Vì sao Ngân hàng Nhà nước mua lại nhà băng giá 0 đồng?

Có đủ cơ sở pháp lý dựa trên giá trị thực về vốn điều lệ của quỹ dự trữ còn lại của các ngân hàng là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại nhà băng giá 0 đồng.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước mua lại nhà băng giá 0 đồng

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, về việc Ngân hàng Nhà nước mua ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng.

Theo đó, cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý có thể mua ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng là căn cứ vào Điều 149 luật các tổ chức tín dụng.

Điều luật này nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực hiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trên cơ sở đó, năm 2013, Thủ tướngđã ban hành quyết định số 48, hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, các hình thức, biện pháp mua lại các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt bao gồm định giá cổ phiếu, quyền các bên liên quan.

Ngoài ra, hoạt động này còn được thực hiện dựa trên quyết định 254 của Thủ tướng về Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Với quy định này, Ngân hàng Nhà nước có quyền sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, trong đó có việc buộc các tổ chức tín dụng yếu kém hợp nhất, sáp nhập, mua lại.

Sau đó, một văn bản khác là quyết định số 255 của Thủ tướng quy định một số biện pháp bổ sung về tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 cũng không cho phép áp dụng các biện pháp phá sản theo quy định Luật Phá sản để giữ vững thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị.

Do đó, lựa chọn mua lại các ngân hàng yếu kém này với giá 0 đồng được xem là biện pháp hài hòa, đảm bảo lợi ích và phù hợp với các quy định pháp luật hiện nay.

Về vấn đề mức giá của các tổ chức bị mua lại, Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, quyết định 48 có nêu rõ phải thực hiện thuê các tổ chức tư vấn có chức năng định giá độc lập để xác định giá trị doanh nghiệp của ngân hàng. Trên cơ sở đó, giá trị cổ phiếu của các ngân hàng sẽ được xác định một cách độc lập, khách quan.

Dựa trên giá trị thực về vốn điều lệ của quỹ dự trữ còn lại của các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt thì Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định mua lại trên cơ sở định giá độc lập. Cơ quan chủ quản này cũng yêu cầu các chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng đó thực hiện việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực về an toàn vốn tối thiểu. 

"Nếu tổ chức tín dụng không tăng được vốn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mua. Còn mua giá nào thì phải dựa trên cơ sở giá trị doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước quyết định", lãnh đạo cơ quan giám sát ngân hàng khẳng định.

"Các ngân hàng được mua thời gian vừa qua hoàn toàn do công ty định giá độc lập tính toán định giá. Giá trị cổ phiếu của các ngân hàng này thậm chí là âm đồng, chứ không phải 0 đồng.

Và việc Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phiếu của các ngân hàng yếu kém thời gian qua không phải ép buộc mà hoàn toàn trên cơ sở định giá doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu, đánh giá độc lập khách quan và là cơ sở để xác định giá", ông Nghĩa cho hay.

Theo T.A (zing)