Văn hóa Phương Nam đang mất dần... văn hóa!

Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC), thương hiệu chuỗi nhà sách uy tín lâu năm, tiếng tăm vang dội một thời, nay đang đứng trước ngưỡng cửa sống hoặc chết vì hiệu quả kinh doanh suy giảm.

Tên tuổi lớn, hiệu quả bé

Đối với người dân Sài Gòn, không mấy ai không biết đến cái tên Văn hóa Phương Nam (thành lập năm 1992) khi đơn vị này sở hữu hàng loạt chuỗi nhà sách lớn tại TP.HCM dưới cái tên Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam. Công ty cũng đã phát hành hàng chục ngàn tựa sách quốc văn và ngoại văn với hàng chục triệu bản kể từ năm 2004 đến nay.

JVC

PNC còn sở hữu hai Công ty TNHH MTV Văn phòng phẩm Phương Nam (PNSC) và Công ty TNHH MTV In Phương Nam (PNP) để in ấn, sản xuất, phân phối sách, báo, sổ tay, tập vở, văn phòng phẩm... Công ty TNHH Phương Nam Phim (PNF) cũng do PNC lập nên và đầu tư vào nhiều tựa phim đình đám như Cô dâu đại chiến, Nụ hôn thần chết, Thiên mệnh anh hùng...

Ngoài ra, trực tiếp sở hữu 4 đơn vị trên, công ty còn liên doanh với Tập đoàn East Media Holdings Incorporation (EMHI) để lập ra Công ty Cổ phần Nhãn hiệu Phương Nam (PNBC) được nhượng quyền kinh doanh chuỗi cửa hàng mang nhãn hiệu Disney Corner (chuyên kinh doanh các mặt hàng văn phòng phẩm) và Disney Princess (kinh doanh trang phục, phụ kiện dành cho bé gái).

PNC lên sàn chứng khoán niêm yết vào tháng 7/2005 với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Đến nay sau 10 năm lên sàn, công ty đã huy động vốn từ thị trường chứng khoán và đạt quy mô vốn điều lệ 110 tỷ đồng. Doanh thu của PNC 5 năm gần đây (2010-2014) đều đạt trên mức 330 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, trái với sự tăng trưởng về quy mô hoạt động và vốn điều lệ, điều khó tin là lợi nhuận lũy kế trong chuỗi 5 năm qua của công ty lại là con số âm (-33,95 tỷ đồng) và đang trong cảnh thua lỗ triền miên, đứng trước nguy cơ mất vốn!

Cổ đông kêu than, chủ tịch lạm quyền

Nhìn lại kết quả kinh doanh của PNC, công ty này bắt đầu chu kỳ suy yếu từ năm 2011 khi lợi nhuận đạt vỏn vẹn... 9 triệu đồng trên mức doanh thu 347 tỷ đồng. Hai năm 2012-2013, PNC thua lỗ nghiêm trọng ở mức 16,87 tỷ đồng và 24,87 tỷ đồng dù mức doanh thu duy trì ổn định khoảng 336 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2014, đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết (nếu 3 năm liền thua lỗ), PNC đã thoát lỗ kịch tính khi có lợi nhuận bé tẻo teo 2,4 tỷ đồng trên mức doanh thu 335 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay khi vừa bước qua quý 1/2015, công ty đã lập tức lỗ trở lại 3,8 tỷ đồng khiến cổ đông chỉ biết kêu trời.

Tính đến cuối quý 1/2015, vốn chủ sở hữu của PNC chỉ còn 70,5 tỷ đồng, tức đã âm đến 36% số vốn điều lệ 110 tỷ đồng của công ty. “Chúng tôi lo ngại sẽ mất trắng vốn nếu không hành động”, một cổ đông của PNC phát biểu.

Trước hiệu quả kinh doanh quá yếu kém của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Tổng giám đốc PNC, ngày 11/6/2015, nhóm cổ đông lớn của công ty đã quyết định gửi Bản kiến nghị để đưa vào chương trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngày 17/6 hai nội dung quan trọng là “Phê chuẩn Tổng giám đốc điều hành công ty” và “Bãi nhiệm và bầu Thành viên HĐQT”.

Dù được nhóm cổ đông hợp pháp sở hữu 18,5% cổ phần đưa yêu cầu, HĐQT của PNC vẫn bất ngờ công bố nội dung Đại hội không có hai nội dung được kiến nghị bổ sung. Bức xúc trước việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là bà Phan Thị Lệ không tôn trọng yêu cầu của cổ đông, nhóm cổ đông lớn đã không đến họp khiến ĐHCĐ của PNC diễn ra bất thành với các cổ đông chỉ đại diện cho 36,1% cổ phần có phần biểu quyết tham dự.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (đang giữ 1,29% vốn tại PNC) trước đây từng làm Phó TGĐ Saigon Gas, Phó TGĐ CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT PNC cho biết, mặc dù đang làm Thành viên HĐQT nhưng lại không biết ai đang làm Giám đốc PNC. Ông Quỳnh cho rằng Chủ tịch HĐQT không tôn trọng các cổ đông khi không công khai các quyết định bổ nhiệm trước các cuộc họp HĐQT.

Trả lời độc quyền cho Báo Người Tiêu Dùng, ông Vũ Cao Trung, một cổ đông độc lập đang giữ 1,8% vốn tại PNC, nhận định: “Chúng tôi chỉ mong muốn được minh bạch trong các hoạt động của công ty, tránh các tổn thất cho tất cả cổ đông. Chủ tịch HĐQT là đại diện cho các cổ đông phải tôn trọng Điều lệ hoạt động của công ty đã có”.

Ông Trung cho biết, Chủ tịch HĐQT hiện đang làm thua lỗ cho công ty quá nhiều và bộc lộ nhiều điểm nghi vấn, kém minh bạch trong điều hành. Như việc bổ nhiệm Giám đốc các công ty con nhưng không thông qua ý kiến HĐQT là chưa đúng; mở hàng loạt các nhà sách mới dù HĐQT đã không ủng hộ dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ; tổ chức ĐHCĐ mà không đưa vào chương trình họp các nội dung được nhóm cổ đông hợp pháp kiến nghị.

Theo chia sẻ của một số cổ đông lớn, các cổ đông nhỏ cần tìm hiểu kỹ hơn hoạt động của PNC những năm vừa qua, vì sao công ty lại thua lỗ, vì sao các công ty con lại “thoát khỏi” sự quản lý của HĐQT?

Được biết, hiện PNC đang khởi kiện Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) về tác quyền nhạc Vũ Thành An, một sự việc cũng kém minh bạch và kém văn hóa với nhiều khuất tất phía sau liên quan đến các cổ đông mà Báo Người Tiêu Dùng sẽ tiếp tục làm rõ.

Theo Tường Châu (Báo NTD)