Chế rượu ngoại giả chỉ cần...khéo tay

Hào tiết lộ, để làm được rượu ngoại giả không khó, chỉ cần khéo tay. Công cụ để sản xuất đơn giản gồm: máy bấm keo, ruột bút bi, dao hai lưỡi, phễu, chất tạo màu… và một vài loại rượu kết hợp.

Chế rượu ngoại bằng “công nghệ” pha lắc

Tin tức trên báo Tiền Phong, sau hàng loạt vụ sản xuất rượu ngoại giả quy mô lớn được phát hiện ở Hà Nội, TPHCM… mới đây, tại phố núi Pleiku ( tỉnh Gia Lai), cơ quan Cảnh sát điều tra mật phục, bắt giữ số lượng lớn rượu dán các nhãn ngoại Chivas, Napoleon, Whisky được làm giả tại nhà riêng.

Sau thời gian trinh sát, ngày 26/1 công an TP Pleiku đột nhập, kiểm tra đột xuất nhà ông Nguyễn Thái Hào (SN 1975, trú tại hẻm 112, đường Tôn Thất Tùng, phường Phù Đổng). Những gì hiện ra trước mắt khiến cả đoàn kiểm tra ngỡ ngàng. Đoàn đã lập biên bản thu giữ 108 chai Chivas loại 12-18-21 năm, 10 thùng Wall Street, 6 thùng vang Pilot, 3 thùng Whisky Golden Label, 10 thùng Vodka, 10 thùng vang Đà Lạt… cùng với hơn 600 vỏ chai và gần 2.000 tem nhãn, logo, nắp chai rượu giả.

Hào khai việc làm rượu giả chỉ là… tình cờ ! Cách đây 2 năm, Hào từ Gia Lai xuống TPHCM làm nhân viên tiếp thị rượu, vô tình gặp trúng một “sư phụ” chuyên làm rượu ngoại giả. Nghe bùi tai, khoái kiểu làm ăn vốn ít nhưng lãi nhiều Hào “bái sư học làm rượu giả”. Có nghề trong tay, Hào về lại Gia Lai dựng cơ sở làm rượu giả ngay tại nhà, tự tìm mua nguyên vật liệu làm giả các loại rượu đắt tiền. Trong số các loại rượu ngoại cao cấp, Chivas là loại rượu mà Hào ưa thích làm giả vì “dễ bán, lãi cao”.

rượu giả

Cơ quan chức năng bắt 1 vụ sản xuất rượu ngoại gia ở Đăk Lăk

Hào tiết lộ, để làm được rượu ngoại giả không khó, chỉ cần khéo tay. Công cụ để sản xuất đơn giản gồm: máy bấm keo, ruột bút bi, dao hai lưỡi, phễu, chất tạo màu… và một vài loại rượu kết hợp. “Chỉ cần pha chế rượu Hankey với Wall Street và một phần rượu Vodka là thành rượu Chivas. Tùy vào tỉ lệ pha các loại rượu khác nhau để cho ra mỗi loại Chivas 12, Chivas 18 hay Chivas 25 năm… Nếu là Chivas 12 năm chỉ cần cho ít Hankey. Khâu đóng nắp chỉ cần dùng tay đóng lại, vặn kỹ rồi dán tem lên và dùng ruột bút bi ép vào nắp để tạo vân cho giống chai rượu thật. Đặc biệt, để rót rượu vào được vỏ chai Chivas thật, phải dùng dây đàn kéo viên bi lên miệng chai, sau đó từ từ chế rượu vào”, Hào kể chi tiết cách làm rượu giả.

Như vậy, Chivas là giả và các loại rượu dùng pha chế cũng không rõ nguồn gốc, vô tình người tiêu dùng phải hứng chịu “2 lần rượu giả”. Các hỗn hợp giả chung trộn với nhau liệu sẽ thành “độc chất gì?” và hậu quả là người dùng “tiền mất, tật mang”.

Để tránh sự giám sát, phát hiện của cơ quan chức năng, Hào âm thầm tìm mối, bán lẻ cho khách vãng lai. Do đó, cơ quan quản lý thị trường bị Hào “qua mặt” mà không hề hay biết trong suốt thời gian dài. Khi bị bắt tại trận, Hào “thú nhận” mới “tiêu thụ trót lọt” 10 chai Chivas, giá 500 đến 650 nghìn đồng/chai? Trong khi số lượng lớn hàng giả và dày đặc vỏ chai chưa đóng nắp khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về “một đường dây còn chưa làm rõ”. Với mức giá các loại Chivas trên thị trường dao động từ 1 đến 5 triệu đồng/chai, đâu là thật - giả khó mà biết được!

rượu giả

Hào tiết lộ, để làm được rượu ngoại giả không khó, chỉ cần khéo tay. Công cụ để sản xuất đơn giản gồm: máy bấm keo, ruột bút bi, dao hai lưỡi, phễu, chất tạo màu… và một vài loại rượu kết hợp. (Ảnh minh họa).

Cách phân biệt rượu thật - giả

Thông thường, các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới được sản xuất công nghiệp và đóng chai tự động, do đó về mặt nguyên tắc, màu sắc của rượu cũng như mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Rượu giả được làm thủ công nên màu sắc và mức rượu bên trong chai thường không đều nhau.

Khi mua, nên quan sát vài chai rượu cùng nhãn hiệu, xếp thành dãy và cùng một góc ảnh sáng để nếu thấy chai nào có màu rượu và mức rượu khác biệt thì có thể nghi vấn đó có thể chai giả, và tiếp tục kiểm tra những yếu tố tiếp theo.

Kiểm tra nhãn

Đây là yếu tố quan trọng mà NTD nên quan tâm. Hầu hết các chai rượu giả đều sử dụng lại vỏ của chai rượu thật. Trong quá trình tẩy rửa, đóng chai, nhãn thật bì trầy xước hoặc bị bong ra chút ít. Vì vậy, người mua nên thận trọng với những lời giải thích “hàng bị xước trong quá trình vận chuyển”. Sự khác biệt lớn là nhãn giả không thể bắt chước được các kỹ thuật in đặc biệt của các hãng chính gốc.

Kiểm tra nắp/ nút

Thông thường, các đối tượng làm hàng giả thường sử dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nếu quan sát kỹ, các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình nậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật…tinh vi hơn, lỗi trên nắp/nút chai còn được che đậy bởi tem nhập khẩu hoặc tem chống giả

Kiểm tra đáy chai

Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Do đó, khi mua, nên quan sát thật kĩ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua.

Các vết khoan thường ở những chỗ khó thấy, ví dụ chính giữa vòng tròn của những chữ “A,O,B,.. hoặc những chỗ có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán thật kĩ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. NTD cần quan sát thật kĩ để tìm những lỗ như vậy.
Nếu được tặng chai rượu ngoại thì trước khi đem ra sử dụng, nên thử bằng một trong các cách sau đây để tránh tác hại khi uống nhầm rượu giả:

Đem để vào ngăn đá tủ lạnh, sau 12 giờ lấy ra, nếu có hiện tượng đông đá thì có thể bị làm giả.

Theo Ngọc Anh (Người Đưa Tin)