Đồng Nai: Ngăn chặn và thu giữ lượng lớn thực phẩm kém chất lượng

Công an TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) thông tin, đơn vị vừa phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện hơn 1,2 tấn thịt heo và nhiều sản phẩm từ trâu, gà, bò không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã tím tái, bốc mùi hôi thối.

Được biết, lực lượng trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Biên Hòa phối hợp với Công an phường Long Bình, Trạm thú y TP. Biên Hòa tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ, sơ chế thịt heo tại địa chỉ KP.5, phường Long Bình do bà D.T.K. (46 tuổi) làm chủ, phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Tại đây, cơ sở này đang sơ chế khoảng 1,2 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối, không đảm bảo vệ sinh thú y.

Làm việc với lực lượng chức năng, bà D.T.K. khai, số thịt heo trên đều được xẻ từ những con heo đã chết, được bà mua từ các trang trại heo ở TP. Long Khánh. Sau khi được sơ chế, số thịt này bán cho các đầu mối tại tỉnh Bình Dương.

Trước những dấu hiệu vi phạm đó, lực lượng công an đã lập hồ sơ, tịch thu toàn bộ số thịt heo trên để xử lý theo quy định.

dong-nai-ngan-chan-va-thu-giu-luong-lon-thuc-pham-kem-chat-luong

 Số thực phẩm bốc mùi ôi thối chuẩn bị được đem đi chế biến

Trước đó, vào ngày 14/8, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Biên Hòa cũng đồng loạt kiểm tra kho hàng của chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Đán (đóng tại phường Tân Hiệp) và Cơ sở Nhữ Thị Hà (đóng tại phường Hố Nai) phát hiện có chứa nhiều thịt động vật (heo, gà, bò, trâu) không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Kiểm tra tại kho của chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Đán, lực lượng công an phát hiện có hơn 250kg sản phẩm động vật nhập khẩu và tại kho của Cơ sở Nhữ Thị Hà chứa trên 8,5 tấn sản phẩm động vật (heo, gà, trâu).

Các chủ cơ sở này đã không cung cấp được hóa đơn chứng từ liên quan đến số thực phẩm nói trên. Các công ty, cơ sở mua về để bán lẻ lại cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP. Biên Hòa và các vùng lân cận. Công an thành phố đang phối hợp cùng các ngành chức năng tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là mặt hàng "nhạy cảm" vì liên quan đến sức khoẻ của con người nên có những quy định hết sức khắt khe. Đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người bởi quá trình vận chuyển, bảo quản không được đảm bảo an toàn trước sự xâm nhập của các loại vi khuẩn. Thậm chí thực phẩm không rõ nguồn gốc thường sử dụng các loại hóa chất bảo quản độc hại. Nếu thường xuyên ăn phải thực phẩm này nguy cơ ngộ độc, ung thư rất cao. Do đó, để đảm bảo an toàn người tiêu dùng nên lựa chọn những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên ham rẻ để rồi tiền mất tật mang.

Ngoài ra trong thực phẩm bẩn có chứa rất nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm như vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh, độc tố nấm, độc tố vi khuẩn, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc nhuộm màu, chất bảo quản chống thối… Những tác nhân này khi xâm nhập vào cơ thể ban đầu có thể gây các phản ứng tức thời như ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.  

Liên quan đến thực phẩm, tại Việt Nam đã xây dựng và ban hành 5 tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn và sản phẩm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng, khi mua hàng, người tiêu dùng cần chú ý đến chất lượng thực phẩm cũng như nhãn mác, dấu kiểm định để đảm bảo thực phẩm luôn an toàn, tươi sống. 

Một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm:

Tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm - ISO 22000:2018

ISO 22000:2018 là tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành. Giấy chứng nhận ISO 22000 được chấp nhận và có giá trị trên toàn thế giới. ISO 22000:2018 là tiêu chuẩn mới nhất hiện nay, được xây dựng dựa trên nền tảng nguyên lý của 2 tiêu chuẩn HACCP – Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn; ISO 9001:2015 – Hệ thống quản lý chất lượng.

Đây là một trong những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Doanh nghiệp sẽ được đánh giá và thừa nhận là có hệ thống quản lý tốt về an toàn thực phẩm và đủ khả năng cung cấp sản phẩm thực phẩm an toàn ra ngoài thị trường khi đạt được chứng nhận ISO 22000:2018.

Ngoài ra, mọi tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung cấp thực phẩm đều có thể áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000, không phân biệt quy mô, loại hình bao gồm cả những tổ chức hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong chuỗi thực phẩm.

Tiêu chuẩn HACCP

HACCP là từ viết tắt của “Hazard Analysis & Critical Control Point” – Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn.

Tương tự như ISO 22000, nó cũng là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đúng như tên gọi “Phân tích mối nguy và Kiểm soát điểm tới hạn” HACCP được xem là công cụ phổ biến trong ngành thực phẩm, có chức năng xác định và ngăn chặn các mối nguy hại cụ thể hoặc đang tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

HACCP có thể xác định được mối nguy như: Các mối nguy từ sinh học, mối nguy hóa học, vật lý hay các điều kiện bảo quản, vận chuyển, sử dụng. Đối tượng áp dụng HACCP gồm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…; các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, khu chế xuất, thức ăn công nghiệp; cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn và các tổ chức hoạt động liên quan đến thực phẩm.

Tiêu chuẩn FSSC 22000

FSSC 22000 – Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chuẩn phát triển về sản xuất thực phẩm an toàn đầu tiên ở quy mô quốc tế. Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế FSSC 22000 cung cấp khuôn khổ cho việc quản lý hiệu quả trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm. FSSC 22000 được thừa nhận là tương đương và có thể thay thế cho các tiêu chuẩn như BRC, IFS,… được công nhận trước đây của GFSI.

Để áp dụng và đạt chứng nhận FSSC 22000, đầu tiên các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất chế biến doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu. Không được bỏ qua bước phân tích nhận diện và kiểm soát mối nguy theo nguyên tắc HACCP. Đồng thời, doanh nghiệp cần đánh giá rủi ro và thiết lập chương trình phòng vệ thực phẩm để kiểm soát nhiễm bẩn cố ý do mục đích phá hoại.

Tiêu chuẩn GMP

Từ đầu tháng 07/2019, theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn GMP. Điều đó có nghĩa, sau mốc thời gian trên doanh nghiệp sẽ không được phép tiếp tục sản xuất nếu không được cấp chứng nhận GMP.

GMP – Tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành sản xuất tốt. Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm này tập trung áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm yêu cầu điều kiện vệ sinh cao như: thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế. Ngoài ra, trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, khách sạn cũng rất thích hợp cho việc áp dụng tiêu chuẩn GMP.

Tiêu chuẩn BRC

BRC (British Retail Consortium) là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, được xây dựng và ban hành bởi Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc.

Cũng như hầu hết tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến hiện nay doanh nghiệp áp dụng BRC với mục đích kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn trong sản xuất, tạo ra sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn an toàn. Tiêu chuẩn đưa ra yêu cầu doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tuân thủ luật lệ và bảo vệ người tiêu dùng. Giấy chứng nhận BRC được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu. Đối tượng áp dụng BRC bao gồm: các cơ sở sản xuất, công ty, nhà máy thực hiện sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nói chung (ví dụ: thủy sản, rau củ quả, nước uống, bia, rượu, dầu ăn,…). Và không áp dụng cho các hoạt động liên quan tới bán sỉ nhập khẩu, phân phối hay tồn trữ ngoài sự kiểm soát của tổ chức.

Theo VietQ