Nữ doanh nhân nhanh trí lật tẩy kẻ giả danh cảnh sát, nửa đêm đập cửa đòi bắt người

Tôi yêu cầu đợi tôi thay đồ khác sẽ làm việc, nhưng họ cứ xộc vào. Tôi la lớn là ở nhà một mình, các anh định hiếp tôi à. Lúc đó, họ mới không giữ tôi lại, bà T. kể lại.​

Liên quan đến vụ 2 kẻ gian giả cảnh sát vào nhà dân đọc lệnh bắt người, ngày 30/8, Công an quận 11, TP.HCM cho biết đang tạm giữ, lấy lời khai Trần Hữu Sơn (41 tuổi, ngụ quận 7) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Sơn và Thái là 2 nghi phạm giả cảnh sát vào nhà dân ở quận 11 đọc lệnh bắt người và đòi khám xét nhà.

Nữ doanh nhân nhanh trí lật tẩy kẻ giả danh cảnh sát, nửa đêm đập cửa đòi bắt người - Ảnh 2.

Hai đối tượng giả danh Cảnh sát hình sự Bộ Công an bị bắt.

VietNamNet đưa tin, theo tường trình của bà T. (kinh doanh đá hoa cương và sống một mình tại căn nhà ở đường Nhật Tảo, phường 7, quận 11), tối 28/8 bà T đi từ thiện về đến nhà, sau khi tắm xong, định đi ngủ thì bà bất ngờ nghe tiếng đập cửa mạnh, dồn dập.

"Tôi vừa mở cửa thì hai người mặc đồ công an xông vào. Một người xưng tên là Thắng ở Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì họ lại la lớn yêu cầu khám xét và bắt người.

Lúc đó tôi hoảng loạn tột độ, không biết mình có tội gì mà công an đến nhà giữa đêm khuya thế này.

Tôi chặn họ lại ngay cửa, yêu cầu đợi tôi thay đồ khác sẽ làm việc, nhưng họ cứ xộc vào. Tôi la lớn là ở nhà một mình, các anh định hiếp tôi à. Lúc đó, họ mới không giữ tôi lại", lời bà T.

Bà T lên lầu gọi điện cho người em trai, nhờ đến nhà xem có chuyện gì xảy ra mà công an đến nhà giữa đêm khuya. Đồng thời, khi bà T la lớn thì hàng xóm xung quanh cũng chạy đến xem. Một số người thấy hành tung của hai cán bộ công an có nhiều nghi vấn nên đã báo cho Công an phường 7.

Theo bà T.: "Khi họ vào nhà, họ đọc lệnh bắt tôi về tội tổ chức đánh bạc và cho vay nặng lãi. Họ đọc đúng các thông tin của tôi, nhưng tôi không có dính dáng đến những việc làm phi pháp đó nên ban đầu nghĩ là công an có nhầm lẫn gì".

Khi tổ công tác của Công an phường 7 đến nhà thì bà T vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, càng hoang mang và lên huyết áp, suýt ngất xỉu.

Nhưng lực lượng Công an phường 7 đã nhận diện được những điều đáng ngờ của hai người mang quân phục CAND, xưng là người của Cục Cảnh sát hình sự.

nu-doanh-nhan-nhanh-tri-lat-tay-ke-gia-danh-canh-sat-nua-dem-dap-cua-doi-bat-nguoi

Cảnh sát lấy lời khai Thái (trái) và Sơn để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: Zing

Theo lời kể của một số cán bộ Công an phường 7, khi đối diện thì đã nhận ra có nhiều điều nghi vấn, nhưng vẫn hỏi chuyện hai người mặc quân phục CAND. Hai người này vẫn mạnh miệng, trả lời trơn tru là "người của Cục, đang thực hiện nhiệm vụ của Bộ".

Cụ thể, một thành viên tổ công tác Công an phường 7 có hỏi "sao các anh bắt người, khám nhà mà không thông qua địa phương". Một trong hai người đáp trả bình tĩnh "đã gửi thông báo nhiều lần rồi!"

Không thấy có cán bộ của Viện KSND tham gia, tổ công tác phường hỏi thẻ ngành và một số vấn đề nghiệp vụ ngành thì bắt đầu hai vị cán bộ công an ú ớ. Tổ công tác quyết định mời tất cả những người liên quan về trụ sở công an phường làm việc.

nu-doanh-nhan-nhanh-tri-lat-tay-ke-gia-danh-canh-sat-nua-dem-dap-cua-doi-bat-nguoi

Một số giấy tờ và phương tiện tang vật công an tạm giữ để điều tra. Ảnh: VTC

Theo thông tin từ Zing, tại cơ quan công an, họ thú nhận chỉ là cảnh sát "dỏm", đến nhà này với mục đích chiếm đoạt tiền. Tất cả quân phục, biển số xe, súng ngắn được mua trên mạng. Trong đó, chiếc ôtô được 2 người này thuê và gắn biển số xanh giả vào sử dụng.

Theo cảnh sát, 2 nghi phạm trang bị rất kỹ và rất khôn ngoan. Việc lật mặt được nhóm này nhờ sự cảnh giác cao của quần chúng.

"Trong mỗi cuộc họp khu phố, chúng tôi thường tuyên truyền để người dân nắm được thủ đoạn của các băng nhóm lừa đảo. Khi người dân thấy sự việc có biểu hiện khả nghi thì phải nhanh chóng báo cho công an khu vực", cán bộ này nói.

Ngoài ra, theo nhà chức trách, việc khám xét, bắt giữ người vi phạm pháp luật phải có nhiều lực lượng tham gia như cảnh sát, viện kiểm sát nhân dân và sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Nếu thiếu một trong các lực lượng trên thì người dân cần cảnh giác.

M.H (th)

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

+Agribank cảnh báo khách hàng về các chiêu thức lừa đảo trực tuyến

+Thủ đoạn tinh vi của “Trùm” đa cấp và đồng phạm sử dụng để lừa đảo 36.000 người, chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng

+Cảnh báo lừa đảo vé máy bay Vietnam Airlines đưa người về nước tránh dịch Covid-19

----