Mua hóa chất phải trình Chứng minh thư nhân dân

Sau khi ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu người mua hóa chất lẻ phải xuất trình giấy CMND, thì việc mua hóa chất tại khu chợ "tử thần" đã khó khăn hơn trước.

Khi chúng tôi hỏi mua axit đậm đặc thì hàng loạt cửa hàng hóa chất quanh khu chợ Kim Biên đều nói không có hoặc đã hết hàng. Đa số nhân viên bán hàng đều đưa ánh mắt dò xét người mua rồi lắc đầu bảo "không có bán loại này anh ơi”.

mua-hoa-chat-phai-trinh-chung-minh

Hình minh họa.

Cảnh giác với người mua Axit

Theo nam nhân viên một cửa hàng hóa chất trên đường Vạn Tượng, nếu cần tẩy rửa gạch men bị ố vàng thì dùng một loại hóa chất khác thay thế axit clohydric (HCl) có giá 30.000 đồng/kg. Chứ HCl giờ anh mua không ai bán đâu, đang cấm, chuẩn bị dẹp luôn.

Tại một cửa hàng trên đường Kim Biên, người bán báo giá axit HCl loãng là 10.000 đồng/lít, khách mua 2 lít axit kèm theo một can nhựa để đựng có giá tổng cộng 26.000 đồng.

Người đàn ông bán axit cho chúng tôi giải thích đây là axit loãng, chỉ có thể gây ngứa tay khi tiếp xúc. Khi chúng tôi hỏi giá loại axit đậm đặc thì ông này cho hay: “Không có bán vì người ta đã cấm, cấm vì có người mua về tạt người ta, bữa giờ đăng báo đó”.

Hiện nay toàn TP có 600 tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hóa chất công nghiệp. Trong đó khá nhiều cơ sở kinh doanh hóa chất tập trung ở khu vực chợ Kim Biên, quận 5. Việc mua bán các loại hóa chất công nghiệp này rất dễ ràng khiến nhiều người sử dụng các loại hóa chất dùng trong công nghiệp này để sử dụng trong chế biến thực phẩm bị phát hiện rất nhiều trong thời gian qua và chợ Kim Biên được mệnh anh là chợ "Thần chết".

Nhằm tìm giải pháp sớm di dời chợ "Thần chết" và xây dựng trung tâm mua sắm hóa chất, hương liệu mới, vừa qua UBND TP tổ chức cuộc họp với các sở ngành. Dự kiến, thời hạn hoàn thiện đề án quy hoạch khu kinh doanh hóa chất tập trung trên địa bàn TP trước tháng 6/2016.

UBND TP cũng yêu cầu những trường hợp vi phạm trong việc buôn ban hóa chất cũng như sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm gây độc hại...nếu đủ yếu tố xử lý hình sự thì cần khẩn trương làm ngay để răn đe. Đối với trường hợp tái phạm nhập lậu hóa chất thì phải rút giấy phép ngay.

“Riêng người mua hóa chất phải xuất trình giấy CMND để đăng ký, người bán phải ghi nhận thông tin về người mua. Nếu người bán không chấp hành, khi người mua để xảy ra phạm pháp hình sự trong việc sử dụng hóa chất này, người phạm tội khai báo mua hóa chất ở địa chỉ nào thì người bán cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Việc mua bán hóa chất sẽ bị siết chặt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Hòa - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: sau cuộc họp với UBND TP, sở cho rà lại hết các quy định hiện hành, đối chiếu thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quản lý mua bán hóa chất ở nước ngoài để chỉnh sửa, ban hành quy định quản lý cho phù hợp và hiệu quả.

Rất nhiều vụ tạt axit đã để lại hậu quả nặng nề cho nạn nhân, trong đó thủ phạm đã mua axit dễ dàng với giá rẻ.

Chẳng hạn mới nhất là vụ tạt axit khiến hai nữ sinh H.T.T.T.H. (20 tuổi) và T.N.A.D. (21 tuổi) bị phỏng, trong đó H. bị phỏng độ 3 và độ 4, diện tích phỏng chiếm 75% vùng mặt, bị tổn thương mắt trái không thể phục hồi.

Về biện pháp kiểm tra CMND người mua, ông Hòa cho hay sở sẽ nghiên cứu kiểm tra CMND như thế nào, kiểm tra với đối tượng nào, mua lẻ hay sỉ.

Với trường hợp mua sỉ cho công ty, tổ chức, đơn vị thì có thể cần giấy giới thiệu của đơn vị kèm theo thông tin số lượng cần mua. Với việc bán lẻ hóa chất nguy hiểm thì yêu cầu người mua cần xuất trình CMND, người bán ghi nhận lại để báo cáo khi cần...

Ngoài ra, sở cũng có đề xuất về việc yêu cầu đóng gói, bao bì cẩn thận với hóa chất nguy hiểm. Ví dụ đóng gói hóa chất nguy hiểm theo quy cách với số lượng tối thiểu là bao nhiêu. Như thế cũng hạn chế được người mua lẻ, số lượng ít để có thể gây án, trả thù.

Theo luật sư Tôn Thất Hồ Nghị - Đoàn luật sư TP.HCM, pháp luật hiện hành quy định việc kiểm soát mua bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát của Bộ Công thương.

Ngoài ra, hiện nay pháp luật mới quy định một chiều, tức là quy định áp dụng cho đối tượng sản xuất kinh doanh hóa chất mà chưa có sự ràng buộc vào điều kiện của bên mua. Do đó cần phải ban hành các văn bản quy định về điều kiện áp dụng đối với bên mua.

Cụ thể, bổ sung quy định chỉ bán hóa chất độc cho tổ chức, không bán hóa chất độc cho cá nhân. Cá nhân và hộ gia đình chỉ được phép mua hóa chất thông thường. Khi tổ chức mua phải có hợp đồng nếu số lượng lớn, còn số lượng nhỏ phải có giấy giới thiệu.

Với người mua cá nhân thì cần xuất trình CMND, bên bán phải ghi nhận lại để thực hiện việc báo cáo. Đồng thời phạt thật nặng và tước giấy phép bất cứ cơ sở mua bán nào không chứng minh nguồn gốc, nhập hóa chất độc hại.

Theo Ngọc Bích (tiêu dùng 24g)