Từ bỏ sân chơi truyền thống: Kinh Đô "bắt tay" đối tác ngoại... bán mì gói

Gần như từ bỏ mảng bánh kẹo khi bán đến 80% mảng này cho Mondelēz International để thu về món tiền khủng 7.846 tỷ đồng, Kinh Đô vẫn cho thấy tham vọng chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng Việt khi mới đây liên doanh với Saigon Ve Wong kinh doanh mì ăn liền.

Khi “chiếc bánh” thị phần bánh kẹo đang dần bị thu hẹp bởi các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, CTCP Kinh Đô (Kinh Đô), một thương hiệu lão làng về mặt hàng bánh kẹo, đã ra một quyết sách táo bạo khi gần như từ bỏ “nồi cơm” truyền thống để đầu tư cho một ngành hàng tiêu dùng mới. Minh chứng cụ thể nhất, vào cuối năm 2014, công ty ra mắt mì ăn liền với thương hiệu Đại Gia Đình được người tiêu dùng yêu thích. Trên đà thành công của sản phẩm mì gói, công ty này sắp sửa cho ra đời thêm những sản phẩm dầu ăn, gia vị, nước chấm.

Không dừng lại ở đó, Kinh Đô còn hợp tác với các đối tác khác nhằm mở rộng sản phẩm ngành hàng tiêu dùng của mình. Mới đây nhất, ngày 12/5, công ty này và Công ty TNHH Saigon Ve Wong (Saigon Ve Wong, công ty thành viên thuộc Công ty Ve Wong Đài Bắc) chính thức ký kết hợp tác liên doanh. Theo một số chuyên gia kinh tế, việc ký kết này không đơn thuần là sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp mà đây có thể được xem là bước đi tiếp theo của Kinh Đô trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là lĩnh vực mì ăn liền.

Từ bỏ sân chơi truyền thống: Kinh Đô “bắt tay” đối tác ngoại... bán mì gói
Lễ công bố hợp tác liên doanh giữa Kinh Đô và Saigon Ve Wong.

Theo thông tin công bố chính thức từ Kinh Đô, nhà máy sản xuất liên doanh ra đời sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore Bắc Ninh (VSIP Bắc Ninh) với tỷ lệ góp vốn của Kinh Đô là 49% và Saigon Ve Wong 51%. Nhà máy mới có diện tích 2,5 ha với vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng (30 triệu USD). Công suất ban đầu là 6 triệu thùng sản phẩm/năm và dự kiến đến năm 2017 sẽ nâng lên 12 triệu thùng sản phẩm/năm.

Kế hoạch dự kiến phát triển sản phẩm từ nhà máy này sẽ theo 4 giai đoạn: Mì ăn liền, gia vị - cháo, nui, phở - thực phẩm ăn liền tiện dụng và nước chấm. Sau khi nhà máy này được xây dựng ở Bắc Ninh, Kinh Đô và đối tác cũng sẽ cùng nhau xây dựng thêm các nhà máy tại khu vực miền Trung, miền Nam và miền Tây để mở rộng công suất trong tương lai.

Việc chọn đối tác ngoại lần này của Kinh Đô khiến dư luận quan tâm. Hiệu quả làm việc của nhà máy liên doanh trong tương lai sẽ như thế nào và tại sao Kinh Đô không chọn đối tác trong nước?

Lý giải nguyên nhân, ông Trần Quốc Việt, Tổng Giám đốc Kinh Đô cho biết: “Saigon Ve Wong là một đối tác có kinh nghiệm và có thế mạnh trong ngành. Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng tại Đài Bắc, Ve Wong là một công ty hàng đầu về dầu ăn và nổi tiếng về ngành hàng ở nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó công ty cũng có thâm niên trong công nghệ mì ăn liền, gia vị với hơn 90 loại sản phẩm, trong đó, có một số thương hiệu nổi tiếng như A-One, Kung Fu...”.

Từ bỏ sân chơi truyền thống: Kinh Đô “bắt tay” đối tác ngoại... bán mì gói
Kinh Đô từ bỏ thị trường bánh kẹo để lấn sân sang mặt hàng mì ăn liền từ năm 2014.

Riêng đối với vấn đề đẩy mạnh đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng, đặc biệt là mì gói, ông Việt cũng cho biết thêm: “Sau thành công bước đầu của các sản phẩm mì ăn liền Đại Gia Đình, chúng tôi đã không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường khi chỉ có nhà máy tại TP.HCM. Nhằm nâng cao năng xuất cũng như chủ động nguồn cung và ổn định chất lượng sản phẩm, chúng tôi và Saigon Ve Wong đã đi đến quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm mì ăn liền, nước chấm, cháo, phở, bột nêm tại Bắc Ninh. Chúng tôi đang hướng đến việc phát triển thế mạnh của cả hai bên, đồng thời khẳng định tâm huyết của mình trong ngành hàng tiêu dùng để tiến đến hội nhập và mở rộng ngành hàng quốc tế”.

Nhà máy sản xuất liên doanh ra đời sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore Bắc Ninh với tỷ lệ góp vốn của Kinh Đô là 49% và Saigon Ve Wong 51%.

Thương hiệu Kinh Đô đã có thời gian dài được khách hàng trong nước lẫn thế giới biết đến thông qua các dòng sản phẩm bánh kẹo. Những sản phẩm như AFC, Cosy, Sachi, kem Merino, sữa chua Wel Yo... là những sản phẩm được phần đông giới trẻ yêu thích.

Từ bỏ mảng bánh kẹo “béo bở” để lấn sân sang thị trường ngành hàng tiêu dùng, đặc biệt là mì gói, gia vị được xem là một quyết sách táo bạo của Kinh Đô. Liệu rằng, đầu tư bán mì gói có mang lại hiệu quả và lợi nhuận khủng cho doanh nghiệp này như mảng bánh kẹo đã đem lại?.

Kinh Đô gây sốc khi quyết định sẽ trả cổ tức đặc biệt 200% cho cổ đông. Với 235.161.141 cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Kinh Đô sẽ chi khoảng 4.703 tỷ đồng để trả cổ tức đặc biệt này. Trao đổi với phóng viên về tỷ lệ chi trả cổ tức 200% gây “sốc toàn tập”, ông Trần Quốc Việt, Tổng Giám đốc Kinh Đô cho biết: “Chúng tôi đã cân nhắc và tính toán một cách thận trọng, việc chi trả cổ tức với tỷ lệ 200% cho cổ đông lần này là hoàn toàn hợp lý và chính đáng”.

 Ngọc Diễm (Báo NTD)