1992), Phạm Quyền Quy, Nguyễn Ngọc Khương (cùng 23 tuổi), và Phan Hoàng Nam (24 tuổi) về tội Gây rối trật tự công cộng.

HĐXX giữ nguyên bản án mà cấp sơ thẩm đã tuyên, phạt bị cáo Nguyễn Xuân Hương Trang, Phạm Quyền Quy, Nguyễn Ngọc Khương cùng mức án 9 tháng tù; bị cáo Phan Hoài Nam 1 năm tù về tội Gây rối trật tự công cộng.

HĐXX cho rằng, sự việc đánh nhau diễn ra trong cửa hàng quần áo của bị cáo Trang, các bị cáo liên tục tấn công bà Phạm Lệ Khanh (người có quyền và nghĩa vụ liên quan).

Mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền đã ngăn chặn nhưng bị cáo Trang vẫn giật khẩu trang của bà Khanh.

Tuy cân nhắc tình tiết giảm nhẹ nhưng HĐXX nhận thấy hành vi của các bị cáo xâm phạm nghiêm trọng trật tự xã hội nên cần có bản nghiêm để răn đe.

Đối với bà Phạm Lệ Khanh, bà Khanh tự ý tham gia vào nguyên nhân mâu thuẫn của bị cáo Trang và Trần Nguyễn Trà My.

Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy hành vi đánh nhau của các bị cáo bộc phát, đánh bằng tay không... nên không đủ cấu thành tội cố ý gây thương tích nên. Vì thế không chấp nhận kháng cáo của bà Khanh.

Nêu quan điểm luận tội tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự an ninh xã hội. Khi vụ việc xảy ra, người dân lấy điện thoại ghi hình khiến vụ việc lan truyền rất nhanh… nên đề nghị xử lý nghiêm.

Theo đại diện VKS, chính từ sự việc của bị cáo gây rối trật tự công cộng đã khiến dư luận ấn tượng xấu đến địa phương, đặc biệt là địa bàn quận 1 có nhiều du khách đến tham quan nên cần xử lý nghiêm.

"Không có căn cứ cho các bị cáo hưởng án treo hay phạt tiền nên mức phạt án sơ thẩm tuyên thoả đáng và phù hợp tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo", đại diện VKSND TP.HCM nói.

VKS cho rằng, tại phiên phúc thẩm, các bị cáo không cung cấp thêm tình tiết mới. Xét nội dung kháng cáo của bà Phạm Thị Lệ Khanh (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), bà Khanh bị gây thương tích 3%, thương tích này chưa xác định được do ai gây ra, bên trong hay ngoài cửa hàng nên hành vi trên không cấu thành tội cố ý gây thương tích.

Theo VKS, TAND quận 1 đã xét xử đúng người đúng tội. Vì vậy, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và người liên quan.

Trước đó, ngày 16/6, HĐXX TAND quận 1 tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Hương Trang, Phạm Quyền Quy, Nguyễn Ngọc Khương cùng mức án 9 tháng tù; bị cáo Phan Hoài Nam 1 năm tù về tội Gây rối trật tự công cộng.

Theo cáo trạng, Hương Trang là chủ cửa hàng Trang Nemo trên đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Do mâu thuẫn trong việc kinh doanh bán hàng online nên Trang và Trần Nguyễn Trà My hẹn nhau giải quyết tại cửa hàng.

Khoảng 14h45 ngày 16/1/2022, My cùng Phạm Lệ Khanh, Trần Thị Hoàng Yến đến cửa hàng Trang Nemo. Sau đó, My cùng Yến vào cửa hàng để xin lỗi, còn Khanh đứng bên ngoài.

Đến khoảng 15h cùng ngày, My đang xin lỗi Trang thì Khanh vào cửa hàng gọi My về nên giữa Khanh và Trang nảy sinh mâu thuẫn.

Trang dùng tay giật khẩu trang của Khanh thì người này chửi tục với Trang. Nghe vậy, nhân viên của Trang là Quy cùng Trang lao vào nắm tóc rồi dùng tay đánh trúng đầu, lưng và dùng chân đạp vào bụng của Khanh. Lúc này, Yến vào can ngăn cũng bị Khương đánh.

Thấy xảy ra xô xát, bảo vệ cửa hàng Trang Nemo là Nam và Tuấn chạy vào. Sau đó, Nam và Tuấn lao vào đánh Khanh.

Theo kết luận giám định pháp y, Khanh bị đa chấn thương phần mềm, sưng bầm rải rác các bộ phận trên cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích là 3%, riêng Yến không ghi nhận thương tích.

Tại cơ quan công an, Trang, Quy, Khương, Tuấn và Nam thừa nhận hành vi của mình.

Ngày 20/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trang, Quy, Khương, Tuấn và Nam về tội gây rối trật tự công cộng.

Bị kiến cắn, người đàn ông sốc phản vệ mức độ nguy kịch

tin-9-9-hoc-het-lop-9-nhung-khong-co-trong-danh-sach-cua-nha-truong-muon-livestream-tren-mang-xa-hoi-phai-xin-phep

Ông P. đã bình phục sau khi được điều trị (Ảnh: Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều)

Được biết, vào trưa ngày 6/9, Trạm Y tế xã An Sinh - Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã trực tiếp cấp cứu tại nhà cho bệnh nhân T.D.P (49 tuổi, xã An Sinh) bị sốc nghi do phản vệ và vận chuyển thành công bệnh nhân đến Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều kịp thời.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực & Chống độc thuộc Trung tâm Y tế TX Đông Triều trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp 50/30 mmHg, da và đầu chi lạnh.

Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán: Phản vệ độ 3, bệnh nhân được xử trí tiêm và truyền Adrenaline, bồi phụ dịch, kiểm soát hô hấp, tiêm corticoid và kháng histamine. Sau điều trị tích cực đến đêm ngày 6/9, ông P. tỉnh hơn, mạch huyết áp ổn định. Sáng ngày 7/9, ông đã hồi phục hoàn toàn.

Theo ông P. kể lại, khi đang đi làm ở lán gỗ bệnh nhân bị kiến cắn vào vùng trán. Sau đó ông bắt đầu có triệu chứng nóng rát toàn thân, kèm mệt mỏi nên đã vào nằm trong lán và không biết gì nữa. Sau khi được người nhà và hàng xóm phát hiện ông P. trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi cấu véo đáp ứng rất yếu đã lập tức gọi nhân viên y tế của Trạm An Sinh vào tận nơi cấp cứu và xử trí. Trưởng trạm Y tế An Sinh đã chỉ định cho người bệnh thở oxy và tiêm bắp 1 ống Adrenalin, sau đó gọi xe rồi đi cùng đưa vào Trung tâm Y tế.

Đây là ca bệnh hy hữu bị sốc phản vệ do kiến đốt được các Y bác sĩ Trung tâm phối hợp cấp cứu, điều trị kịp thời từ nơi xảy ra tai nạn đến nơi có khả năng điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực & Chống độc khuyến cáo: Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Vì vậy khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên (như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm,…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Phản vệ có thể phục hồi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.

Công an cảnh báo về các "đòn tâm lý" mới của lừa đảo qua mạng

tin-9-9-hoc-het-lop-9-nhung-khong-co-trong-danh-sach-cua-nha-truong-muon-livestream-tren-mang-xa-hoi-phai-xin-phep

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM, tại buổi họp báo (Ảnh: Nhân Thanh).

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM chiều 7/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết, thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.

"Tuy thủ đoạn về bản chất không mới, đối tượng chỉ thay đổi câu chuyện, nhưng nhiều người vẫn bị dẫn dụ và thực hiện yêu cầu của các đối tượng. Dù thực hiện với bất kỳ hình thức nào, mục đích cuối cùng của chúng là lừa chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân", Thượng tá Hà phân tích.

Về thủ đoạn chung, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng xây dựng nhiều kịch bản, không ngừng có kịch bản mới đánh vào tâm lý, nhu cầu, lòng tham của bị hại.

Các đối tượng lừa đảo đánh vào mong muốn tìm việc nhẹ, lương cao; nhu cầu tìm việc linh động thời gian kiếm thêm thu nhập. Các kịch bản cũng đánh vào lòng tham qua kịch bản tặng quà, trao thưởng, đầu tư lãi suất cao hoặc quá tự tin cho rằng có thể kiếm lời trước khi đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng lợi dụng việc bị hại không hiểu nguyên tắc, chế độ làm việc của cơ quan chức năng.

Đại diện Công an TPHCM chia sẻ thêm, các đối tượng lừa đảo thường dẫn dụ bị hại đăng ký, tham gia các hội nhóm tư vấn trên mạng xã hội, đăng nhập phần mềm đánh cắp thông tin. Các đối tượng cũng có hành vi đe dọa cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, góp vốn đầu tư để chiếm đoạt.

Công an TPHCM cũng nhận diện, một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo nổi lên thời gian gần đây là giả danh cơ quan pháp luật, giả danh nhân viên ngân hàng, lừa nâng cấp sim, gọi điện thông báo trúng thưởng, tuyển cộng tác viên bán hàng. Đặc biệt, các đối tượng còn tạo "bẫy tình" trên mạng xã hội, giả làm người nước ngoài để làm quen, yêu cầu nộp thuế, phí, cước vận chuyển...

Ngoài ra, hàng loạt hành vi khác được cơ quan chức năng liệt kê gồm mạo danh bảo hiểm xã hội, lừa đảo chuyển tiền từ thiện hưởng hoa hồng, lừa cho số đề để đánh, chiếm đoạt tài sản mạng xã hội để lừa tiền bạn bè, làm nhiệm vụ qua ứng dụng, lừa mua sản phẩm về làm tại nhà và các hành vi lừa đảo đầu tư tài chính khác.

Thượng tá Lê Mạnh Hà nêu khuyến cáo, tất cả cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng đều là lừa đảo. Người dân cần gọi điện thoại, gặp mặt kiểm chứng khi có người thân mượn tiền.

"Cơ quan công an không làm việc qua điện thoại nên người dân hết sức bình tĩnh, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, nhất là các đầu số lạ. Người dân không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng", đại diện Công an TPHCM nhấn mạnh.

Theo GiaDinh