Bé trai 5 tuổi bị cha ruột hành hạ dã man: Hành vi mất nhân tính

Trong quá trình chung sống, Minh đã dùng nhiều dụng cụ để bạo hành con trai 5 tuổi một cách dã man.

Công an huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã khởi tố bị can với Dương Nguyễn Bình Minh (23 tuổi, trú tại xã Phú Đông) về hành vi Hành hạ con.

Trước đó, cơ quan chức năng đã tạm giữ Minh do nhiều lần bạo hành con ruột 5 tuổi.

Theo cơ quan chức năng, năm 2018 Minh kết hôn với chị D. (trú tại huyện Nhơn Trạch) và có một con chung là cháu Đ. (5 tuổi). Tuy vậy, cuộc sống vợ chồng Minh không hạnh phúc. Tới tháng 12/2020, khi ly hôn, Minh giành quyền nuôi con. Trong quá trình chung sống, Minh nhiều lần đánh con trai bằng các vật dụng sinh hoạt như đũa ăn cơm, thước kẻ, dây sạc điện thoại...

Ngày 20/10, thấy con không chịu học bài, Minh dùng dây sạc điện thoại đánh vào phần mông, chân, tay và đầu. Không dừng lại ở đó, anh ta còn dùng dây điện thoại quấn vào cổ không cho con chạy và dùng tay đánh vào miệng, mặt con.

Thấy cháu Đ. khóc, Minh tiếp tục dùng đồ nấu ăn đánh nhiều lần vào phía sau lưng và lòng bàn tay trái của con đến ứa máu. Một ngày sau, bà nội cháu bé phát hiện trên cơ thể có nhiều vết bầm nên trình báo chính quyền địa phương.

be-trai-5-tuoi-bi-cha-ruot-hanh-ha-da-man-hanh-vi-mat-nhan-tinh

Cháu Đ. bị cha bạo hành dã man trong quá trình chung sống. Ảnh:TL

Liên quan tới vụ việc trên, Ts.Ls Đặng Văn Cường, Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bày tỏ quan điểm: Hành vi của người cha trong vụ án này là rất tàn nhẫn, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em, nên cơ quan điều tra khởi tố đối đối tượng về hành vi Hành hạ con là có căn cứ.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân. Pháp luật cũng quy định, cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, không cho phép hành vi giáo dục trẻ em bằng bạo lực.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi bạo lực, đối xử tàn nhẫn đối với trẻ em là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, cũng như hậu quả xảy ra, đối tượng hành hạ trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

be-trai-5-tuoi-bi-cha-ruot-hanh-ha-da-man-hanh-vi-mat-nhan-tinh

Ts.Ls Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm về vụ việc

Hành vi đối xử tàn nhẫn với người lệ thuộc là hành vi hành hạ người khác, người thực hiện hành vi này mà không có mối quan hệ huyết thống thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Hành hạ người khác" theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự.

Trường hợp người thực hiện hành vi hành hạ người khác có mối quan hệ huyết thống thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 185 Bộ luật hình sự. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: Điều 185 "Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình". Hành vi hành hạ con là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Mặc dù pháp luật đã quy định rất cụ thể, công tác tuyên truyền pháp luật được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua vẫn xuất hiện không ít những trường hợp cha mẹ, thầy cô giáo đã thực hiện hành vi đánh đập hành hạ trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội. Không ít những trường hợp đã bị khởi tố, xử lý hình sự với chế tài nghiêm khắc.

Tuy nhiên hiện tượng bạo hành đối với trẻ em vẫn diễn ra ở khắp mọi nơi cho thấy bảo vệ trẻ em là vấn đề rất phức tạp, nan giải phải cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể và các tổ chức xã hội. Kịp thời phát hiện các hành vi bạo hành trẻ em để can thiệp, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Với các bậc cha mẹ thì dạy dỗ giáo dục con cái là một hoạt động rất công phu, đòi hỏi phải kiên nhẫn và có phương pháp phù hợp. Nóng nảy, thiếu hiểu biết, ý thức coi thường pháp luật là rất dễ trở thành tội phạm khi thực hiện các hoạt động giáo dục đối với trẻ em.

Theo GiaDinh