Bầu Đức đã mất 4.700 tỷ đồng

Cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục rớt giá thảm hại trong sự ngỡ ngàng của cổ đông và nhà đầu tư.

HAG bắt đầu giảm giá kể từ giữa tháng 11/2015, khi đó HAG còn giao dịch quanh mốc 14.000 đồng mỗi cổ phiếu. Đến phiên giao dịch sáng nay, HAG chỉ còn 8.900 đồng mỗi cổ phiếu nhưng lệnh bán giá sàn vẫn ồ ạt được đẩy ra. Như vậy, so với đầu năm 2015, khi cổ phiếu HAG còn giao dịch với mức giá gần 24.000 đồng, thì giá hiện tại đã giảm hơn 60%.

Điều đáng nói không chỉ có cổ đông và nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu HAG bị thiệt hại, tài sản của bầu Đức cũng suy giảm đáng kể sau những đợt giảm giá này. Theo thống kê, bầu Đức đang nắm giữ  347,7 triệu cổ phiếu HAG. Với mức giá hiện nay thì tài sản đại gia phố núi đã giảm xuống chỉ còn hơn 3.094 tỷ đồng. Trong khi thời điểm này năm ngoái, tài sản của ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) còn hơn hơn 7.800 tỷ đồng. Tính ra, tài sản của bầu Đức đã bị “bốc hơi” hơn 4.700 tỷ đồng trong khoảng một năm trở lại đây.

Từ vị trí người giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán năm 2014, bầu Đức hiện đã rơi xuống vị trí thứ 4. Cụ thể, bầu Đức hiện xếp sau ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát (HPG) và bà Phạm Thu Hương, vợ của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup (VIC).

Vận rủi của bầu Đức

Thị trường đang xuất hiện nhiều tin đồn liên quan đến tình hình tài chính không mấy sáng sủa của HAG. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu HAG. Cụ thể, theo thống kê, năm 2014, tổng nợ chiếm đến 148% trên vốn chủ sở hữu và trên 58% tổng tài sản của HAGL.

Tỷ lệ nợ cao là lý do khiến HAGL gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt các khoản nợ ngắn hạn gần 8.600 tỷ đồng (cuối quý III năm 2015) sẽ làm gia tăng chi phí và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính quý III, tính đến ngày 30/9/2015, tiền mặt của HAGL chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng, trong khi tổng nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) xấp xỉ 25.450 tỷ đồng.

Bầu Đức đã mất 4.700 tỷ đồng
Giá cao su liên tục rớt kể từ khi ông chủ HAGL tham gia vào thị trường. Ảnh:Vneconomy.

Theo phân tích của giới đầu tư, chính tham vọng đa ngành và những quyết định đầu tư không may mắn đã đẩy HAGL vào tình trạng nợ nần. Từ doanh nghiệp bất động sản hàng đầu, bầu Đức bất ngờ tuyên bố bỏ ngang để chuyển sang trồng cao su. Nhưng rủi thay, trong khi giá cao su liên tục rớt giá kể từ khi bầu Đức nhảy vào thì mảng bất động sản lại có dấu hiệu ấm lên.

Trên trang cá nhân, một chuyên gia chứng khoán chia sẻ: "Nhìn giá cổ phiếu HAG giảm, tự nhiên lại nhớ đến câu nói bất hủ của bầu Đức cách đây mấy năm với các chuyên viên phân tích của các quỹ đầu tư: ‘Phải bán nhà cũng trồng cao su’.

Ở thời điểm đó, giữa vườn cao su, bầu Đức rút cây bút trong túi áo, khía đầu sắt nhọn vào thân cây cao su cho dòng mủ trắng chảy ra. Đứng trước rất nhiều đại diện các tổ chức đầu tư giữa vườn cao su 3 tháng tuổi trên đất Lào, bầu Đức cười sảng khoái: 'Có người hỏi ông Đức trồng cao su cạo ra cái gì? Ra mủ chứ ra cái gì'. Cách đó mấy bước chân, chuyên viên Quỹ đầu tư Temasek với tay bẻ lá cao su. Một giọt nhựa ứa ra đầu cành. Rồi ông Đức khẳng định: 'Phải bán nhà cũng trồng cao su'", anh chia sẻ.   

Chuyên gia này phân tích, vào thời điểm đó, tháng 1/2012, giá cao su đang ở đỉnh cao của lịch sử. Không chỉ bầu Đức mà rất nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, các hộ nông dân nhỏ cũng đua nhau trồng cao su. 

Bầu Đức cũng như các quỹ đầu tư đều lấy giá hiện tại (giá ở thời điểm đó) để tính toán lợi nhuận và dòng tiền trong tương lai của HAGL, mà không nhận ra rằng, việc tính toán đó là một sai lầm lớn, khi giá các loại hàng hóa có tính chu kỳ rất cao. Trong các ngành có tính chu kỳ, lợi nhuận chưa bao giờ thuộc về số đông.

Về đích nhờ… bò

Đầu tư vào cao su không thành công, bầu Đức chuyển hướng sang kinh doanh bò và lĩnh vực này đã góp phần “giải cứu” HAG. Theo báo cáo tài chính quý III/2015 được HAGL công bố cho thấy, tổng doanh thu 9 tháng năm 2015 của doanh nghiệp đạt 5.203 tỷ đồng (tăng 117% và hoàn thành 98% kế hoạch năm 2015). Tuy nhiên, lợi nhuận lại sụt giảm mạnh với 1.342 tỷ đồng (giảm 24% và hoàn thành 79% kế hoạch năm 2015).

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đáng kể này là chi phí tài chính tăng đến 90%, chi phí bán hàng tăng 21% và chi phí doanh nghiệp tăng 51%, đã khiến cho lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm 8% so với cùng kỳ năm 2014. Được biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của HAGL với doanh thu đạt 5.347 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.680 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là trong quý III, doanh thu từ bán bò chiếm 63% tổng doanh thu, vượt qua mía đường, trở thành lĩnh vực đóng góp chính cho HAGL. Trước đó, mảng kinh doanh mía đường chiếm vị trí chủ đạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2014, doanh thu từ mía đường đóng góp 1.042 tỷ đồng (chiếm 34% tổng doanh thu). Các sản phẩm hàng hóa và mía đường chiếm tỷ trọng lần lượt 11% và 10,7%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu từ bán bò của HAG đạt 2.145 tỷ đồng, trong khi năm 2014 mảng này gần như không ghi nhận doanh thu. Do vậy, mảng kinh doanh thịt bò kỳ vọng giúp HAGL tạo đà tăng trưởng mới, đặc biệt thời điểm nhu cầu thịt tăng do rơi vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Điều này sẽ tác động tích cực đến doanh thu và lợi nhuận của HAGL nếu giá thành đủ sức cạnh tranh và ký kết được các hợp đồng cung cấp ổn định cho các đối tác trong nước.

Lý do để bầu Đức trông cậy vào bò còn bắt nguồn từ sự suy yếu của các mảng kinh doanh còn lại của HAGL không như kỳ vọng. Đơn cử, hoạt động từ các công ty liên doanh, liên kết trong năm 2014 gần như không đóng góp nhiều.

Tuy đóng góp lớn và được dự báo là lĩnh vực kinh doanh chiến lược của HAGL, nhưng thực tế kinh doanh bò vẫn còn nhiều thách thức và rủi ro. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), đang gây ra áp lực cạnh tranh khá lớn cho ngành thịt, nhất là FTA Việt Nam-EU vừa hoàn tất đàm phán. Theo đó, nhập khẩu thịt đông lạnh từ EU vào Việt Nam dự báo tăng mạnh do thuế suất về mức 0% theo lộ trình từ 3-7 năm.

Nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu HAG bức xúc cho rằng, liên tục đăng đàn bàn về bóng đá, nhưng bầu Đức lại không đoái hoài gì về giá cổ phiếu HAG. “Điều chúng tôi mong mỏi nhất hiện nay là bầu Đức cần lên tiếng chính thức, để giải trình về sụt giảm của cổ phiếu, nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư, thay vì để họ tự tìm hiểu lý do và bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá như hiện nay", một nhà đầu tư nói.

Theo Thảo Nguyên(Zing)