Uống nhiều rượu bia có thể gây teo não như thế nào?

Theo các bác sĩ, việc uống rượu bia có thể gây tổn hại tới sức khỏe, tinh thần. Đặc biệt về lâu dài, uống quá nhiều rượu bia có thể ảnh hưởng đến não và có thể dẫn đến mất trí nhớ và sa sút trí tuệ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của trên 200 loại bệnh tật, chấn thương (nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10). Thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới sử dụng nhiều rượu bia. Uống rượu, bia có tác hại tiềm tàng về sức khỏe và xã hội với cả người uống và người không uống, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

Thanh thiếu niên/vị thành niên là một giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, đang phát triển về thể chất, tinh thần. Các hóc-môn dậy thì của giai đoạn này kích hoạt các vùng đảm nhiệm chức năng cảm xúc, xã hội của bộ não đang phát triển, thúc đẩy hành vi của người trẻ tuổi... Các bằng chứng khoa học cũng cho thấy rượu, bia tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não, có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập, làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ…

uong-nhieu-ruou-bia-co-the-gay-teo-nao-nhu-the-nao

 Uống nhiều rượu bia về lâu dài có thể gây teo não. Ảnh minh họa

Như vậy về hậu quả trước mắt, uống rượu, bia gây ra các hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên như say rượu dẫn đến ngộ độc rượu, có hành vi bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn, chấn thương khi điều khiển phương tiện giao thông, ... Còn về lâu dài thì uống rượu, bia sẽ gây lệ thuộc, mắc các bệnh mạn tính và gây ảnh hưởng đến cả phát triển thể chất và tinh thần khi trưởng thành.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nếu một người uống rượu nhiều lần, uống lâu dài thì sẽ bị nghiện. Nguy hiểm hơn, nếu uống nhiều rượu bia, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như giảm trí nhớ, thường xuyên quên thông tin, gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch, tư duy, tính toán, bị trầm cảm, lo lắng, đa nghi. Nghiện rượu mạn tính có thể gây ra bệnh động kinh (co giật) hay bệnh viêm đa dây thần kinh mạn tính gây yếu cơ, teo cơ, giảm cảm giác, đi không vững...

Khi chất cồn được ngấm vào máu sẽ làm chậm não bộ, ban đầu, người uống có thể thấy dễ ngủ. Tuy nhiên, sau đó sẽ không thể ngủ ngon vì trong giấc ngủ, cơ thể vẫn tiếp tục hấp thụ và xử lý chất cồn.

Người uống rượu không thể có giấc ngủ sâu, không có giai đoạn "vàng" của giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi lại các căng thẳng và tổn thương vào ban ngày. Nhiều khả năng, uống rượu rồi đi ngủ sẽ gặp ác mộng. Rượu cũng có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn.

Khi say, nhiều người uống rượu, bia không thể nhớ được mình đã làm những gì, đi về nhà bằng cách nào... Về lâu dài, uống quá nhiều rượu bia có thể ảnh hưởng đến não và có thể dẫn đến mất trí nhớ và sa sút trí tuệ. Tổn thương não do rượu có thể biểu hiện bằng phán đoán kém và khó ra quyết định, dần bệnh nhân bị mất trí nhớ. Tình trạng giảm trí nhớ dễ xảy ra hơn khi rượu đi vào máu nhanh chóng, nhất là là uống rượu khi đói hoặc tiêu thụ lượng lớn rượu trong thời gian ngắn.

Uống rượu ảnh hưởng lên vùng não bộ có chức năng ghi nhớ và lý luận. Những người uống rượu nhiều hơn 4 ly tiêu chuẩn mỗi ngày có nguy cơ teo não cao gấp 6 lần so với những người uống ít. Với những người uống trung bình, nguy cơ này có thể cao gấp 3 lần.

Một nghiên cứu thực hiện trên 2.423 người của Đại học Washington và Đại học Duke (Mỹ) cho thấy, rượu bia không chỉ gây ảnh hưởng đến chất xám và chất trắng trong não mà còn khiến não dễ bị teo.

Do cồn trong rượu dễ dàng xâm nhập vào hệ thống thần kinh, chúng dễ dàng phá hoại những tế bào não của người uống. Có đến 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly rượu. Người nghiện rượu có nguy cơ mắc bệnh não Wernicke hay hội chứng quên Korsakoff gồm mất khả năng nhớ và nhớ lẫn lộn, gọi nôm na là 'teo não'. Teo não còn gây nhiều hệ lụy khác như chứng mất ngủ, ảo giác, nói nhiều, hoang tưởng, run tay chân... thậm chí bị tâm thần phân liệt.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của Bệnh viện Thu Cúc, rượu là chất cực kỳ độc với hệ thần kinh, nhất là trong tình hình hiện nay rượu có pha chế cồn công nghiệp (methanol). Đã không ít các ca bệnh thoát chết nhưng di chứng não, mắt rất nặng nề, não căng phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…

Do đó, nên uống càng ít rượu bia càng tốt, tốt nhất là không uống. Với nam giới bình thường, mức khuyến cáo là chỉ nên uống 50ml rượu 40 độ; nữ giới 25ml trong một lần uống và không uống liên tục. Bia là 400ml với nam; 200ml với nữ.

Hiện nay, lo ngại tác hại của rượu bia, nhiều người cho rằng chuyển sang uống rượu ngâm thực vật, động vật sẽ tốt hơn, tuy nhiên các bác sĩ cho rằng quan niệm này là sai lầm. Rượu ngâm uống tăng cường sức khỏe chỉ là đồn thổi, không có bằng chứng khoa học. 

Các chuyên gia khuyến cáo, không phải cái gì ngâm cũng tốt, và cần được đánh giá chuyên môn để đảm bảo an toàn, không có độc tính không thể ngâm tùy tiện. Đặc biệt, với những người uống rượu bia nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên ít nhất 1-2 lần 1 năm để được bác sĩ thăm khám chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.

Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 thì ngoài việc nghiêm cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên thì cũng có các quy định nghiêm ngặt tại khoản 3 Điều 12 đối với việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ nhằm hạn chế trẻ em, thanh thiếu niên tiếp cận với thông tin về rượu, bia, cụ thể:

Không có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; không sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.

Không quảng cáo trên báo nói, truyền hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài…; không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em.

Tại Điều 5, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

Theo VietQ