Đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu?

Không nên bỏ trứng vào một rổ vẫn là lời khuyên quen thuộc của các chuyên gia tài chính. Song theo ông Don Lam, CEO VinaCapital, thời điểm này nên dành 30% cho bất động sản.

Chia sẻ trong hội thảo về dòng tiền và bất động sản diễn ra tại TP HCM, ông Don Lam, Tổng giám đốc (CEO) VinaCapital, cho rằng, trong 18 tháng gần đây, biên lợi nhuận từ bất động sản (BĐS) rất tốt, ở mức khoảng 22% đối với nhà đầu tư tổ chức. Theo nhận định của ông, thị trường hiện nay không lo tình trạng bong bóng, nên trong trung hạn có thể tìm những dự án tốt để đầu tư.

Tuy vậy, theo CEO VinaCapital, nhà đầu tư cũng không nên bỏ trứng vào một rổ mà chia an toàn và nên xem xét tính rủi ro. “Nếu là tôi đi đầu tư ở thời điểm này, tôi sẽ chi 30% cho BĐS, 70% còn lại cho cổ phiếu và các khoản đầu tư khác. Nhưng nhất định phải có cổ phiếu giữ lại”, ông Don Lam khuyên.

Theo kinh nghiệm của chuyên gia này, điều nhà đầu tư buộc phải nhớ là tùy vào độ tuổi của mình để có những quyết định tránh bị “mất trắng”. Nếu đã ở độ tuổi 47-55 thì nhất định phải quan tâm đến yếu tố rủi ro, bởi ở tuổi này, gặp rủi ro sẽ mất trắng mà không có thời gian, cơ hội làm lại.

“Nên tôi sẽ dành 50% số tiền mình mang ra đầu tư mua trái phiếu, cổ phiếu có trả cổ tức ổn định. Số còn lại tôi ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực đang giao dịch sôi nổi, có thể có rủi ro nhưng lãi cao, ví dụ thời điểm này là BĐS.

Còn những người trẻ, theo tôi là nên đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm nhưng sinh lời nhanh. Vì bạn còn trẻ nên nếu có mất đi một phần tài sản, hoặc không may gặp rủi ro, bạn vẫn còn nhiều thời gian làm lại”, chuyên gia này chia sẻ.

Đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu?
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư khôn ngoan thời điểm này nên dành 30% tài sản đầu tư vào BĐS, còn lại cho các lĩnh vực khác. Ảnh: Hải An. 

Là người làm việc trong lĩnh vực tài chính, ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc khối bán lẻ Vietcombank, cho rằng quan điểm đầu tư của mình là không bỏ trứng vào một rổ, dù ở thời điểm nào. “Thị trường đang hồi phục tốt thì tôi luôn tin nhận định của ông bà mình: mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời. Chính vì vậy mà tôi vẫn chia tiền cho BĐS”, ông Hào khẳng định.

Song ông Hào cũng lưu ý với các nhà đầu tư cá nhân nên tính toán khoản tiền đổ vào đất. Vị này cho rằng, hiện nhiều chủ dự án tung ra các chính sách bán hàng hấp dẫn để kích cầu. Trong đó có việc hỗ trợ khách vay vốn đến 80% để mua căn hộ, sau đó thuê lại và cam kết lợi nhuận 10-12%.

Với mức này, việc đầu tư trong dài hạn có thể tốt nhưng ngắn hạn thì không hấp dẫn. Bởi việc vay vốn có thể gặp rủi ro về lãi suất, người vay cũng có thể gặp những biến động khác về việc làm, thu nhập ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.

Ông Hào khuyên không nên vay đến 70-80% vốn để đầu tư vào nhà đất mà tốt nhất cần tự chủ 40-50% tài chính. Với những người có tiền nhàn rỗi đầu tư vào hình thức này thì cũng nên tính đến dài hạn, bởi rất khó có thể chủ động rút lại vốn trong ngắn hạn.

Theo nhận định của ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital, dòng tiền đổ vào cổ phiếu BĐS đang khá lớn. Thống kê gần đây, trong 550 triệu USD các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào cổ phiếu thì có 220 triệu USD dành cho cổ phiếu BĐS.

Trong nước, những người mua BĐS để đầu tư cho thuê bắt đầu nhiều lên. Số lượng căn hộ được giao năm 2016 là khoảng 13.000 căn, năm 2017  ở mức 23.000-24.000 căn. Điều này tạo ra lượng hàng thứ cấp lớn trong giai đoạn 2016-2017, khiến giá cho thuê sẽ cạnh tranh gay gắt.

Còn theo số liệu của CBRE, trong 9 tháng đầu năm, số lượng căn hộ tiêu thụ tại TP HCM đạt gần 24.000 đơn vị, vượt xa mức kỷ lục thiết lập vào năm 2014 là 17.000 đơn vị. Tương tự, tại Hà Nội, số lượng căn hộ tiêu thụ đạt gần 15.000 đơn vị, chạm mức đỉnh kỷ lục năm 2009. 

“Đầu tư BĐS ở Việt Nam không thể nhanh mà phải chăm chỉ, kiên trì. Mấy năm nay chúng tôi phải học thêm nghề 'kỹ sư tài chính' vì càng ngày việc thu xếp vốn càng phức tạp và cần khôn ngoan.

Các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc thu xếp vốn hiện nay, đừng chăm bẵm vào một nơi là mượn tiền ngân hàng, khi thị trường rủi ro sẽ trở tay không kịp. Các nhà đầu tư cần thu xếp các nguồn mới, trong đó dòng vốn nước ngoài dài hạn là rất tốt"Ông Võ Sỹ Nhân, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Tiến Phước.

Theo H.Linh(Zing)