Tuổi thật của Công Phượng và cái tâm của người “đi tìm sự thật…“

công phượng
 

Có lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà đại thi hào Nguyễn Du, trong tác phẩm rút ruột của mình, tác phẩm được viết bằng tài năng và cả những thăng trầm đã trải qua, lại dùng câu thơ "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" để làm câu kết.

Mượn câu thơ để đời ấy để nói về những gì mà các phóng viên cũng như biên tập viên của một chương trình hiện đang được chú ý trên truyền hình thực hiện một loạt phóng sự về ngôi sao của đội tuyển U19, Công Phượng. 

Cách tìm đề tài khá thông minh, vừa không quá nguy hiểm như đi sâu vào những việc nhức nhối như buôn lậu hay ma túy, cũng không đụng chạm đến chuyện hối lộ hay tham nhũng, mà chỉ xoáy sâu vào việc khai man tuổi của cầu thủ mới nổi này.

Nếu cầu thủ ấy sinh năm 1993 chứ không phải là 1995 như trên giấy tờ thì đồng nghĩa với việc như thế là gian dối. Dĩ nhiên, chẳng ai ủng hộ việc gian dối trong thể thao như khai man tuổi hay dùng chất kích thích. Và từ lâu nay, với bệnh thành tích ngày càng trầm kha trong mọi lĩnh vực không cứ gì thể thao, thì những việc như thế này chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Với chuyện của Công Phượng, cầu thủ đang được người hâm mộ yêu mến sau những thành tích đóng góp cho đội tuyển U19, ban đầu, chương trình này chỉ nói là đi tìm tuổi thật với “ngọn cờ” là rũ bỏ sự gian dối cho thể thao, cho bóng đá Việt Nam và cũng là để Công Phượng được sống với “con người thật” của mình.

Thế nhưng, nói vậy mà không phải vậy. Một khán giả bình thường khi xem chương trình không khó để nhận biết, đằng sau danh nghĩa đạo đức ấy là sự cay nghiệt được thực hiện như trò chơi tung hứng, vụng về, cốt để gây sốc.

Đang từ đề tài này, bỗng người đối thoại là một nhà văn tỏ ra phản ứng quyết liệt về việc Công Phượng khai man tuổi. Gây được sự chú ý rồi, họ lại dùng cấu trúc chương hồi theo kiểu “muốn biết điều gì xảy ra, xem hồi sau sẽ rõ” để người xem tiếp tục phải theo dõi chương trình. Và cách họ bảo vệ cho điều mình làm cũng đang gây nhiều bức xúc. Họ cho rằng, khán giả cần biết sự thật và nhiệm vụ của họ là phải đi tìm sự thật ấy.

Vâng, họ nói đúng! Trách nhiệm của truyền thông, của nhà báo là tìm ra sự thật. Nhưng điều đó không có nghĩa là, người ta được phép làm mọi thứ, đặc biệt là kết tội thay các cơ quan công quyền. Nếu Công Phượng không phải là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay, thì chắc hẳn người ta cũng không đẩy vấn đề đi xa đến thế.

Và rõ ràng, ở thời buổi mà sự thành công của báo hình dựa vào tỷ lệ người xem, thì những người làm chương trình ấy đã thành công. Và họ hoan hỉ thông báo với nhau; khoe với thiên hạ thành công ấy trên trang cá nhân của mình. Họ nói tôn trọng khán giả nhưng chẳng cần biết khán giả đang bức xúc ra sao. Họ không cần biết khán giả suy nghĩ gì về cái sự thật chưa rõ ràng mà họ trưng ra đầy hãnh diện.

Có một câu chuyện vẫn còn nóng hổi trên mạng. Một phóng viên nước ngoài, sau khi chụp được tấm ảnh con kền kền bình thản đợi một đứa trẻ châu Phi gục xuống để rỉa xác, đã tự sát vì không chịu nổi sức ép của công luận. Rằng tại sao anh không cứu đứa bé ấy, mà để cho cảnh đau thương đó diễn ra chỉ để đạt được thành công cho cá nhân mình, là đã chụp được một bức ảnh mang đầy tính chân thực hay đại loại một cái gì đó như thế.

Rõ ràng, về mặt nghề nghiệp, thì phóng viên ấy không có gì sai, vì việc của anh là ghi lại những khoảnh khắc, dùng ống kính thay cho ngàn vạn lời nói. Nhưng, còn có những cái cao hơn cả thành công về nghề nghiệp. Đó chính là tình người.

Quay lại với chuyện Công Phượng. Rõ ràng, với sức ép lan tỏa của chương trình này, Công Phượng sẽ bị tổn thương nặng nề. Nhất là khi một phóng sự trong chuỗi chương trình đó được thực hiện tại quê nhà của cầu thủ này. Hẳn những ai đã từng sống ở quê đều hiểu, sức ép từ những điều như vậy thật không nhỏ. Gia đình Công Phượng sẽ tổn thương, sẽ chịu nhiều điều tiếng từ xóm làng, đó là điều chắc chắn. Và tương lai của Công Phượng sẽ ra sao? Khi mà em chưa đủ trải đời để mà vượt qua những gì đang xảy ra với mình theo hướng ấy.

Rõ ràng, về mặt nghề nghiệp, thì phóng viên ấy không có gì sai, vì việc của anh là ghi lại những khoảnh khắc, dùng ống kính thay cho ngàn vạn lời nói. Nhưng, còn có những cái cao hơn cả thành công về nghề nghiệp. Đó chính là tình người.

Chưa bàn đến việc liệu Công Phượng có đúng là khai man tuổi như chương trình này đưa tin hay không, bởi có nguồn tin cho rằng sự thật không phải như vậy. Mà vấn đề ở đây là cách thực hiện chương trình. Biên tập viên và khách mời tranh luận hùng hồn, tóm lại là rất nhiều sắc thái, nói đến đâu phóng sự phát theo đến đó, điều này chứng tỏ chương trình được chuẩn bị rất kỹ càng và công phu.

Chỉ có điều, cách làm này không gây hiệu ứng tốt như trước nữa, vì khán giả bây giờ đã quá quen với chiêu trò trên tuyền hình. Họ đủ bình tĩnh để hiểu rằng hai nhân vật sắp sửa từ mặt nhau trên sóng nhà đài ngày mai rất có thể lại ngồi với nhau cười hỉ hả ở một nhà hàng nào đó, hay những xung đột trong một chương trình đang gây chú ý thực ra được làm theo một kịch bản được cho là hoàn hảo đến từng chi tiết.

Không phải tự dưng mà dư luận phẫn nộ với những gì mà chương trình đang làm với Công Phượng. Dư luận không phản đối việc tìm ra sự thật, không tán đồng những gian dối trong thể thao mà chỉ là không chấp nhận nổi việc đem một cậu bé, bởi dầu gì Công Phượng mới chỉ vừa bước qua tuổi chính thức có quyền bỏ phiếu ít lâu, ra làm đích cho việc thăng tiến trên con đường nghề nghiệp.

Và đỉnh điểm của sự phẫn nộ là trên fanpage của chương trình ấy có chạy một dòng status (trạng thái) chính xác đến từng từ là “Chỉ đến chết, người ta mới biết được tuổi thật của các vận động viên. Bởi khi chết, họ cần tuổi thật để thắp hương, cùng giỗ. Mời các bạnh đón xem phần 2 sau ít phút nữa”. Không cần bình luận gì thêm về cách quảng bá cho chương trình kiểu này vởi những dòng chữ đó đã nói lên nhiều điều.

Chợt nhớ đến câu chuyện của một đạo diễn khi phóng viên hỏi liệu anh có đồng ý với những phê bình trong bài viết chê vở kịch anh vừa làm xong không. Đạo diễn trả lời rằng, em viết đúng hết, bởi trước khi là nhà báo, em còn là một khán giả, mà đã là khán giả thì em có quyền coi vở kịch của tôi là cái gì cũng được.

Chỉ có điều, em viết không từ cái tâm, em chê đủ đường như chỉ để phục vụ mục đích duy nhất là chính cái tôi của em. Bởi điều chúng tôi cần là em chỉ ra cho chúng tôi những khiếm khuyết để có thể hoàn thiện hơn, chứ không phải là cách em sổ toẹt tất cả những gì anh chị em nghệ sĩ đã cố gắng đem đến cho khán giả qua những ngày đêm miệt mài đổ mồ hôi sôi nước mắt trên sàn diễn.

Xem truyền hình, xem cái cách mà người ta đối xử với Công Phượng, nhiều người có cảm tưởng những người “đi tìm sự thật trên có một mối thù ghê gớm với cầu thủ mới nổi này. Và, cách họ thể hiện, ngôn từ họ nói như thể vừa đánh vừa xoa và thậm chí là khẩu Phật tâm xà.

Nhiều người hỏi, làm thế họ được gì? Đương nhiên, được gì thì chỉ có những người “bảo vệ sự thật đến cùng” ấy biết rõ nhất. Nhưng, làm thế thì mất gì, thì chỉ Công Phương gia đình cùng những người yêu mến tài năng này thấu chịu.

Chuyện Công Phượng nóng mấy rồi cũng nhạt. “Cuộc vui” nào chả có lúc tàn. Và, khi tàn cuộc vui thì nhiều người lại lo sợ. Lo sợ mình sẽ là nạn nhân những chương trình truyền thông chỉ vì lợi danh mà bỏ qua chữ tâm của người làm báo này.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng

(Chuyện đời)