Vì sao rằm tháng Giêng gọi là Tết Nguyên Tiêu?

Trong 12 ngày rằm của một năm, rằm tháng Giêng thường được coi là có nhiều ý nghĩa nhất. "Cúng cả năm không bằng cúng rằm tháng giêng".

Theo Nho học, ngày này xưa là Tết Trạng Nguyên, dịp nhà vua nhân trăng sáng đầu năm cho vời các trạng nguyên đến tiệc tại vườn thượng uyển để thưởng thức thiên nhiên, xướng thơ cùng các văn nhân, thi sĩ. Dần dần sau đó rằm tháng Giêng trở thành ngày các học sĩ đàm đạo, như một sinh hoạt tao đàn được tổ chức ở nhiều nơi, chứ không chỉ riêng vườn thượng uyển.

Có nhiều lí giải cho việc tại sao rằm tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên Tiêu. Theo Phật giáo, ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng là ngày của Phật, Phật tử đến ngày đó thường phải đi lễ chùa. Đêm rằm tháng Giêng là đêm (Tiêu) đầu tiên (Nguyên), nhiều người tin rằng đây là đêm Phật giáng lâm nên rằm tháng Giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…

Còn theo truyền thuyết Trung Hoa, thì thời Hán Vũ Đế có một cung nữ tên là Nguyên Tiêu, do đã qua nhiều cái Tết mà không được đoàn tụ với gia đình nên nhảy xuống giếng tự vẫn. Cô may mắn được Đông Phương Sóc, một sủng thần của Hán Vũ Đế cứu sống.

Nghe chuyện của cô gái, Đông Phương Sóc bày kế truyền khắp kinh thành quẻ bói “mười sáu tháng Giêng bị lửa thiêu”, bảo mọi người muốn sống thì hãy tâu lên nhà vua tìm cách.


Lễ hội đèn đêm rằm tháng Giêng

Hán Vũ Đế nghe tin liền triệu ông đến bàn tính việc đối phó với thần hỏa. Đông Phương Sóc liền tâu: Nghe nói thần hỏa rất thích ăn bánh trôi, có thể giao cho Nguyên Tiêu trong cung khéo tay làm bánh đãi hỏa thần. Để thưởng công “dẹp nạn lửa” cho cô gái, vua đã cho cô về đoàn tụ với gia đình, và ngày rằm tháng giêng cùng chiếc bánh được đặt tên “nguyên tiêu”.

Vào ngày tết này, người dân Trung Quốc thường tổ chức lễ hội đèn lồng, treo đèn với ý nghĩa “để Ngọc Hoàng lầm tưởng thành Trường An đang bị lửa thiêu” trong câu chuyện năm nào.

Rằm tháng Giêng còn là lễ thượng nguyên, là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cùng với rằm tháng Giêng, còn có rằm tháng bảy là lễ trung nguyên và rằm tháng mười là lễ hạ nguyên.

Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề của mỗi gia đình, có nhà lễ bái chư Phật, có nhà cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn các đẳng, cúng gia tiên,…

Theo Phương Anh ( Khỏe & Đẹp )