'Nghệ thuật' dùng tiền của Trung Quốc với các nước giàu-nghèo

Với mỗi nước giàu, nghèo khác nhau, Trung Quốc có những cách chơi khác nhau, nhưng nó đều chung một mục đích: "Giấc mơ Trung Hoa".

Từ câu chuyện bán sân bay Toulouse

Thời gian vừa qua, cả nước Pháp nhốn nhào về thông tin chính phủ nước này quyết định bán một nửa sân bay địa phương Toulouse. Và người mua nó là gã nhà giàu quen thuộc: Trung Quốc.

Thông tin một tập đoàn quốc tế của Trung Quốc mua sân bay Toulouse được công bố ngày 4/12, và một tuần sau đó, Paris tuyên bố họ sẽ tiếp tục "tư nhân hóa" hai sân bay là Lyon và Nice - những sân bay mang đầy tính "nhạy cảm."

Và Bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron cũng chẳng ngại giấu giếm về khả năng Pháp sẽ tiếp tục để các nhà đầu tư Trung Quốc mua những cổ phần này nếu "họ có tiền, có kế hoạch mở thêm những tuyến bay thẳng." Chính phủ Pháp cũng hé mở về khả năng bán thêm cổ phần của một số công ty điện lực lớn và công ty xổ số.

Người Pháp lập tức có những chỉ trích đến hành động này của chính phủ. Những thăm dò dư luận từ người dân của truyền thông Pháp cho biết họ không muốn Trung Quốc sở hữu những sân bay này. Họ e ngại việc người tiêu dùng sẽ bị bắt chẹt với giá dịch vụ lên cao, hoặc chất lượng dịch vụ sẽ giảm sút. Điều này đã được minh chứng qua nhiều trường hợp với những danh từ mang tính kinh điển kiểu như "chất lượng Trung Quốc", "dịch vụ Trung Quốc"...

trung quốc thao túng quyền lực
Sân bay Toulouse mà Pháp đã bán một nửa cho tập đoàn của Trung Quốc

Chính phủ Pháp đã trấn an dư luận bằng việc cam kết không bao giờ để các doanh nghiệp tư nhân kiểm soát quá bán (50,01%) giá trị của những sân bay này. Tuy nhiên, giới chính trị gia cũng lập tức lên tiếng phản đối các quyết định của Paris, kể cả cánh tả hay cánh hữu.

"Thà rằng bán cho những đối tác châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản còn hữu lý hơn bán cho Trung Quốc. Tôi lo ngại về những vấn đề môi trường và các tác động khó lường khác" - Nghị sĩ Bernard Keller nhận định.

Còn Thượng nghị sĩ Pháp, bà Marie-Noëlle Lienemann chỉ trích: "Bộ trưởng kinh tế đang nghĩ ông ta điều hành Hy Lạp, nơi mà chính phủ bán mọi cảng biển cho Trung Quốc để nhanh chóng khỏa lấp những lỗ thủng trong ngân sách."

Tuy nhiên, đây là cuộc chơi tài chính, một cách công bằng, ai có tiền, người đó được phép mua thứ đã được rao bán. Đó là cách chơi sòng phẳng của người phương Tây, và Trung Quốc hiểu rõ cách chơi đó.

Họ có tiền, và họ mua thứ muốn mua. Tất nhiên Paris sẽ có nhưng giao kèo đi kèm, nhưng điều chắc chắn rằng Bắc Kinh có cơ hội phát triển kinh tế với những sân bay đó. Ví dụ việc mở đường bay thẳng sẽ khiến họ kiếm lời từ nhu cầu đi du lịch nước ngoài ngày càng gia tăng của dân Thượng Hải hay Bắc Kinh.

Nhưng nhiều người Pháp không thích Trung Quốc, họ lo ngại các kỹ sư, nhà khoa học hàng không sẽ nhòm ngó công nghệ máy bay Airbus (trụ sở chính tại Toulouse).

trung quốc thao túng quyền lực
Một cảng biển của Hy Lạp hiện đang là sở hữu của tập đoàn Trung Quốc

Họ lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng quyền sở hữu của họ với các sân bay này để có những áp đặt, chi phối, chèn ép. Kinh nghiệm của Hy Lạp với việc bán hải cảng cho Trung Quốc đủ để chứng tỏ song song với những lợi ích kinh tế, Bắc Kinh còn muốn kiểm soát những lịch vực mang tính yết hầu của một quốc gia, từ đó đòi hỏi các yêu sách khác.

Tuy nhiên, đây là cách chơi đồng tiền, và Trung Quốc tất nhiên, họ là những người có tiền. Mọi thứ đều sòng phẳng. Quyết định là của Paris, của người bán.

Với các nước nghèo?

Đó là cách chơi của Bắc Kinh với những nước giàu có. Các quốc gia thuộc châu lục ánh sáng, châu lục văn minh như Pháp chắc chắn không khốn khó đến mức phải "cắt đất bán dần" cho Trung Quốc. Đó là lý do vì sao đồng tiền của Bắc Kinh chỉ có thể dừng lại ở những thỏa thuận kinh tế đàng hoàng, được quy định từ các hợp đồng tài chính.

Còn việc Trung Quốc xử lý ra sao với những hợp đồng đó, với những tài sản mua về đó, sẽ còn là câu chuyện dài phía sau, nhưng chắc chắn họ sẽ kiếm lời, trước mắt là kinh tế, sau này có là chính trị hay không, còn phải chờ vào những nước cờ tiếp theo.

Nhưng có điều có thể khẳng định rằng, Trung Quốc càng giàu, càng nắm giữ nhiều tài sản của châu Âu, càng kiểm soát các lĩnh vực yết hầu, thì Trung Quốc càng tiến sát đến ngôi vị cường quốc số một thế giới.

Còn với những nước nghèo, đồng tiền của Trung Quốc có một uy lực đáng sợ hơn rất nhiều. Thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tiếp công bố các hợp đồng đường sắt trên toàn thế giới. Mỗi lục địa, mỗi quốc gia đầu tàu của các khu vực chậm phát triển như Mỹ Latinh, châu Phi, Đông Nam Á... Bắc Kinh đều có những dự án đường sắt.

trung quốc thao túng quyền lực
Công nhân Trung Quốc ngập tràn châu Phi, đặc biệt trong các dự án về năng lượng, khoáng sản

Sở dĩ các quốc gia như Nigeria, Mexico, Nam Phi, Brazil, Myanmar, Lào, Cuba... muốn hợp tác với Trung Quốc bởi đơn giản, Bắc Kinh sẽ chi toàn bộ, hoặc phần lớn vốn đầu tư cho các dự án đó. Đổi lại, họ có quyền khai thác, quyền thu lời, hoặc chí ít, họ xuất khẩu được công nghệ, công nhân...

Cần nhớ rằng mọi hợp đồng của Trung Quốc đều nhằm vào những khu vực đầy "nhạy cảm". Ví dụ như ở Nigeria, tuyến đường sắt mà Trung Quốc đang xây dựng sẽ trải dọc sườn Đông quốc gia này, nơi có nhiều tài nguyên và kinh tế giàu có nhất.

Áp đặt, chi phối, và lệ thuộc sẽ là kịch bản với những nước nghèo mà Bắc Kinh nhắm tới khi sử dụng đồng tiền. Cách chơi này của Trung Quốc đã trở thành quen thuộc, khiến nhiều quốc gia khi nhận ra mình đang đứng trên miệng hố, sẽ phải vất vả để "thoát Trung".

Nghệ thuật dùng tiền mà Trung Quốc đang sử dụng phải nói rằng hiệu quả, hiệu quả đến mức nó có thể điều khiển, áp đặt cả những nước siêu cường như Nga. Và cần nhớ, với tư tưởng của những nước như Trung Quốc, đến "nghệ thuật" cũng phải có định hướng, và cách dùng tiền này chỉ có một đích nhắm duy nhất là giấc mơ về một Đại Trung Hoa.

Theo Đỗ Minh Tú (ĐV)