Từ tay trắng trở thành ông chủ 4 nhà hàng ở Hà Nội

Ít ai biết, để có thành công như ngày hôm nay, anh Vũ Ngọc Thuân đã trải qua 5 lần kinh doanh thất bại.

Từ tay trắng trở thành ông chủ 4 nhà hàng ở Hà Nội

Ông chủ trẻ Vũ Ngọc Thuân

Bỏ đại học, kiếm tiền mua ôtô

Vũ Ngọc Thuân (sinh năm 1987) quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Anh từng đỗ lớp chuyên Toán-Tin, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. 

Suốt 3 năm, như bao bạn bè khác, anh chăm chỉ học hành vì mục tiêu đỗ đại học. Và rồi, năm 2005, anh đã trở thành sinh viên Đại học Xây Dựng với số điểm 27,5.

Nhưng khi bước chân vào cánh cổng trường, anh nhận ra rằng đó không phải là môi trường dành cho mình. Anh không thích nghề xây dựng. 

Và có lẽ, suy nghĩ làm nghề xây dựng sẽ có nhiều tiền như thời còn ngồi trên ghế nhà trường đã khiến anh có quyết định sai lầm. Những bài học dần trở nên thiếu sức hấp dẫn. Không mục tiêu, anh không còn ý chí phấn đấu.

Năm thứ hai đại học, một người anh đi trước đã dẫn dắt chàng sinh viên chán chường vào nghề môi giới bất động sản. Anh Thuân kể, anh thích nghề này vì nó phù hợp với sở trường ăn nói, thuyết phục người khác của anh.

Tuy vậy, suốt 6 tháng đầu, anh không có được hợp đồng nào vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ.

Từ tay trắng trở thành ông chủ 4 nhà hàng ở Hà Nội

Sau khi thất bại trong việc bán bánh cuốn, anh đã đi học nấu ăn

Đến tháng thứ 7, anh Thuân thành công khi ký được hợp đồng đầu tiên. Cầm mấy chục triệu trong tay, anh quyết định bỏ học để tập trung vào công việc.

Và sau 1 năm 'cày xới' khắp các trang môi giới bất động sản, cộng với việc sốt đất thời điểm năm 2008, anh đã có cuộc sống dư dả và đủ tiền mua ôtô. Lúc đó, anh mới dám nói cho bố mẹ biết về bước ngoặt của mình.

Bỏ việc 'hái ra tiền' để đi mua kinh nghiệm

Sau hơn 3 năm 'hái ra tiền' với nghề môi giới bất động sản, có tháng thu nhập của chàng trai trẻ Vũ Ngọc Thuân lên tới 200 triệu đồng, anh dần dần tích góp được 2 tỷ đồng làm vốn.

Cuối năm 2011, khi thị trường bất động sản đóng băng, thu nhập giảm sút, anh quyết định bỏ nghề. 

Anh cho biết: 'Chuyện thu nhập giảm chỉ là một phần nhỏ, vì lúc đó mình vẫn kiếm được 50 triệu đồng/tháng. Chuyện quan trọng là mình cảm thấy mình không còn hứng thú với nghề này'.

Vậy là suốt mấy tháng, anh lặn lội tìm mô hình kinh doanh. Khi thì ra biển học cách nuôi ngao, khi thì tìm hiểu về buôn bán hàng hóa nhưng rốt cục, anh không tìm thấy nghề nghiệp của cuộc đời.

Vì thế, anh Thuân quyết định về Hà Nội, mở quán cà phê để bước đầu học làm ông chủ.

Anh nhớ lại: 'Lúc đó, mình thiếu kinh nghiệm nên làm gì cũng sai. Mô hình quản lý không có, không có mối hàng đầu vào, không nắm được đầu ra, không có ý tưởng kinh doanh, không có khách hàng mục tiêu và… không có cửa để thành công'.

Sau 6 tháng, quán cà phê dẹp tiệm, chôn vùi hơn 100 triệu đồng tiền vốn.

Tuy vậy, anh Thuân không bi quan. Anh cho rằng: 'Kinh nghiệm rút ra là không làm gì khi… không có kinh nghiệm. Mình phải học qua sách vở, qua các mô hình thành công, qua việc đi làm thuê cho người khác…'.

Từ tay trắng trở thành ông chủ 4 nhà hàng ở Hà Nội

Mỗi ngày anh đầu tư 1,5 triệu đồng để mua hoa tươi rải trên bàn, lối đi, mặt ao

Càng thất bại, tôi càng thấy mình gần với thành công

Đóng cửa quán cà phê, anh chuyển qua bán bánh cuốn. Lý do đơn giản vì anh rất thích ăn bánh cuốn của một gia đình có truyền thống ở Thanh Trì. 

Cộng thêm lợi thế cửa hàng có mặt tiền đẹp trên đường Trần Duy Hưng, anh tin rằng mình có thể thu lãi từ việc bán bánh cuốn buổi sáng cho dân văn phòng nơi đây.

Nhưng anh đã mắc sai lầm khi không phải cái gì mình thích thì khách hàng cũng sẽ thích. Sau vài tháng, lượng khách vẫn chỉ lèo tèo, anh quyết định chuyển sang bán cơm văn phòng.

Bán đồ ăn phù hợp với số đông, quán dần đông khách nhưng anh vẫn không hài lòng về lợi nhuận. Vì mỗi người chỉ ăn hết 30.000 - 40.000 đồng nên dẫu có đông khách, quán cơm văn phòng vẫn có doanh thu thấp.

Quyết tâm chuyển hướng kiếm lợi nhuận cao bằng việc giảm chi phí, anh Thuân quyết định tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi của các nhà hàng bán buổi trưa và tối.

Anh chia sẻ: 'Lúc đó, mình nhận ra có nhiều cửa hàng lớn, ở vị trí đẹp nhưng lại bỏ không vào buổi sáng'. Vì thế, anh đã quyết định thuê buổi sáng để bán phở cho dân văn phòng.

Các cửa hàng, quán ăn vui vẻ đồng ý vì họ không mất gì mà lại có thêm thu nhập. Anh nhanh chóng triển khai việc thuê nhân viên, nấu nướng, chuyển đến cửa hàng và bắt đầu kinh doanh.

Từ tay trắng trở thành ông chủ 4 nhà hàng ở Hà Nội

Không gian đậm chất quê

Những tưởng thành công sẽ đến nhưng sau vài tháng, vấn đề mới lại nảy sinh. Do chỉ thuê mặt bằng một buổi nên anh không thể đầu tư, lắp đặt máy tính để quán lý thu chi mà chỉ dựa vào sự thật thà của nhân viên. 

Sự chênh lệch trong tính toán khiến anh nhanh chóng nhận ra rằng mình đang bị thất thoát mà không có cách nào giải quyết được. Ngay lập tức, anh đóng cửa chuỗi cửa hàng phở.

Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đó, anh quyết định mở quán bia. Mọi sự diễn ra đúng như anh mong đợi. 

Vì đi uống bia nên khách hàng thường thoải mái hơn, sẵn sàng chi ra những số tiền lớn hơn. Việc quản lý bằng máy tính được thắt chặt nên chẳng mấy chốc anh đã có lãi.

Nhưng sau 6 tháng, tai ương lại ập đến khi chủ lô đất đòi lại mặt bằng do chủ đất cũ đã bán cho người mới. Và trong hợp đồng thuê đất, anh không có điều khoản nào để ngăn chặn việc này.

Năm lần thất bại liên tiếp đã lấy đi của anh hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, càng lúc anh càng cảm thấy thành công đang đến gần và anh quyết tâm đứng dậy thật nhanh để bước vào trận chiến mới.

Thu tiền tỷ

Năm 2013, anh nhận thấy các cửa hàng bò tơ ở miền Nam đang rất ăn khách nhưng miền Bắc lại chưa triển khai. Anh nhanh chóng mở một cửa hàng nhỏ ở Mỹ Đình và không mất quá nhiều thời gian để thu về lợi nhuận.

Thấy lực mình không đủ, anh kêu gọi bạn bè và những người tâm huyết cùng góp vốn đầu tư để mở thêm 2 cửa hàng bò tơ lớn ở Hoàng Quốc Việt và Thái Phiên.

3 cửa hàng đi vào hoạt động ổn định giúp anh có thu nhập đều đặn 200 triệu đồng/tháng.

Nhưng điều đó vẫn làm chàng trai gốc Nam Định cảm thấy chưa thoả mãn. Anh chia sẻ: 'Những cửa hàng đó cũng kiếm ra tiền nhưng vẫn chưa đủ độc đáo, chưa đủ sức hấp dẫn để lôi kéo khách hàng từ khắp Hà Nội phải tìm đến'.

Do đó, anh quyết định mở một quán ăn được bài trí theo không gian làng quê, vì càng ở giữa phố phường, con người càng khát khao được trở về với quê hương.

Từ tay trắng trở thành ông chủ 4 nhà hàng ở Hà Nội

Các thực khách hay đặt bàn trước để tránh tình trạng phải quay về do quán đã quá đông

Trước đây, cũng có một số nhà hàng xây dựng theo chủ đề này nhưng làm chưa tới. Khách hàng vẫn cảm thấy có gì đó giả tạo, không giống với làng quê của mình.

Vì thế, anh quyết tâm về vườn nhà để lấy cây chuối, ra bờ đê tìm những cây ráy mang đến trang trí cho đứa con tinh thần.

Anh cho đào ao, làm thác nước, lợp mái lá, làm bàn ghế gỗ để ngồi, lấy bát sành để ăn nhằm tạo ra một không gian quê đúng nghĩa.

Đặc biệt, mỗi ngày anh chi tới 1,5 triệu đồng để mua hoa tươi, trang trí ở các lối đi. Mặt ao, mặt bàn cũng được rải đầy những cánh hoa.

Khách kéo tới quán ngày một đông khiến anh phải mở thêm tầng 2, tầng 3 rồi tầng 4. Mỗi ngày, quán có hơn 700 lượt khách đến với hơn 100 lượt khách phải ra về vì không còn đủ chỗ.

Tương lai, anh sẽ tiếp tục cho ra đời mô hình quán thứ 2, thứ 3 để có thể thu hút thêm nhiều khách hơn nữa.

Thành công của mô hình này đã mang về cho anh thêm 200 triệu đồng/tháng. Tính tổng thu nhập từ 4 quán anh đang quản lý, con số lên tới 5 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy vậy, trong mắt anh, tiền không phải là quyết định. Anh làm vì anh muốn được làm và anh khao khát thành công. Chỉ có như thế, anh mới có thể vững vàng sau những thất bại và mạnh mẽ phát huy khi đã gặt hái được những trái ngọt đầu mùa.

Theo Việt Hùng(Đất Việt/Tn)