Tin sáng 8/1: Xác định 'thủ phạm' khiến loạt ô tô bị nổ lốp trên cầu Thanh Trì; có bao nhiêu đợt không khí lạnh từ nay đến Tết Nguyên đán 2024?

Cơ quan chức năng xác định những mảnh kim loại rơi vãi trên cầu Thanh Trì vào chiều tối 5/1 là từ một phương tiện đánh rơi, chứ không phải có đối tượng cố ý rải đinh trên cầu; chuyên gia khí tượng nhận định không khí lạnh từ nay đến Tết Nguyên đán 2024 cường độ nhẹ.

Xác định "thủ phạm" khiến loạt ô tô bị nổ lốp trên cầu Thanh Trì

tin-sang-8-1-xac-dinh-thu-pham-khien-loat-o-to-bi-no-lop-tren-cau-thanh-tri-co-bao-nhieu-dot-khong-khi-lanh-tu-nay-den-tet-nguyen-dan-2024

Hàng loạt ô tô bị thủng lốp trên cầu Thanh Trì hôm 5/1 (Ảnh: Vân Anh).

Sáng 7/1, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Đội CSGT đường bộ số 14 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã xác định được "thủ phạm" khiến loạt ô tô bị nổ lốp trên cầu Thanh Trì.

Theo vị đại diện, chiều 5/1, Đội CSGT đường bộ số 14 tiếp nhận thông tin, tại đoạn đường qua khu vực cầu Thanh Trì hướng từ nội thành sang huyện Gia Lâm (Hà Nội), có một số ô tô bị rách, thủng lốp, do đâm phải những miếng kim loại trên mặt cầu.

"Sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã đến hiện trường để phân luồng giao thông, phối hợp với công nhân vệ sinh môi trường và nhân viên bảo vệ cầu quét dọn sạch các miếng kim loại. Đồng thời, thông tin đến kênh VOV giao thông để hướng dẫn các phương tiện tạm thời tránh lưu thông lên cầu Thanh Trì để giảm ùn ứ và hỗ trợ các phương tiện bị hỏng lốp", vị đại diện thông tin.

Vị đại diện Đội CSGT đường bộ 14 cũng cho biết, qua xác minh, có khoảng 5-6 ô tô bị các miếng kim loại chọc thủng lốp. Đây không phải là việc cố ý rải đinh để gây rách, thủng lốp xe mà do các mảnh kim loại bị rơi ra trong quá trình vận chuyển từ một phương tiện chuyên chở khác.

Cũng theo vị này, Đội CSGT đường bộ số 14 đang phối hợp với Công an quận Hoàng Mai tiếp tục xác minh sự việc nêu trên.

Có bao nhiêu đợt không khí lạnh từ nay đến Tết Nguyên đán 2024?

tin-sang-8-1-xac-dinh-thu-pham-khien-loat-o-to-bi-no-lop-tren-cau-thanh-tri-co-bao-nhieu-dot-khong-khi-lanh-tu-nay-den-tet-nguyen-dan-2024

Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn

Nền nhiệt trong những ngày qua ở Bắc Bộ không ở mức quá thấp. Thời tiết đồng bằng Bắc Bộ chỉ rét về đêm và sáng với nhiệt độ thấp nhất khoảng 17 - 20 độ C. Trong ngày, trời lạnh với nhiệt độ cao nhất khoảng 24 - 26 độ C.

Thông tin trên Lao động, TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai - nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán 2024 có thể có 2 đợt không khí lạnh cường độ nhẹ.

Đợt gió mùa đông bắc gần nhất khả năng vào khoảng ngày 10.1 - 12.1. Đợt tiếp theo rơi vào tiết Đại hàn ngày 21.1 và kéo dài tới giáp Tết Nguyên đán 2024. Cả hai đợt không khí lạnh cường độ nhẹ nên nền nhiệt không xuống quá sâu.

Vào tuần cuối năm âm lịch có thể có mưa phùn ở phía bắc và miền Trung. Tuy nhiên, bắt đầu những ngày đầu năm mới 2024, thời tiết có xu hướng ấm dần lên.

Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Huy, nhiệt độ tháng 1.2024 có xu hướng cao hơn từ 1 - 1,5 độ C so với trung bình cùng thời kỳ của các năm trước. Nhiệt độ tháng 2 năm 2024 (trừ tuần đầu tiên) có xu hướng cao hơn từ 1,5 - 2 độ C so với trung bình cùng thời kỳ.

Song cần đề phòng có đợt lạnh ngắn và đột ngột có thể gây mưa đá trong dịp cuối năm và đầu năm mới ở các tỉnh phía bắc. Nguyên nhân do nền nhiệt được nung nóng giai đoạn dài khi có không khí lạnh mạnh đột ngột về sẽ tạo chênh lệch áp suất ở các tầng khí quyển kết hợp hơi ẩm nóng bốc hơi gặp không khí lạnh ngưng tụ ở các tầng khí quyển cao.

Khu vực TPHCM, miền Đông Nam Bộ có khả năng cao sẽ đón một thời gian nắng nóng kéo dài đến Tết Nguyên đán. Vì vậy, cần đề phòng hạn hán và xâm nhập mặn có thể xảy ra ngay sau Tết.

Nhà thiết kế tung tin làm show thời trang ở ga Metro: Sở TT&TT TP.HCM vào cuộc

tin-sang-8-1-xac-dinh-thu-pham-khien-loat-o-to-bi-no-lop-tren-cau-thanh-tri-co-bao-nhieu-dot-khong-khi-lanh-tu-nay-den-tet-nguyen-dan-2024

Nhà thiết kế thông tin việc tổ chức show thời trang tại ga ngầm Nhà hát TP.HCM

Chiều 6/1, trả lời VTC News, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Nguyễn Ngọc Hồi cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về việc hai nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng (thương hiệu thời trang Vu Ngọc và Son) công bố sẽ tổ chức show diễn thời trang tại ga Metro Nhà hát TP.HCM.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, theo xác nhận của cơ quan cơ quan có thẩm quyền, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM không nhận được hồ sơ và cũng không chấp thuận cấp phép biểu diễn cho show thời trang của nhà thiết kế Vũ Ngọc và Son tại ga Metro Nhà hát TP.HCM. Do đó, trong trường hợp hai nhà thiết kế cung cấp thông tin trên sẽ bị xem xét hành vi "Thông tin sai sự thật".

"Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ phối hợp cùng với các đơn vị chức năng có liên quan để thực hiện việc xử lý theo đúng quy định của pháp luật, thông tin cụ thể về vụ việc sẽ cung cấp sau", ông Hồi nói.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, theo Khoản 1 Điều 38 Luật Báo chí quy định thì việc hai nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng (thương hiệu thời trang Vu Ngọc và Son) cung cấp thông tin về việc tổ chức show diễn thời trang tại ga Metro Nhà hát TP.HCM sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Chiều 5/1, trả lời phóng viên VTC News, nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú, đại diện thương hiệu thời trang Vũ Ngọc và Son cho biết, trước đó ê-kíp dự kiến sẽ tổ chức show diễn tại ga tàu điện ngầm Nhà hát TP.HCM.

Tuy nhiên, thời điểm diễn ra buổi họp báo công bố thực hiện show diễn thời trang tại ga tàu điện ngầm Nhà hát TP.HCM, ê-kíp sản xuất vẫn chưa hoàn tất hồ sơ xin cấp phép biểu diễn cho Sở VH&TT.

Nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú cho biết: "Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và chờ giấy phép từ Sở VH&TT rồi mới công bố địa điểm diễn ra show diễn".

Sau khi nhận được phản hồi từ Sở VH&TT TP.HCM về việc không đồng ý địa điểm tổ chức, hai NTK đã nhanh chóng đổi địa điểm diễn, thời gian và nội dung show diễn vẫn sẽ được giữ nguyên để không làm ảnh hưởng tới khách mời và các bên liên quan.

Cộng đồng Phú Quốc giúp du khách ngoại quốc tìm điện thoại bị mất

tin-sang-8-1-xac-dinh-thu-pham-khien-loat-o-to-bi-no-lop-tren-cau-thanh-tri-co-bao-nhieu-dot-khong-khi-lanh-tu-nay-den-tet-nguyen-dan-2024

Người đàn ông ngoại quốc cầm tờ giấy ghi tiếng Việt đi khắp các tuyến đường trung tâm TP Phú Quốc với hy vọng ai đó tìm thấy chiếc điện thoại bị đánh rơi

Theo Người lao động, những ngày qua, cộng đồng mạng ở TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã tích cực chia sẻ thông tin nhằm giúp một nam du khách ngoại quốc tìm lại chiếc điện thoại bị mất nhưng chưa có kết quả.

Du khách tên Yonatan cho biết anh đã đánh rơi chiếc điện thoại hiệu Samsung A73 vào buổi chiều 3-1 khi đang dạo chơi tại khu vực phường Dương Đông, TP Phú Quốc.

Thất vọng trước sự mất mát, Yonatan đã tự mình tìm kiếm điện thoại trong khu vực quanh khu chợ, cũng như liên hệ với công an địa phương. Tuy nhiên, việc tìm kiếm không mang lại kết quả khả quan nào.

Một vài người dân địa phương đã cố gắng giúp Yonatan tìm chiếc điện thoại bị mất bằng cách ghi những dòng tiếng Việt vào một tờ giấy cho anh mang đi dọc theo các tuyến đường ở phường Dương Đông với hy vọng ai đó tìm thấy nó và trả lại.

"Đã 4 ngày trôi qua, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không tìm thấy chiếc điện thoại. Tôi hy vọng rằng ai đó sẽ tìm thấy nó và trả lại cho anh ấy, ít nhất là để anh ấy có thể giữ được những kỷ niệm của chuyến du lịch này"- chị Võ Lễ, người tích cực đăng thông tin giúp Yonatan tìm lại chiếc điện thoại bị mất, chia sẻ.

Nhiều người đồng cảm trước câu chuyện của Yonatan nên ngỏ ý tặng anh chiếc điện thoại khác để anh làm công cụ liên lạc trong lúc chờ đợi và hy vọng vào một kết quả tích cực. Tuy nhiên, kể từ khi họ đăng thông tin giúp Yonatan tìm lại chiếc điện thoại đến nay vẫn chưa thấy du khách này quay lại và cũng không biết phải liên hệ với anh ta bằng cách nào.

Chuyển hồ sơ vụ ô tô tải chèn ngã xe máy ở Hà Nội sang cơ quan điều tra

tin-sang-8-1-xac-dinh-thu-pham-khien-loat-o-to-bi-no-lop-tren-cau-thanh-tri-co-bao-nhieu-dot-khong-khi-lanh-tu-nay-den-tet-nguyen-dan-2024

Hiện trường sự việc (Ảnh: Cắt từ clip).

Liên quan đến vụ ô tô tải chèn ngã 2 người đi xe máy xảy ra ngày 16/12/2023, tại đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), sáng 7/1, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thanh Trì.

Theo vị đại diện, thời điểm chuyển hồ sơ vụ việc, tài xế xe tải vẫn chưa tới Đội CSGT đường bộ số 7 để làm việc.

Còn anh H.M.H. (tài xế xe ôm công nghệ bị ô tô tải chèn ngã) cho biết, các đây vài hôm, anh nhận được thông tin vụ việc của mình đã chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Hôm 18/12/2023, anh H.M.H. cùng chị N. (hành khách được anh H. chở) đã lên Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) để trình báo sự việc, cơ quan chức năng đã tiến hành thực nghiệm hiện trường. Để phục vụ công tác điều tra, xe máy của anh H. bị tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh tài xế xe tải cố tình chèn ngã 2 người đi xe máy trên đường Nguyễn Xiển rồi bỏ chạy.

Theo hình ảnh trong clip, chiếc xe ôm công nghệ mang BKS 21B2-124.xx đang chở theo một nữ hành khách lưu thông theo hướng từ ngã tư Khuất Duy Tiến đi Linh Đàm. Khi đi đến địa điểm nêu trên, xe máy này bất ngờ bị ô tô tải màu trắng (chưa rõ biển kiểm soát và người điều khiển) tạt đầu chèn ngã xuống đường.

Đáng nói, sau khi xảy ra va chạm, tài xế xe tải không dừng lại mà tiếp tục điều khiển phương tiện đi thẳng, bỏ mặc 2 nạn nhân trên đường.

Anh H.M.H., tài xế xe ôm công nghệ cho biết, thời điểm xảy ra sự việc là lúc 10h52 ngày 16/12. Khi đó anh H. đang điều khiển xe máy, bất ngờ nghe thấy tài xế ô tô màu trắng bấm còi ở phía sau.

Theo anh H., lúc đó anh bị giật mình rồi quay lại hỏi tài xế xe tải đi đứng kiểu gì thế, thì bị tài xế ô tô tải chửi. Sau đó, tài xế ô tô tải đã dọa rồi đâm vào xe máy anh H.

Những thay đổi trong phần mềm mô phỏng thi giấy phép lái xe

tin-sang-8-1-xac-dinh-thu-pham-khien-loat-o-to-bi-no-lop-tren-cau-thanh-tri-co-bao-nhieu-dot-khong-khi-lanh-tu-nay-den-tet-nguyen-dan-2024

Học viên căng thẳng trải qua phần thi mô phỏng các tình huống giao thông

Trên Vietnamnet thông tin, Cục Đường bộ Việt Nam đã cập nhật phần mềm mới cho các Sở GTVT, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch. Học viên sẽ được thi trên phần mềm mới này từ ngày 1/2 tới đây.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, so với phần mềm đồ họa trước, Cục đã điều chỉnh lại một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để nâng cao chất lượng hình ảnh, giúp người học dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn.

Với phần mềm ôn tập, Cục Đường bộ đã cập nhật thêm 3 tính năng, bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết.

Phần mềm cũng bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống Trước/Sau và Hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống.

Đối với phần "THI THỬ", phần mềm được thiết kế với giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen. Điều này không gây bỡ ngỡ cho học viên khi chính thức làm bài thi.

Đối với phần mềm sát hạch, theo nhiều trung tâm đào tạo sát hạch, đã khắc phục hầu hết những bất cập mà các đơn vị phản ánh thời gian vừa qua.

Theo đó, ở phần mềm mới, sẽ tăng thời gian đếm ngược (nghỉ) giữa các tình huống từ 3s lên 10s để học viên có thêm thời gian chuẩn bị; Điều chỉnh để học viên không click đúp vào phần video; Khi mở phần mềm thì giao diện chiếm toàn màn hình giúp học viên dễ quan sát…

Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc kéo dài mốc thời gian chấm điểm (từ mốc 5đ đến mốc 0đ) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác bàn phím máy tính.

Ở phần mềm cũ, việc xử lý sớm tình huống nguy hiểm sẽ bị điểm 0. Đây là tình huống gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua.

Bà Trần Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ (TP.HCM) từng trả lời PV VietNamNet rằng, kỹ năng lái xe và cách xử lý của mỗi cá nhân sẽ khác nhau, vì thế, không thể có một mẫu số chung để quy cho tất cả các cá nhân nhằm yêu cầu phải xử lý giống hệt nhau đến từng giây khi tham gia giao thông thực tế.

Bà Thảo dẫn chứng về một tình huống giao thông sắp xảy ra nguy hiểm, đối với cá nhân có khả năng nhạy bén sẽ xử lý tình huống vào thời điểm an toàn vừa đủ và đúng lúc với thời gian yêu cầu đạt điểm tối đa theo bài thi.

Thế nhưng, đối với người có tính cách cẩn thận hay lớn tuổi, họ sẽ xử lý sớm hơn một chút và họ chạy chậm lại từ xa. Tuy nhiên, với trường hợp này khi chấm điểm sẽ bị trượt.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Bắc Hà (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, hoàn toàn thống nhất với những sự thay đổi trong phần mềm mới vừa được Cục Đường bộ cập nhật.

Ông Nghĩa từng có ý kiến về cách tính thang điểm "rất cứng nhắc" ở phần mềm cũ khi áp dụng theo trình tự: 5-4-3-2-1. Học viên chỉ cần bấm sớm hơn 1 giây cũng sẽ bị điểm 0. Ông kiến nghị nên thiết kế thang điểm để trong trường hợp học viên xử lý tình huống sớm hơn cũng được chấm điểm dù không đạt tối đa.

"Qua đánh giá sơ bộ, phần mềm mới cơ bản tốt hơn nhưng vẫn chờ học viên trải nghiệm mới có thể đánh giá tiếp", ông Nghĩa nói.

Tháng 6/2022, học viên khi thi bằng lái xe phải thi thêm nội dung phần mềm mô phỏng với 120 tình huống, ngoài nội dung sát hạch lý thuyết 600 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ.

Phần mềm mô phỏng bao gồm 120 tình huống giao thông phức tạp như lái xe trên đường phố đông người, đường cắt ngang, đường giao cắt với đường sắt, đường cao tốc, chỗ dừng đèn đỏ, qua phà, đường giao cắt lập thể, đường đèo dốc, sương mù, mưa to, trơn trượt; ban ngày, ban đêm...

Phần mềm được xây dựng và cài đặt trên hệ thống máy tính sẽ hiển thị tình huống cho học viên, đồng thời đưa ra các yêu cầu đòi hỏi người học phải áp dụng các kiến thức về pháp luật giao thông, kỹ năng lái xe cơ bản để trả lời trong một thời gian nhất định. Học viên quan sát các tình huống giao thông trong video mô phỏng, khi tình huống nguy hiểm xuất hiện sẽ phải bấm nút dừng.

Công an đến từng nhà tuyên truyền phòng chống lừa đảo qua mạng

Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, gần đây trên địa bàn TP nói chung và huyện Ba Vì nói riêng xuất hiện nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong nhân dân.

Nguyên nhân chủ yếu do người dân không nắm rõ được thủ đoạn và nhẹ dạ tin vào lời dụ dỗ của các đối tượng. Chính vì vậy, Công an huyện Ba Vì thường xuyên nhận được tin báo, tin tố giác về việc người dân bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo bằng nhiều hình thức, thủ đoạn.

Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, hoạt động theo ổ nhóm, với nhiều chiêu thức biến tướng, nhằm vào người dân để chiếm đoạt tài sản.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản có thể xảy ra, Công an huyện Ba Vì xác định việc nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm và cung cấp đầy đủ thông tin thủ đoạn tội phạm cho người dân là biện pháp quan trọng, hữu hiệu nhất.

Do đó, lãnh đạo Công an huyện Ba Vì đã chỉ đạo xây dựng, thiết kế áp phích bằng hình ảnh sinh động, ngắn gọn, kèm số điện thoại của trực ban công an huyện, đội Cảnh sát hình sự để người dân thuận lợi liên lạc khi có vụ việc xảy ra.

Trên cơ sở ý tưởng và sự chỉ đạo này, bộ áp phích thông tin tóm tắt 21 thủ đoạn phổ biến và cập nhật nhất của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được Công an huyện Ba Vì thiết kế và phát hành.

Hình ảnh tuyên truyền này sẽ được đăng tải đồng loạt trên các kênh mạng xã hội của Công an huyện Ba Vì và 31 đơn vị công an xã, thị trấn trên địa bàn.

Ngoài ra, các nội dung sẽ được in thành tờ rơi dán tại các điểm công cộng, nhà dân và được sử dụng tuyên truyền về pháp luật tới người dân tại các buổi họp...

Các thủ đoạn phổ biến hiện nay được Công an huyện Ba Vì cảnh báo là hack tài khoản mạng xã hội để mượn tiền, giả danh cơ quan thực thi pháp luật và lãnh đạo, mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội, lừa đảo mua hàng trực tuyến, trúng thưởng, giả chuyển tiền nhầm để ép vay…

Đại tá Kiều Quang Phương, Trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết: "Đây là những thủ đoạn mà quá trình đấu tranh thực tiễn, đơn vị đã đúc kết và thực tế có nhiều nạn nhân bị sập bẫy.

Chính vì vậy, việc thiết kế bộ áp phích thông tin tóm tắt 21 thủ đoạn phổ biến để truyền tải đến tận người dân là việc làm kịp thời, thiết thực để cảnh báo cho nhân dân.

Với việc phát tờ rơi, dán tại các điểm công cộng, Công an huyện Ba Vì cũng đã cử cán bộ đến từng gia đình để tuyên truyền, qua đó giúp lan tỏa các nội dung phòng ngừa cho người dân thật sự hiệu quả".

Theo Đại tá Kiều Quang Phương, thời gian tới, Công an huyện Ba Vì sẽ tiếp tục triển khai biện pháp tuyên truyền bằng áp phích và các hình thức khác để giúp nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm của người dân, đặc biệt đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo GiaDinh