Hàng Việt bị làm giả ở nước ngoài rồi nhập về bán

Hàng giả tràn lan không chỉ khiến lòng tin người tiêu dùng giảm sút mà việc dẹp vấn nạn này cũng khó có thể thực hiện.

Tại hội thảo “Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA, TPP”, tổ chức tại TP HCM sáng 26/11, các cơ quan quản lý đều thừa nhận, tất cả hàng hóa đang có mặt trên thị trường, từ phân bón, thức ăn chăn nuôi đến thực phẩm, hàng tiêu dùng cả bình dân đến loại cao cấp hiện đều bị làm giả.

“Có cả hàng nhập ngoại giả, hàng có thương hiệu trong nước bị làm giả, và cả hàng Việt bị làm giả ở nước ngoài rồi nhập về bán trong nước”, ông Trần Hùng, Phó ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết.

Hàng giả được sản xuất rất tinh vi dưới dạng gia công sản phẩm ở một nơi, sau đó đặt gia công ở nơi khác rồi lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Thậm chí, có DN trong nước hình thành đường dây làm hàng giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nổi tiếng trong nước.


Rất khó chống hàng giả, hàng nhái bởi hiện nay, hầu như tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường đều bị làm giả

Hàng giả cũng được sản xuất theo đơn đặt hàng, trà trộn vào hàng thật, rất khó phát hiện. Ngoài ra, hàng giả tồn tại còn do một bộ phận người tiêu dùng lâu nay đã tiếp tay để tiêu thụ.

Đại diện Công ty NGK Việt Nam cho biết, việc sản phẩm bugi của đơn vị này bị làm giả lâu nay đã không còn lạ. Tuy nhiên, khi kiểm chứng số liệu thực tế thì doanh nghiệp không khỏi giật mình.

Ông Henry Nishikawa, Tổng giám đốc Công ty BMB (Nhật Bản), cũng chia sẻ, năm nay là năm thứ 4 sản phẩm loa BMB được bán trên thị trường ở Việt Nam, và bị làm nhái, giả khá nhiều. Không chỉ bị làm giả tại Việt Nam mà sản phẩm của đơn vị này còn bị làm giả ở Trung Quốc, chuyển qua Malaysia rồi vào Việt Nam.

Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM khẳng định, rất khó chống hàng giả, hàng nhái bởi hiện nay, hầu như tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường đều bị làm giả, và người tiêu dùng nghiễm nhiên chấp nhận sử dụng hàng này.

“Trên thị trường hiện nay, nếu hỏi có mặt hàng nào không bị nhái, giả thì mọi người sẽ khó trả lời. Ngược lại, chúng ta rất dễ điểm danh nếu được hỏi những mặt hàng nào bị làm giả, làm nhái. Rất nhiều doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường hôm trước thì  hôm sau bị làm giả. Nói chung, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu tại Việt Nam đang rất nghiêm trọng”, ông Phong nói.

Nói về tình trạng hàng giả, còn nhớ, trước đó Đại tá Hoàng Văn Trực (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an) thông tin: “Tất cả mặt hàng ở Việt Nam đều bị làm giả cả. Đơn giản như tăm tre cũng bị làm giả cho tới các mặt hàng phức tạp khác”.

Theo Đại tá Trực, để xảy ra tình trạng hàng nhái, hàng giả thì trách nhiệm của lực lượng phòng ngừa, xử lý, điều tra, phát hiện các mặt hàng này là có vấn đề. Bên cạnh đó là các đơn vị liên quan thì không mặn mà với vấn đề này.

Không chỉ vậy, ngày 16/11 vừa qua, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, đề cập đến công tác quản lý thị trường vẫn còn nhiều yếu kém, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, những năm qua, Bộ Công Thương đã cố gắng thực hiện hàng loạt biện pháp trong phòng, chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái.

Mặc dù về quy mô và giá trị của các vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt giữ và xử lý được năm sau đều tăng hơn năm trước nhưng tình hình thay đổi vẫn không đáng kể.

“Bằng rất nhiều biện pháp, Bộ Công Thương cũng đã rất cố gắng, từ lực lượng quản lý thị trường của Trung ương cũng như lực lượng quản lý thị trưởng ở các sở, các địa phương, nhưng tình hình chuyển biến chậm nên Bộ Công Thương cũng xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội trong công tác này”, người đứng đầu ngành Công Thương thừa nhận.

Nguyên nhân của tình trạng này theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là có nhiều, bên cạnh những nguyên nhân khách quan do mặt trái kinh tế thị trường, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, trong khi hàng giả, hàng nhái với tỷ suất lợi nhuận cao đã có điều kiện để phát triển.

Trong công tác thực thi, về mặt địa lý do chiều dài đường biên giới nước ta trải dài, nhiều nơi rất thuận lợi cho việc buôn lậu và gian lận thương mại phát triển và có diễn biến phức tạp.

Mặt khác, do một bộ phận nhỏ người tiêu dùng vẫn thích hàng ngoại dù kém chất lượng, điều này vô hình chung cũng làm cho hàng giả, hàng nhái có điều kiện phát triển.

Theo Gia Hân ( TH / BĐV)