Binh pháp Tôn Tử: Bài học về sức mạnh mềm của TQ

Bắc Kinh luôn khẳng định xu hướng sử dụng Binh pháp Tôn Tử trong chiến lược trỗi dậy hòa bình của mình.

Tại Hội thảo quốc tế lần 9 với chủ đề 'Binh pháp Tôn Tử trong thời bình: Hợp tác và phát triển', do Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc tổ chức vào tháng 8/2014, giới quân sự Trung Quốc nhấn mạnh:

'Việc vận dụng Binh pháp Tôn Tử thông qua phát triển, hợp tác hòa bình, đôi bên cùng có lợi chính là đường lối đúng đắn để duy trì nền hòa bình thế giới'.

Trước đó, phát biểu tại Trường Sỹ quan chỉ huy - Tham mưu liên quân Anh (JSCSC) vào năm 2012, Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh cũng viện dẫn Binh pháp Tôn Tử để giải thích về tư tưởng chiến lược và xây dựng lòng tin mà Bắc Kinh đang theo đuổi:

'Trung Quốc đủ thông minh để giành chiến thắng mà không phải dùng đến vũ lực. Nhưng nếu cần thiết, Trung Quốc vẫn có thể vượt qua mọi cuộc đối đầu.

Đây chính là ý nghĩa cốt lõi của Binh pháp Tôn Tử và là linh hồn của chiến lược quân sự Trung Quốc hiện đại'.

Đã từ lâu, tư tưởng về quyền lực mềm của Tôn Tử đã có tác động sâu sắc đến giới chính trị gia và quân sự thế giới.

Trong cuốn sách có tựa đề 'Quyền lực dẫn đầu', nhà chính trị người Mỹ Joseph Nye đã miêu tả Tôn Tử là một chiến lược gia thông minh, người có thể hiểu được tầm quan trọng của sức mạnh mềm.

Một ví dụ khác là cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd. Nhà lãnh đạo này từng lên tiếng kêu gọi 2 cường quốc hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương là Mỹ và Trung Quốc cần tránh đối đầu mà thay vào đó, thiết lập một mối quan hệ chung dựa trên lợi ích, hợp tác và xây dựng lòng tin:

'Chiến tranh là đại sự của quốc gia, liên quan tới việc sống chết của nhân dân, sự mất còn của nhà nước, không thể không khảo sát nghiên cứu cho thật kỹ'.

Ông Rudd gợi ý rằng, chữ 'quốc gia' trong câu nói trên của Tôn Tử nên được thay bằng chữ 'thế giới' trong bối cảnh hiện đại.

Tuy nhiên, sự thay thế của ông không nhận được sự đồng ý của nhiều chuyên gia, bởi Tôn Tử không phải là một nhà tư tưởng quốc tế mà là một chiến lược gia quân sự.

Dù về mặt lời nói, ông nhiều lần phản đối việc sử dụng vũ lực, song trên thực tế, mục tiêu cuối cùng mà Tôn Tử nhắm đến vẫn là giành chiến thắng trước đối phương.

Theo nhà phân tích Leon Whyte của tờ The Diplomat, việc cho rằng Tôn Tử khuyến khích chiến lược hợp tác hòa bình, đôi bên cùng có lợi là điều không hoàn toàn đúng.

Bằng chứng là câu nói kế sách đánh địch là phải 'tỏ ra yếu khi mạnh, tỏ ra mạnh khi yếu':

'Nếu có thể tấn công thì giả như không thể tấn công, muốn đánh nhưng giả như không muốn đánh, muốn hành động ở gần nhưng giả như muốn hành động ở xa, muốn hành động ở xa nhưng lại giả như muốn hành động ở gần'.

Điều này có thể lý giải vì sao Trung Quốc vẫn luôn tỏ thái độ hung hăng trên biển Đông và biển Hoa Đông, trong khi một mặt ra sức giảng giải về cái gọi là sự 'trỗi dậy trong hòa bình'.

Tuy nhiên, chuyên gia Robert Manning của tổ chức nghiên cứu Atlantic Council lại cho rằng Bắc Kinh đã thất bại trong việc áp dụng chiến lược mềm của Tôn Tử.

Thay vì giấu đi sức mạnh của mình, sự bành trướng của Trung Quốc trong cả hành động và tuyên bố chủ quyền đã làm dấy lên sự căng thẳng.

Kết quả là Bắc Kinh vô tình tự cô lập bản thân, đồng thời, đẩy các quốc gia láng giềng có tranh chấp ngày càng tiến về phía Mỹ.

Theo Đất Việt