Sử dụng kháng sinh thường xuyên có nguy cơ dẫn tới viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc là trường hợp viêm nghiêm trọng của đại tràng thường liên quan đến vi khuẩn Clostridium difficile, bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên việc sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày sẽ có nguy cơ cao dẫn tới căn bệnh này.

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện với triệu chứng khó thở nhẹ, ho nhiều khi nằm, kèm theo đại tiện phân lỏng gần 1 tháng nay, phân lẫn nhầy, liên tục khó cầm, gầy sút gần 10 kg/1 tháng, bệnh nhân suy kiệt nhiều. Hình ảnh CTscan của bệnh nhân cho thấy có tràn dịch cả màng phổi và ổ bụng. Qua khai thác bệnh sử phát hiện bệnh nhân có phẫu thuật vết thương thấu bụng 2 tháng trước và được điều trị kháng sinh sau phẫu thuật (có kháng sinh nhóm cefalosporin) kết hợp với lâm sàng bệnh nhân cùng với một số xét nghiệm chẩn đoán, nội soi đại tràng, khoa kết luận bệnh nhân bị viêm đại tràng giả mạc (Pseudomembranous Colitis).

Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ điều trị của viêm đại tràng giả mạc kết hợp với bổ sung dinh dưỡng tích cực, chọc hút dịch ổ bụng. Sau 3 ngày, bệnh nhân đáp đứng tốt, dịch màng phổi, ổ bụng giảm, đại tiện phân lỏng giảm. Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện rất sớm, chỉ sau khi sử dụng thuốc kháng sinh từ 1 đến 2 ngày, nhưng cũng có thể rất lâu sau khi đã kết thúc sử dụng kháng sinh, tới hàng tháng (hoặc thậm chí lâu hơn) bệnh mới khởi phát.

su-dung-khang-sinh-thuong-xuyen-co-nguy-co-dan-toi-viem-dai-trang-gia-mac

Sử dụng kháng sinh thường xuyên có nguy cơ dẫn tới viêm đại tràng giả mạc. Ảnh minh họa

Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi có loại vi khuẩn nhất định (thường là C. difficile) phát triển quá nhanh, lấn át các loại vi khuẩn khác. Số lượng các độc tố do vi khuẩn C. difficile tiết ra cũng vì thế mà tăng cao hơn hẳn, gây tổn thương tới đại tràng. Mặc dù loại kháng sinh nào cũng có nguy cơ gây ra viêm đại tràng giả mạc, nhưng trên thực tế có một số loại kháng sinh có mối liên hệ với viêm đại tràng giả mạc nhiều hơn so với những loại khác, bao gồm: Fluoroquinolone, chẳng hạn như ciprofloxacin (Cipro) và levofloxacin, Penicillin, chẳng hạn như amoxicillin và ampicillin, Clindamycin (Cleocin), Cephalosporin, chẳng hạn như cefixime (Suprax). Bên cạnh kháng sinh, việc sử dụng các thuốc điều trị khác đôi khi cũng gây ra viêm đại tràng giả mạc. Các thuốc sử dụng trong hóa trị để điều trị ung thư cũng có khả năng làm mất sự cân bằng bình thường của hệ vi khuẩn trong đại tràng.

Viêm đại tràng giả mạc do nhiễm Clostridium difficile (CDI) là một trong những nhiễm trùng bệnh viện phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong nhiều ở bệnh nhân lớn tuổi. CDI ngày càng được chẩn đoán nhiều ở lứa tuổi trẻ và trong cộng đồng, vi khuẩn Clostridium difficile xâm lấn hệ vi sinh vật đường ruột bình thường sau khi bị phá vỡ (thường liên quan đến sau điều trị nghiệm pháp kháng sinh). Biểu hiện của CDI có thể từ không triệu chứng đến tổn thương nặng nề như phình đại tràng nhiễm độc. Các triệu chứng hay gặp nhất là đại tiện phân lỏng, nhiều nước, nhầy, đau bụng, mất nước điện giải làm cho bệnh nhân suy kiệt nhanh chóng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ ngày càng nặng nề. Đau bụng (có thể đau quặn, âm ỉ hoặc thành cơn); sốt cao, có thể lên đến 39-40 độ C. Từ ca bệnh trên, các bác sĩ lưu ý người dân cần cẩn trọng về mối nguy hiểm đối với việc sử dụng kháng sinh điều trị dài ngày và việc khai thác bệnh sử, diễn biến bệnh, phân tích các triệu chứng và yếu tố nguy cơ và nội soi cũng đóng góp phần quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

Theo VietQ