Tin sáng 18/4: Sắp hạn chế biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm; diễn biến mới vụ bé gái 12 tuổi ở Hà Nội sắp sinh con

Sau khi nắm được thông tin ông Lê Minh Hoàng tự nhận có khả năng "cầu mưa" giải hạn cho TPHCM, Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã mời ông này đến làm việc; lãnh đạo Công an huyện Thanh Trì cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ việc bé gái Đ.T.N.L. (12 tuổi) bị hiếp dâm dẫn đến mang thai hiện đang làm thủ tục sinh con tại bệnh viện.

Sắp hạn chế biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm

tin-sang-18-4-sap-han-che-bieu-dien-doi-voi-nghe-si-vi-pham-dien-bien-moi-vu-be-gai-12-tuoi-o-ha-noi-sap-sinh-con

Nhiều người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, gây ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe người tiêu dùng.

 

Tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng có lợi dụng hình ảnh các y, bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên... khiến công chúng hoang mang. Nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh dù chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có văn bản trả lời cử tri về vấn đề này. Theo đó, đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để quảng cáo sản phẩm sai công dụng, bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xây dựng Quy chế xử lý.

Các nghệ sĩ, người của công chúng, người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục… có thể bị xử lý theo hướng hạn chế biểu diễn, phát sóng, quảng bá thông tin, hình ảnh, hoạt động của người vi phạm trên báo đài, không gian mạng.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ VHTTDL đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.

Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên.

Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định đã có biện pháp tập trung rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật, đặc biệt tập trung trên các nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook, YouTube, TikTok.

"Trường hợp xác định được nhân thân đối tượng vi phạm, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp không xác định được nhân thân, đơn vị chức năng của Bộ sẽ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các đường link quảng cáo vi phạm, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet thực hiện chặn tên miền/ website quảng cáo vi phạm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời cử tri.

Bộ TT&TT cũng đề xuất xây dựng Quy chế phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp xử lý quảng cáo vi phạm. Công tác phối hợp dựa trên nhận thức thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.

Công an đã làm việc với người tự nhận biết "hô mưa gọi gió"

tin-sang-18-4-sap-han-che-bieu-dien-doi-voi-nghe-si-vi-pham-dien-bien-moi-vu-be-gai-12-tuoi-o-ha-noi-sap-sinh-con

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ thủy lợi ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ cạn trơ đáy (Ảnh: Hữu Khoa).

 

Công an huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã mời ông Lê Minh Hoàng (57 tuổi, ở xã Mỹ Thành) tới làm việc liên quan nội dung ông này được giới thiệu "cầu mưa giải hạn" cho TPHCM cũng như các tỉnh, thành phía Nam.

Trước đó công an nắm được thông tin ông Lê Minh Hoàng được Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TPHCM là có khả năng "hô mưa gọi gió".

Cùng với đó, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức cũng yêu cầu Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Thành kiểm điểm vì ký xác nhận ông Lê Minh Hoàng có khả năng "cầu cho cây lúa bớt đổ" vào năm 2023.

Quan điểm của huyện đây là vụ việc có tính chất mê tín dị đoan, do đó cán bộ xã ký xác nhận cho sự việc này là khó chấp nhận.

Trước đó, Chi cục Thủy lợi TPHCM tiếp nhận văn bản đề nghị từ tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ (CTCS), về việc có một nhân vật có thể "cầu mưa" giúp miền Nam thoát cảnh hạn hán.

Trong văn bản gửi Chi cục Thủy lợi TPHCM, tiến sĩ Điệp cho biết có gặp gỡ ông Lê Minh Hoàng 2 lần. Ông Điệp giới thiệu ông Hoàng với Chi cục Thủy lợi TPHCM, hy vọng người này với "khả năng siêu nhiên" sẽ giúp được người dân thoát cảnh hạn hán. Tuy nhiên đến nay, đơn vị chức năng chưa có phản hồi với đề xuất này.

Khởi tố vụ án bé gái 12 tuổi ở Hà Nội bị hiếp dâm dẫn đến có thai      

Chiều 17/4, ông Đ.N.A. (52 tuổi, ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: "Tôi đang làm thủ tục cho con gái Đ.T.N.L. (12 tuổi) sinh con tại bệnh viện".

Bố bé gái cho biết, năm 2013, do cuộc sống khó khăn nên vợ ông bỏ nhà đi, để lại cho ông nuôi 2 con (một cháu sinh năm 2009 và cháu Đ.T.N.L.). Gia đình ông là hộ nghèo của địa phương.

"Vào đầu năm 2024, tôi nhận thấy con gái bụng to hơn bình thường. Khi kiểm tra thì bất ngờ biết cháu L. đã có thai. Sau đó, tôi dẫn con gái đến Công an xã Tam Hiệp để trình báo vụ việc", ông A. chia sẻ.

Theo ông A., qua lời kể của con, ông biết L. bị người đàn ông hàng xóm tên V. xâm hại nhiều lần.

Lợi dụng những khoảng thời gian vào buổi chiều khi ông A. đi làm, ông V. đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục với cháu L.

Để có tiền nuôi con, ông A. phải đi làm nhiều công việc chân tay, chạy xe ôm.

Mới đây, ông A. được nhận vào làm việc tại một công ty quảng cáo với mức lương khá hơn. Nhưng từ khi xảy ra sự việc con gái mang thai, ông A. buộc phải nghỉ làm để có nhiều thời gian hơn chăm sóc con.

"Gia đình mong cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm đối tượng xâm hại tình dục con gái tôi", ông A. nói.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Tam Hiệp cho biết, sau khi nhận được thông tin từ nhà trường nơi cháu L. theo học, lãnh đạo xã đã đến thăm hỏi, động viên cháu và gia đình, đồng thời cử cán bộ y tế xã thường xuyên đến kiểm tra sức khỏe cho cháu.

"Hiện Công an huyện Thanh Trì đang vào cuộc điều tra vụ việc, quan điểm của UBND xã là xử lý nghiêm đối tượng làm hại cháu Đ.T.N.L.", vị lãnh đạo xã Tam Hiệp cho biết.

Lãnh đạo Công an huyện Thanh Trì cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ việc bé gái Đ.T.N.L. (12 tuổi) bị hiếp dâm dẫn đến mang thai.

Cơ quan cảnh sát điều tra cũng ra quyết định ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với nghi phạm trong vụ án. Tuy nhiên, danh tính người này chưa được công bố.

Vụ phát hiện thi thể 3 mẹ con trên sông Cầu: Chính quyền thông tin về hoàn cảnh gia đình nạn nhân

tin-sang-18-4-sap-han-che-bieu-dien-doi-voi-nghe-si-vi-pham-dien-bien-moi-vu-be-gai-12-tuoi-o-ha-noi-sap-sinh-con

Khu vực phát hiện thi thể 3 mẹ con chị N.

Lãnh đạo xã Huống Thượng cho biết, trước khi xảy ra sự việc 3 mẹ con chị N. tử vong, chính quyền địa phương chưa bao giờ phải can thiệp mâu thuẫn tại gia đình này. Sự việc xảy ra khiến rất nhiều người bất ngờ.

Liên quan đến vụ phát hiện thi thể 3 mẹ con trên sông Cầu, đoạn cầu Ba Đa (thuộc xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), ngày 17/4, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính các nạn nhân.

Theo đó, 3 người tử vong được xác định là chị N.T.H.N (SN 1989) và 2 con là N.T.B (SN 2010), N.P.T (SN 2015) trú tại xã Huống Thượng, TP. Thái Nguyên.

Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã Huống Thượng (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, hoàn cảnh gia đình nạn nhân thuộc diện trung bình. Hai vợ chồng đều làm công việc tự do.

"Cả 2 vợ chồng chị N. đều làm việc tại địa phương, chị N. làm việc cho một công ty may, còn người chồng đi làm thuê trong lĩnh vực gas. Hai vợ chồng có 2 đứa con 1 trai, 1 gái", ông Thu thông tin.

Cũng theo vị lãnh đạo xã, khi nghe tin thông tin lực lượng chức năng tìm thấy thi thể chị N. và 2 người con tại khu vực cầu Ba Đa vào rạng sáng nay, chính quyền địa phương đã rất bất ngờ và thương xót.

"Sáng sớm nay cán bộ xã đã xuống gia đình thăm hỏi, động viên và nắm bắt tình hình. Đến khoảng 10h cùng ngày, thi thể 3 mẹ con chị N. đã được đưa đi hỏa táng, trong hôm nay gia đình sẽ hoàn tất các thủ tục để đưa 3 mẹ con chị N. về nơi an nghỉ cuối cùng", ông Thu cho biết.

Cũng theo ông Thu, từ trước tới nay, giữa 2 vợ chồng này chưa hề xảy ra tai tiếng gì, nhân thân cả 2 đều tốt, tâm lý bình thường. Chính quyền địa phương cũng chưa bao giờ phải can thiệp mâu thuẫn tại gia đình này.

Có thông tin cho rằng trước khi xảy ra sự việc chị N. cùng 2 con tử vong, giữa chị N. và chồng có xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên những thông tin này là chưa được kiểm chứng.

"Có thể trong những ngày gần đây giữa 2 vợ chồng cũng có lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn chị N. đã cùng 2 con tử vong. Còn nguyên nhân cụ thể thì đang được cơ quan công an điều tra làm rõ", ông Thu nói.

Trước đó, như đã đưa tin, vào rạng sáng nay, lực lượng chức năng đã lần lượt tìm thấy thi thể 3 mẹ con chị N. trên sông Cầu (đoạn gần cầu Ba Đa, thuộc xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên). Sau khi khám nghiệm, thi thể các nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình.

Muốn lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng, cô gái suýt bị luật sư 'rởm' lừa tiếp

tin-sang-18-4-sap-han-che-bieu-dien-doi-voi-nghe-si-vi-pham-dien-bien-moi-vu-be-gai-12-tuoi-o-ha-noi-sap-sinh-con

Nạn nhân trong vụ lừa đảo làm cộng tác viên bán hàng online. Ảnh: VOV

 

Chị N.T.H. (34 tuổi, quê ở Ninh Bình, hiện đang tạm trú ở Hà Nội) nhận được lời mời làm công việc buôn bán trực tuyến, hưởng hoa hồng.

Khi đó, chị H. được các đối tượng hướng dẫn cài đặt ứng dụng, tạo tài khoản để làm việc. Sau 2 lần nạp tiền vào tài khoản, chị H. nhận được thông báo có hoa hồng.

Thấy kiếm tiền đơn giản, chị H. tiếp tục thực hiện nhưng các đối tượng yêu cầu cần nạp số tiền lớn hơn mới rút được. Chị H. chuyển vào hơn 60 triệu đồng thì các đối tượng báo chị cài sai ID tài khoản.

Để chứng minh mình không sai, chị H. nạp thêm hơn 80 triệu nữa mới được giải ngân. Sau nhiều lần, chị H. đã chuyển tổng gần 150 triệu vào tài khoản của các đối tượng nhưng vẫn không nhận được tiền.

Biết bị lừa, chị lên mạng tìm hiểu. "Có người xưng luật sư, hứa sẽ lấy lại số tiền tôi đã bị lừa. Người này nói, sẽ cho người hack vào tài khoản các đối tượng lừa đảo. Văn phòng luật sư của họ được các cơ quan tổ chức ủy quyền đòi lại tiền lừa đảo cho nạn nhân", chị H nói.

Nghe chị H. nói như vậy, bạn chị khuyên đừng mất tiền thêm lần thứ 2 vào những trò lừa đảo này.

Ngày 16/4, Công an TP Hà Nội cho biết, trên mạng xã hội xuất hiện tài khoản giả mạo Học viện An ninh nhân dân hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.

Thay vì đến công an trình báo, người bị lừa đã lên mạng xã hội để nhờ các đối tượng giả danh giúp thu hồi tiền lừa đảo.

Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

Bộ Công an chỉ ra thủ đoạn lừa đảo như sau: Đối tượng lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ ("tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo", "thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền treo không cần cọc"...) với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại được tiền bị lừa.

Việc lập ra các tài khoản, fanpage, website giả mạo nêu trên nhằm tiếp cận các nạn nhân đã bị lừa đảo rồi lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất của họ để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai.

Khi người dân liên hệ, các đối tượng sẽ yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân và thông tin về vụ việc đã bị lừa; cài đặt, tải các ứng dụng khác như: Zalo, Telegram… để tiện liên hệ và yêu cầu người dân chuyển tiền để làm thủ tục, hồ sơ.

Thậm chí, chúng sẽ sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, văn bản để tạo ra các tài liệu giả khiến người dân tin tưởng về việc hồ sơ của mình đã được tiếp nhận, xử lý.

Sau đó, kẻ lừa đảo lấy nhiều lý do như cần thêm tiền để hồ sơ được xét duyệt, hồ sơ thiếu thông tin, lỗi hệ thống để yêu cầu người dân tiếp tục chuyển khoản với số tiền lớn hơn, nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng không nghe theo, không liên hệ với các đối tượng đăng tải trên website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"...

Theo GiaDinh