Rác vẫn ngập trên nhiều tuyến kênh

Vài năm trở lại đây chính quyền thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các công trình cải tạo kênh rạch nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho đô thị. Tuy nhiên, chỉ vì ý thức kém của một số người mà đến nay chủ trương này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Đáng nói hơn, nhiều tuyến kênh đang dần bị “bức tử” do tình trạng xả rác bừa bãi.

Kênh Hiệp Tân ngập rác

Từng được xem là một trong những tuyến đường đẹp của quận Tân Phú thế nhưng hiện nay kênh Hiệp Tân (nằm trên đường Tô Hiệu, kéo dài từ Phan Anh đến Hòa Bình) bị ô nhiễm từng ngày do tình trạng xả rác bừa bãi của người đi đường cũng như một số hộ sinh sống gần đó.

Có mặt tại P.Tân Thới Hòa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi dòng nước xanh trong ngày nào giờ đã chuyển màu trong đủ loại rác thải, từ chai nhựa, hộp mút xốp đến rác sinh hoạt hàng ngày. Thỉnh thoảng một số xe hàng rong đẩy qua khu vực này cũng vô tư quăng rác xuống kênh.

xả rác thải gây ô nhiễm

Trong khi đó, đoạn kênh phía sau Xí nghiệp chế biến thực phẩm Cầu Tre (P14Q6) từ lâu cũng đã ô nhiễm nặng nề. Mỗi khi trời mưa, dòng nước đen ngòm từ lòng kênh tràn lên mặt đường Tô Hiệu khiến mùi hôi thối bao trùm cả khu vực. Mặc dù chính quyền địa phương đã dựng biển báo cấm đổ rác nhưng tình trạng vẫn y như cũ.

Con rạch nhỏ ở hẻm 150 Tân Hòa Đông cũng chung cảnh ngộ: bị thảm rác che phủ. Người dân sinh sống trong khu vực cho biết, trước đây cơ quan chức năng nhiều lần tổ chức nạo vét, thu gom rác trên con rạch này, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì đâu lại vào đấy!

Ngoại trừ một số tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé... được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo, hầu hết các tuyến kênh trên địa bàn thành phố vẫn đang “ngắc ngoải” chờ kinh phí!

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm kênh rạch hiện nay, các chuyên gia cho rằng có năm nguồn thải chính từ sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, y tế và từ những bãi rác, trong đó rác thải sinh hoạt chiếm cao nhất, gần 1,2 triệu m³/ngày! Trên thực tế để giải quyết tình trạng này, một số địa phương chủ trương lấp kênh để lắp đặt cống hộp, tuy nhiên về lâu dài biện pháp ấy không thể giải quyết được vấn đề bởi sau khi lắp cống mà người dân vẫn xả bừa bãi thì rác lại chảy xuống cống khiến tình trạng càng nan giải hơn.

Bên cạnh đó, biện pháp này cũng đi ngược lại chủ trương giữ hệ thống kênh hở của chính quyền thành phố. Hiện nay, mặc dù thành phố đã xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải để cải thiện chất lượng nguồn nước tuy nhiên nhu cầu thực tế lại lớn hơn rất nhiều so với công suất hoạt động nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Trước thực trạng trên, một số ý kiến cho rằng cần nhanh chóng thay đổi cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý để kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn vốn doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, sau đó rút ngắn thủ tục hành chính trong việc thẩm định, phê duyệt, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án khiến nhà đầu tư nản lòng.

Mặt khác, UBND thành phố cần ban hành các quy định cụ thể như: khung hình phạt đối với những trường hợp xả rác thải bừa bãi nơi công cộng, lực lượng nào chịu trách nhiệm xử phạt, tổ chức khen thưởng người dân phát hiện vi phạm...

Đối với chính quyền địa phương, cần bổ sung chức năng tự quản về môi trường cho tổ dân phố nhằm phát huy vai trò trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các hộ sống ven kênh rạch, để cùng góp phần hồi sinh những dòng kênh đang hấp hối. 

 
Theo NHƯ QUỲNH (CATP)