Cơ chế nào bảo vệ nhà báo bị hành hung, cản trở khi tác nghiệp?

Liên tiếp trong thời gian qua, hàng loạt vụ việc các nhà báo bị hành hung, đe dọa trong quá trình tác nghiệp đã dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận. Làm thế nào để bảo vệ nhà báo trước những rủi ro có thể gặp phải?

Chuyện không của riêng nghề báo

Sứ mệnh của người làm báo là đưa ra những thông tin chính xác, nhanh nhạy và kịp thời đến với công chúng. Tuy nhiên không ít nhà báo phải đối mặt với những rủi ro khi bị đe dọa và hành hung.  Trên thực tế, số vụ việc các nhà báo , phóng viên bị đe dọa, hành hung được xử lí chỉ chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng số vụ xảy ra được báo chí nêu ra. Đó là chưa kể những vị hành hung, cản trở nhà báo không được đưa lên mặt báo.

Đưa dẫn chứng về vụ việc 2 nhà báo VOV bị đánh ở Văn Giang, khi đồng nghiệp biết tin hỏi thì họ phủ nhận, chỉ khi có clip đăng lên nhìn rõ mặt thì họ mới xác nhận sự việc là có thật, nhà báo Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, admin Diễn đàn nhà báo trẻ nhận định: “Họ không giải thích nhưng có thể là họ cho rằng nếu lên tiếng cũng không giải quyết được gì, thậm chí khi công bố có thể hậu quả còn nặng nề hơn. Hoặc có những trường hợp thủ phạm gây ra vụ hành hung đến thương lượng, giàn xếp với nhà báo và cơ quan báo chí. 

Một số trường hợp khác thì bản thân tờ báo thực hiện đề tài này cũng không quyết liệt và đeo bám đến cùng, họ chỉ nêu sự việc ban đầu và rồi sau đó không quan tâm đến kết quả giải quyết.  Bên cạnh đó, có một  số trường hợp cơ quan chức năng khi khép hồ sơ vụ án không thông báo cho báo chí để công bố rộng rãi.”

Nhà báo Mai Phan Lợi - Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

 Điều nguy hiểm là có một số thành phần trong xã hội nhìn nhận việc nhà báo bị hành hung, bị đánh là thiệt hại của cá nhân nhà báo và cơ quan báo chí mà họ không nhìn nhận được những thiệt hại đối với xã hội. Bởi các cuộc tấn công nhà báo, cản trở  cướp phương tiện tác nghiệp của nhà báo thực chất là để ngăn cản nhà báo khai thác thông tin, mà những thông tin này lại phục vụ cộng đồng.

Cụ thể trường hợp 2 phóng viên Linh Hoàng và Vĩnh Phú của báo Giao thông bị hành hung, cướp máy quay vì tố cáo tình trạng  xe quá  tải  lưu thông qua cầu Tăng Long , tức là nhà báo đã đứng ra bảo vệ lợi ích cộng đồng, bảo vệ cây cầu đó và việc hành hung,  cướp máy quay là nhằm ngăn chặn nhà báo thực hiện nhiệm vụ công. Qua đó có thể thấy hậu quả từ những vụ việc này là hậu quả  xã hội  chứ không riêng gì nhà báo hay cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, nhà báo cũng thừa nhận thực tế rằng  sự truyền thông của báo chí  về vấn đề này chưa đến nơi đến chốn, chưa chỉ ra rõ hậu quả của việc nhà báo bị hành hung, cản trở sẽ gây những hậu quả mà xã hội phải gánh chứ không phải cá nhân nhà báo. Do đó,  người dân  không hiểu rằng nhà báo bị cản trở đồng nghĩa với  việc thông tin bị ém nhẹm, không được công khai, nhiều góc tối, nhiều tiêu cực đã bị che lấp.

Thêm nữa, có một số trường hợp nhà báo bị hành hung  khi kỹ năng không chuẩn hoặc tác nghiệp có động cơ, mục đích không trong sáng.  Do đó, điều cần thiết là báo chí phải công khai minh bạch về những vụ việc này để công chúng hiểu về nghề báo và những người làm báo.

Cơ chế nào bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp?

Nhà báo Mai Phan Lợi cho biết, theo Luật báo chí thì Hội nhà báo là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Tuy nhiên quyền năng của Hội rất hạn chế,  từ việc thống kê, ghi chép các vụ việc nhà báo bị hành hung đến việc tiếp cận và lên tiếng kịp thời để bảo vệ quyền lợi của nhà báo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Trên thực tế các vụ việc đều phụ thuộc vào việc  các báo đăng bài để hỗ trợ nhau và đặc biệt là vai trò của cơ quan chủ quản. Báo nào mạnh thì sự việc sẽ sớm có phản hồi, sớm có kết quả. Qua đó thấy rằng, điều 2 Luật báo chí về  vấn đề nhà nước bảo hộ việc tác nghiệp của nhà báo trên lãnh thổ Việt Nam cần phải được bảo đảm bằng các cơ chế khả thi, mạnh mẽ hơn.

“Tôi không hy vọng nhiều về những giải pháp nghiêng về phía hội nhà báo mà tôi hy vọng nhiều phía giải pháp về bộ luật hình sự đang được sửa đổi,  trong đó có điều khoản quy định thêm tội danh mới là tội cản trở quyền tự do ngôn luận do Bộ tư pháp đề xuất và hiện nay đang có trong dự thảo bộ luật hình sự. Nếu luật này được thông qua thì hành lang pháp lý bảo vệ nhà báo sẽ mạnh mẽ hơn, hình phạt lên đến 7 năm tù. Theo tôi phải như thế mới đủ sức răn đe.” – nhà báo chia sẻ.

Nhà báo phân tích, hiện nay có  quy định về xử lý vi phạm hành chính, trong đó có 2 chế tài xử phạt những hành vi cản trở, hành hung nhà báo lên đến 30 triệu đồng, kèm theo hình thức xử lý buộc xin lỗi công khai và khắc phục hậu quả. Tuy chế tài này rất hợp lý và tốt đẹp nhưng trong 10 năm qua chỉ xử lý được 3 vụ việc. Còn Luật hình sự thì đang trong quá trình xây dựng.

Không nhiều nhà báo biết nhiều về chế tài này, thể hiện ở chỗ mỗi khi gặp tường hợp này là báo công an trong khi công an không có trách nhiệm quản lý nhà nước về mặt báo chí. Cơ quan công an chỉ bảo đảm an ninh trật tự và có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, tài sản của các công dân nói chung, trong đó nhà báo cũng là một công dân.

Chính vì thế khi tiếp nhận những sự kiện xảy ra như cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo thì các cơ quan công an cũng chỉ tiếp nhận như tin báo của các công dân bình thường và xem rằng trong những xung đột ấy hậu quả có đủ để xử lý hình sự hay không. Tiếp đó họ cũng không biết xác định các chứng cớ cụ thể để hỗ trợ cơ quan quản lý có thể can cứ vào đó để đưa ra quyết định xử phạt .

Quan trọng hơn, Sở thông tin truyền thông mới thành lập nên chưa nắm rõ được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà báo.

Nhà báo Mai Phan Lợi cũng cho rằng: “Trước khi có một cơ chế đủ mạnh, bản thân mỗi nhà báo, phóng viên cần phải tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp.”

Nhà báo cần phải xác định kỹ vấn đề mình khai thác. Với  những đề tài mang tính điều tra, vạch mặt về  sự thật đang bị che lấp, tất cả đều phải xác định phương án cụ thể, bài bản, có tinh thần đồng đội, hỗ trợ nhau trong quá trình tác nghiệp.

Đầu tiên, nhà báo cần có kiến thức, nắm rõ luật, các khía cạnh pháp lý và mức độ bản thân được bảo vệ.  Thứ 2 là kỹ năng  mà nhà báo tự rèn luyện, đúc kết qua quá trình tác nghiệp, nhận biết được những nguy hiểm và phương pháp khắc phục của từng tình huống cụ thể.

Theo Thùy Dương (NTD)