Tiền sẽ chảy vào đâu?

Theo quy luật tự nhiên, nước thì chảy chỗ trũng, còn theo quy luật kinh tế thị trường, đồng tiền sẽ chảy vào chỗ có thể sinh lời cao nhất. Vậy tới đây, đồng tiền sẽ chảy vào đâu?

Ngược chiều chứng khoán và bất động sản

Có thể thấy đến hết tháng 7, hai kênh được coi là đầu tư thực thụ, có tốc độ tăng giá cao đáng quan tâm là chứng khoán và bất động sản (BĐS). Và trong lịch sử, trạng thái xu hướng biến động giá ở 2 kênh này có quan hệ với nhau.

Tiền sẽ chảy vào đâu?
Theo dõi thông tin đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tháng 7/2000, thị trường chứng khoán ra đời, ngay lập tức 6 tháng sau đã tăng lên 206,8 điểm và cuối năm 2001 lên 235,7 điểm, tức là cao hơn gấp đôi khi mới ra đời. Khi chứng khoán lên đỉnh này thì thị trường BĐS đang ở mức đáy sau cơn sốt đầu tiên (1994 - 1995) khoảng 6 năm. Sau khi lên đỉnh, chứng khoán đã giảm và xuống đáy cuối năm 2002, 2003 (tương ứng với điểm số 183,3 và 166,9), thì BĐS bước vào cơn sốt thứ hai (với tốc độ tăng thậm chí lên đến hàng chục lần). Từ năm 2004, chỉ số chứng khoán đi lên (cuối năm 2004 đạt 239,3 điểm, cuối năm 2005 đạt 307,5 điểm, cuối năm 2006 đạt 751,8 điểm, đạt đỉnh điểm (1.175 điểm) vào đầu tháng 2/2007. Trong khoảng thời gian này, thị trường BĐS lại lao dốc và nằm im trong nhiều năm. Khi chứng khoán vượt qua đỉnh điểm được một năm và sang dốc bên kia vào tháng 2/2007 thì BĐS ấm, nóng và bước vào cơn sốt thứ 3, bắt đầu từ tháng 3/2007, lên đỉnh điểm vào tháng 3/2008. Với gói kích cầu có quy mô lớn (lên đến gần 10 tỷ USD), kéo theo một lượng tín dụng khổng lồ (khoảng 430.000 tỷ đồng) ra lưu thông, làm cho thị trường chứng khoán thoát đáy, bật lên, đạt 494,8 điểm vào cuối năm 2009 và giảm còn 484,7 điểm vào cuối năm 2010. Thị trường BĐS ấm nóng trở lại, nhưng không trở thành cơn sốt thực sự. Khi gói kích cầu kết thúc, thì chứng khoán 2010 bị sụt giảm, điểm số vào cuối năm 2011 chỉ còn 351,5 điểm; Thị trường BĐS cũng bị sụt giảm theo, cùng với sự sụt giảm của tăng trưởng tín dụng và điểm số trên thị trường chứng khoán. Nhưng sau đó, thị trường chứng khoán đã tăng điểm liên tục trong hơn 3 năm, trong khi thị trường BĐS lại rơi vào nguội lạnh, chỉ ấm lên vào đầu 2015 khi có nhiều yếu tố tác động, như lượng vốn vào thị trường với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao gấp 2 - 3 lần cùng kỳ, với các gói tín dụng, với yêu cầu giảm nợ xấu… Khi chứng khoán tăng từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7, thị trường BĐS giảm “độ ấm”.

Từ quá khứ, có thể rút ra thực tế thị trường chứng khoán lên thì thị trường BĐS xuống, thị trường chứng khoán xuống thì BĐS lên (tất nhiên mỗi thị trường còn có những yếu tố tác động riêng).

“Sóng” bất động sản không còn xa

Chứng khoán tính đến cuối tháng 7/2015 so với cuối năm 2014 đã tăng khoảng 15%, tuy thấp hơn tốc độ tăng của năm 2012 (17,7%), năm 2013 (22%), nhưng đã cao hơn của năm 2014 (8,1%) và gấp hơn 2 lần lãi suất gửi tiết kiệm tính theo năm. Thời gian gần đây, chứng khoán đã trồi, sụt mạnh.

Dù đỉnh điểm có thể cao hơn mức đã đạt được trong năm (630 điểm), nhưng dự đoán cuối năm nay so với cuối năm trước cũng chỉ tăng trên dưới 15%. Theo đó, khi vượt qua đỉnh này sang dốc bên kia, thị trường BĐS sẽ ấm, nóng và sẽ bước vào cơn sốt thứ tư, có thể bắt đầu từ cuối năm 2015 và 2016.

Do chứng khoán xuống sẽ có một lượng vốn không nhỏ từ thị trường này chuyển sang kênh đầu tư BĐS. Ngoài ra, sức nóng của thị trường BĐS còn do một số yếu tố khác nữa. Đó là tính chu kỳ tăng giá BĐS. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BĐS đã bắt đầu tăng lên.

Đây là tín hiệu chứng tỏ BĐS đã được các nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nhắm đến trong thời gian tới đây. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay đã vượt 7%, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước và sẽ khá lên trong thời gian tới khi lạm phát thấp.

Một số phân khúc, một số địa bàn, loại sản phẩm, một số vị trí, số giao dịch và giá cả đã tăng khá. Một số khác còn đứng giá để kích thích và thu hút nhà đầu tư, người có nhu cầu thực tranh thủ thời cơ đưa tiền vào thị trường BĐS. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, các ngân hàng thương mại ngày một nhận ra rằng,

BĐS đang là điểm nghẽn cần tác động để vừa góp phần khắc phục các điểm nghẽn khác (như nợ xấu), vừa góp phần phục hồi tăng trưởng. Người nước ngoài, Việt kiều sau khi được phép mua nhà tại Việt Nam sẽ tranh thủ lúc giá còn thấp để mua nhằm đón cơ hội giá BĐS sẽ tăng.

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào BĐS tăng. Hiện nay, cung BĐS cũng đang tăng lên, tưởng rằng sẽ làm giá BĐS giảm, nhưng đó lại là sự tranh thủ đón đầu cơ hội tăng giá của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, có thể dự đoán, cơn nóng sốt lần này, tốc độ tăng giá khó đạt hàng chục lần vì số gốc so sánh đã khá cao. Nhà đầu tư cũng cần rút kinh nghiệm để phòng tránh tình trạng bong bóng như mấy cơn sốt trước.

Theo Đức Minh (KTĐT)