Vì sao quần jeans có màu xanh?

Mặc dù quần jeans giờ đây đã có nhiều màu sắc khác nhau, song gam màu chủ đạo của quần jeans vẫn là màu xanh. Vì sao vậy?

Trong cuốn sách mới của mình mang tựa đề ROY G. BIV: An Exceedingly Surprising Book About Color, một cuốn sách nói về giai thoại của các loại màu sắc, tác giả Jude Steward đã khiến chúng ta phải giật mình về câu chuyện phía sau những màu sắc chúng ta thấy hàng này.

Ảnh cận cảnh sợi vải jeans

Màu là một bí ẩn của tự nhiên. Trong một bộ phim hoạt hình quen thuộc, các gam màu xuất hiện liên tục, cái nọ nối tiếp cái kia, điểm tô cho các đồ vật quen thuộc như bút chì, chiếc ô, những quả táo, những chiếc lá và cả những làn khói.

Màu sắc có mặt ở khắp mọi nơi. Trong cuốn sách ROY G. BIV, Jude đã trả lời rất nhiều câu hỏi lớn về màu sắc, chẳng hạn như tại sao mái ngói thường có màu đỏ, các hãng taxi ở New York lại có màu vàng. Và đây là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm: tại sao quần jeans có màu xanh?

Câu chuyện về tên gọi

Đầu tiên, tại sao lại gọi là "jeans"? Cái tên denim và jeans xuất phát từ hai cảng ở châu Âu, nơi chuyên cung cấp hai loại vải khá giống nhau trong thời Trung Cổ. Vải bông thô Gene là một loại vải pha trộn các chất liệu bông-lanh-len, được vận chuyển từ Genoa, một cảng biển ở phía Tây Bắc nước Ý. Còn một loại vải pha trộn giữa lụa có tên Serge de Nîmes, và được gọi tắt là de Nîmes hoặc denim, được vận chuyển từ nước Pháp.

Theo một bài báo có tựa đề Lịch sử ngắn gọn của Denim của nhà sử học Lynn Downey, vào thế kỷ 19, cả hai loại vải này dần dần được sản xuất thành những loại vải có sự pha trộn khá giống nhau, chỉ có thành phần là cotton. Cả hai đều được "sử dụng để sản xuất quần áo cho nam giới, có giá trị đặc biệt vì độ bền cao thậm khi sau nhiều lần giặt".

Thuốc nhuộm làm từ cây chàm

Sau đó đến cơn sốt vàng của thế kỷ 19 ở nước Mỹ. Năm 1873, doanh nhân người Bavaria, Levi Strauss, đã bắt tay với thợ may người Latvia, Jacob Davis, để sản xuất quần áo bằng vải thô nhuộm màu chàm, được gia cố chắc chắn thêm bằng đinh tán thép ở các đường may. Đinh tán chính là đứa con tinh thần của Davis, nhưng ông không đủ khả năng lấy bằng sáng chế cho thiết kế này.

Levi Strauss và Jacob Davis sản xuất loại quần này để bán cho những người đào vàng, những người cần đến loại quần áo cực bền để mặc trong những chuyến đi tìm kiếm vận may. Công việc kinh doanh rất phát đạt. Và quần Jeans nhanh chóng trở thành biểu tượng cho tính cách của dân miền Tây nước Mỹ - thẳng thắn, mạnh mẽ, nổi loạn và tư bản.

Bí ẩn màu xanh

Vậy tai sao quần jeans lại có màu xanh? Câu trả lời nằm ở thuốc nhuộm. Không giống như hầu hết các loại thuốc nhuộm tự nhiên, khi bị đun nóng, chúng thấm trực tiếp vào sợi vải. Thuốc nhuộm chàm (được chế biến từ cây chàm) chỉ bám bên ngoài sợi vải, và cần thêm một chất xúc tác nữa gọi là thuốc ăn màu. Mỗi lần giặt, một ít thuốc nhuộm màu lại bị phai đi, mang theo cả một ít sợi vải. Quá trình này vừa giúp làm mềm vải thô đồng thời định hình màu sắc đặc trưng cho quần jeans. Quá trình này, cộng với thực tế quần jeans có thể "co dãn để vừa với số đo của người mặc" đã khiến nó trở nên rất được ưa chuộng, vì mặc thoải mái.

Mặc dù những người đào vàng có thể không biết về việc vải denim trông như thế nào, nhưng họ quan tâm đến độ bền, sự thoải  mái và vừa vặn của chiếc quần khi mặc. Ban đầu, cha đẻ của quần jeans là Strauss cung cấp quần jeans theo 2 loại: loại bằng vải bông màu nâu và loại bằng vải denim màu xanh. Nhưng đến năm 1911, họ đã hoàn toàn loại bỏ quần jeans bông màu nâu. Theo nhà lịch sử Downey giải thích, thì "một khi một ai đó đã mặc quần denim, cảm nhận được sự thoải mái và độ bền của quần denim màu xanh sau mỗi lần giặt, anh ta không còn muốn mặc lại chiếc quần bông màu nâu nữa, bởi vì vải bông khiến họ cảm giác như đang mang trên người một chiếc lều vải vậy".

Yếu tố thị hiếu của người dùng sau cùng chính là thứ đã khiến jeans chỉ còn một màu xanh như hôm nay.

Theo Hoàng Lan (VnReview)