Vì sao smartphone Xiaomi bị cấm ở nhiều nơi mà vẫn bán chạy?

Chỉ mới thành lập được 4 năm, nhưng Xiaomi đang trở thành nhà bán lẻ smartphone lớn nhất Trung Quốc. Công ty không cần chi hàng triệu USD để quảng cáo, mà chủ yếu dựa vào Internet và marketing theo kiểu “mách nhau” của người dùng để tiếp thị sản phẩm và tiết kiệm chi phí.

Xiaomi nghĩa là gì?

Xiaomi là một từ tiếng Trung có nghĩa là “hạt kê”. CEO Lei Jun của Xiaomi cho biết Xiaomi không chỉ có ý nghĩa như là “kê và gạo”, mà Lei Jun đã liên hệ chữ “Xiao” với một quan niệm Phật giáo – một hạt gạo của Phật tử nghĩa lớn như núi – gợi ý rằng Xiaomi muốn làm những việc nhỏ, thay vì bắt đầu bằng việc theo đuổi sự hoàn hảo lớn lao. Trong khi đó, “mi” là một chữ viết tắt của Mobile Internet và cũng là Mission Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi), ám chỉ đến những trở ngại mà một công ty mới khởi sự phải đối mặt. Ngoài ra, Lei Jun nói rằng ông nghĩ tên Xiaomi rất “dễ thương”. Trong một phỏng vấn hồi  năm 2012, Lei Jun nói tên Xiaomi là nói về cuộc cách mạng và khả năng mang sáng tạo đến kỷ nguyên mới. 

Xiaomi được thành lập vào tháng 4/2010 bởi cựu CEO của Kingsoft, Lei Jun, với tư cách là một công ty phần mềm chuyên sản xuất Custom ROM (bản ROM tùy biến) cho hệ điều hành Android. Mục tiêu của hãng là cung cấp các chức năng bổ sung mà Android chưa có và đem lại giao diện thân thiện cho người sử dụng. MIUI, bản ROM tùy biến được nhóm phát triển, là một thành công lớn và được sử dụng trên nhiều thiết bị. Cho đến năm 2014, MIUI đã được tải và cài đặt cho hơn 200 loại thiết bị cả bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Thậm chí kể cả những người không chuyên cũng có thể dễ dàng cài đặt MIUI cho điện thoại sử dụng MIUI Express APK. Vào cuối năm 2013, Xiaomi đã có hơn 30 triệu người sử dụng MIUI trên toàn thế giới. Một con số rất ấn tượng đối với một công ty mới thành lập!

xiaomi

Điểm giống nhau giữa MIUI ROM của Xiaomi và iOS của Apple đó là sự thân thiện với người dùng. Sản phẩm này rất dễ sử dụng dù những dịch vụ mà nó cung cấp như sao lưu đám mây thì lại rất phức tạp. Tính năng chơi nhạc và các ứng dụng khác có thể được sử dụng một cách dễ dàng ngay trên kho ứng dụng của hãng. Nhóm Xiaomi luôn luôn mong muốn người sử dụng cảm thấy mình là một phần của công ty và vui vẻ nhận những lời phản hồi của các fan thông qua nhiều kênh khác nhau cũng như cập nhật ROM vào mỗi thứ 6 hàng tuần kèm theo sửa lỗi, tối ưu hóa và bổ sung thêm tính năng.

Tuy nhiên, một vài phương tiện truyền thông cho rằng Xiaomi copy quá nhiều từ các ông lớn trong làng công nghệ Mỹ. Từ việc CEO Xiaomi có phong cách ăn mặc giống Steve Jobs cho đến các sản phẩm của Xiaomi có kiểu dáng giống sản phẩm của các hãng khác. Công ty này mặc dù muốn giữ khoảng cách với Apple nhưng vẫn có một sự tôn trọng nhất định với ông lớn của làng công nghệ này.

Thích so sánh với Amazon hơn với Apple

Năm 2011, Xiaomi công bố chiếc điện thoại Mi One. Toàn bộ phần mềm và phần cứng của chiếc smartphone này đều được Xiaomi tự phát triển. Mi One là một chiếc điện thoại đặc biệt với mức giá “đi trước thời đại” và vẫn giữ nguyên được triết lý của Xiaomi từ ngày đầu tiên.

Smartphone cao cấp này có mức giá vô cùng phải chăng, chỉ 324 USD và không kèm theo hợp đồng với nhà mạng. Xiaomi luôn cố gắng bán sản phẩm với mức giá chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá sản xuất. Đây chính là điểm mấu chốt cho thành công của công ty và điều này đã gây áp lực lên các đối thủ như Samsung, Huawei và ZTE. Chiếc Mi 4 mới nhất của hãng sử dụng lõi xử lý Qualcomm Snapdragon 801 2.5 Ghz, RAM 3 GB và màn hình 5 inch 1080p. Một điểm riêng biệt của Xiaomi đó là hãng không hề phụ thuộc vào bất cứ cửa hàng điện thoại hay nhà mạng nào. Xiaomi chủ yếu bán điện thoại thông qua thương mại điện tử. Hình thức kinh doanh này đã nhanh chóng biến Xiaomi thành một cửa hàng trực tuyến được nhiều người biết đến trên toàn quốc.

Trong khi người sử dụng hay gọi Xiaomi là “Apple của Trung Quốc”, công ty này lại thích tự so sánh mình với Amazon hơn. Họ xây dựng những phần cứng mạnh và bán với giá phải chăng, tự sử dụng các dịch vụ và nội dung của mình để thu về phần lớn lợi nhuận. Chỉ tính riêng lợi nhuận năm 2013, hãng này đã thu về hơn 5 tỷ USD. Một con số ấn tượng đối với một công ty mới thành lập. Tuy nhiên cũng có một số điểm tương đồng giữa Xiaomi và Apple. Cả hai đều là những công ty sản xuất phần cứng và phần mềm, cả hai đều nắm quyền quản lý quan trọng trong chuỗi cung ứng và cả hai đều có lượng fan hân mộ lớn. Ngoài những điều đó ra, hai công ty gần như không có điểm chung nào khác.

Xiaomi bán cả smartphone, tablet, smart TV, vòng tay thông minh

Năm 2012, Xiaomi đã bán được 7,2 triệu chiếc smartphone và năm 2013 Xiaomi con số này lên tới 18,7. Trong quý đầu năm 2014, Xiaomi đã bán được hơn 11 triệu chiếc diện thoại, nhiều hơn cả mức công ty này bán được trong cả năm 2012 và nhiều hơn một nửa doanh số của cả năm 2013.

Các thị trường quốc tế như Hong Kong, Đài Loan và Singapore đều có những nhu cầu tương tự như ở Trung Quốc. Sự mở rộng ra khỏi thị trường Trung Quốc khiến Xiaomi phải thuê Hugo Barra (cựu giám đốc điều hành Android của Google) để giúp công ty khám phá các thị trường mới như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ. Có thể cuối cùng, Xiaomi sẽ mở rộng đến châu Âu và Mỹ.

Mặc dù công ty này được biết đến nhiều nhất qua những sản phẩm điện thoại nhưng Xiaomi đã nhanh chóng mở rộng ra các dòng sản phẩm khác. Đầu năm nay, hãng này bắt đầu bán chiếc máy tính bảng đầu tiên của mình, Mi Pad, với giá chỉ 276 USD. Thiết bị này có màn hình độ phân giải 1536, sử dụng bộ xử lý Tegra K1 – bộ xử lý mới nhất của Nvidia và camera chính 8 megapixel. Sản phẩm có hai mẫu 16 và 64 GB, ngoài ra còn có khe cắm thẻ nhớ microSD. Xiaomi hy vọng sản phẩm này sẽ trở thành đối thủ của chiếc iPad mini của Apple. Tuy nhiên, sản phẩm nhận này được nhiều lời chỉ trích vì có thiết kế quá giống một sản phẩm khác của hãng Apple.

Thế nhưng ở môt mức độ nào đó, Xiaomi đã đi trước Apple. Hãng này đã tung ra thị trường các sản phẩm smart TV và vòng đeo thông minh với giá vô cùng thấp. TV thế hệ thứ hai màn hình 4K 49 inch của Xiaomi chỉ có giá 649 USD và vòng đeo sức khỏe của hãng chỉ có giá 13 USD. Công ty này còn cho ra đời các sản phẩm như Internet router, thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, pin dự phòng và các linh vật Xiaomi dưới dạng thú nhồi bông. Pin dự phòng 5200 mAh của hãng là một trong những sản phẩm bán chạy nhất và chỉ có mức giá 8 USD.

CEO bật mí bí quyết thành công của Xiaomi

Khi được hỏi về bí quyết thành công, CEO của Xiaomi, ông Lei Jun cho biết, ông sẽ hướng công ty đến sự gắn kết bền vững với các “Mi fan”. Việc này được thực hiện một phần thông qua phần mềm MIUI. Ông Lei phát biểu: “Khi Apple phát triển iOS 7, bạn sẽ không biết hãng sẽ định làm gì với bản iOS này cho đến khi Apple tung nó ra thị trường. Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Điều đầu tiên chúng tôi làm là hỏi khách hàng của mình xem họ muốn gì. Theo tôi, bí mật quan trọng nhất cho thành công của Xiaomi đó là Xiaomi không bán sản phẩm, mà bán cơ hội để tham gia cùng chúng tôi”.

Các lãnh đạo của Xiaomi bao gồm nhiều chuyên gia đến từ các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft, Google và Motorola. Các dự án trước kia của những chuyên gia này bao gồm phát triển Windows Mobile, công cụ tìm kiếm Google và bản địa hóa sản phẩm cho thị trường Trung Quốc. Trước khi thành lập Xiaomi, CEO của công ty, ông Lei Jun đã xây dựng trang Joyo.com, trang web thương mại điện tử tại Trung Quốc này sau đó đã được Amazon mua lại. Jun cho biết, ông sử dụng các kinh nghiệm về thương mại điện tử của mình tạo động lực thúc đẩy việc bán điện thoại trực tuyến của Xiaomi.

Xiaomi không có cửa hàng phân phối chính thức nên cũng không cần bỏ hàng triệu USD để duy trì hay quảng cáo. Thay vào đó, công ty chủ yếu dựa trên Internet và marketing kiểu “mách nhau” của người dùng để tiếp thị sản phẩm và tiết kiệm chi phí. Thêm vào đó, Xiaomi chỉ sản xuất sản phẩm với số lượng hạn chế trong lần ra mắt đầu tiên. Điều này giúp công ty kiểm soát lượng hàng tồn kho và dần dần sản xuất tiếp khi giá thiết bị cấu thành giảm. Nhược điểm của vấn đề này đó là khá khó để mua được một thiết bị của Xiaomi. Chiếc điện thoại mới nhất của hãng, Mi 4 đã bị bán hết sạch chỉ trong vòng 37 giây kể từ khi được tung ra trên cửa hàng trực tuyến của Xiaomi. Vẫn chưa rõ Xiaomi kiếm được bao nhiêu tiền nhưng công ty vẫn hoạt đông theo kiểu của một doanh nghiệp mới thành lập và tập trung vào việc chiều theo thị hiếu của khách hàng để sản xuất sản phẩm. Công ty này hy vọng sẽ kiếm được tiền nhờ bán phần mềm và các sản phẩm ảo cho các thiết bị của mình, giống như cách Amazon làm với máy tính bảng Kindle.

CEO của Xiaomi hy vọng công ty sẽ trở thành một thương hiệu quốc tế để người dân Trung Quốc có thể tự hào. Tuy nhiên, trên con đường tiến lên của mình, Xiaomi cũng gặp phải không ít vấp váp. Đơn cử là việc bị cấm bán tại thị trường Ấn Độ vì vi phạm bản quyền hay điện thoại Xiaomi bị nghi cài phần mềm gián điệp để lưu lại các thông tin cá nhân và tin nhắn của người dùng.

Theo Lê Nga (ICTnews)