9 nhóm người có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn, cần hết sức thận trọng!

Có những người có nguy cơ cao hơn, dễ bị đe dọa bởi Covid-19, thậm chí tử vong. Đây là nhóm cần được tăng cường chăm sóc và bảo vệ trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

9-nhom-nguoi-co-nguy-co-mac-covid-19-cao-hon-can-het-suc-than-trong

Điều trị cho bệnh nhân Covid-19
ẢNH: BỘ Y TẾ

Theo Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra danh sách những người có nguy cơ cao nhất, dễ bị đe dọa bởi Covid-19. Những người dễ bị tổn thương nhất và sẽ tiến triển nặng khi mắc Covid-19 do các bệnh đã có từ trước, thường gọi là có tiền sử bệnh, hoặc bệnh nền không lây nhiễm.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo mọi người cần tăng cường chăm sóc và bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đồng thời xác định tại sao có những nhóm người có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19.

Sau đây là 9 nhóm người có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19, cần phải hết sức thận trọng:

1. Người cao tuổi

Người cao tuổi dễ mắc và tử vong cao hơn do Covid-19 vì chức năng miễn dịch giảm theo tuổi, khiến giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường.

Phản ứng viêm quá mức, tức mức độ viêm cao có thể làm tổn thương phổi, thận và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể người cao tuổi.

Bệnh nhân Covid-19 cao tuổi dễ biến chứng vì người cao tuổi thường có sẵn tình trạng đa bệnh lý. Nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng có thể gây biến chứng bệnh tim, thận hoặc gan có sẵn trước đó.

Đồng thời, chức năng phổi giảm theo tuổi tác. Vì vậy khả năng thông khí kém hiệu quả, nếu có thêm tình trạng viêm phổi tiến triển thì tình trạng suy hô hấp càng dễ phát triển.

2. Người bệnh phổi mạn tính

Những người mắc bệnh phổi mạn tính được coi là có nguy cơ cao mắc Covid-19. Bao gồm các bệnh lý hô hấp: hen suyễn, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi và các bệnh phổi kẽ khác.

Nguy cơ có thể thay đổi tùy theo loại bệnh hô hấp. Trong đó, COPD và bệnh phổi kẽ với đặc trưng là tình trạng xơ hóa và mất tính đàn hồi của phổi, sẽ làm giảm khả năng tự thở của người bệnh nếu mắc Covid- 19.

Hen suyễn không gây ra xơ hóa nhưng nhiễm Covid- 19 có thể gây ra một cuộc tấn công nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng, đặc biệt ở những người kiểm soát hen suyễn kém.

Giãn phế quản gây ứ chất nhầy dư thừa.

Nếu viêm phổi phát triển do Covid-19, sự tắc nghẽn đường thở có thể nguy hiểm đến tính mạng.

3. Người bị suy giảm miễn dịch

Suy giảm miễn dịch đặc trưng ở người nhiễm HIV; người trải qua hóa trị và xạ trị ung thư; người ghép tạng; người bị suy giảm miễn dịch nguyên phát, thường liên quan đến khiếm khuyết di truyền.

Suy giảm khả năng miễn dịch không chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mà còn làm tăng khả năng mắc bệnh nặng.

4. Người bệnh tim mạch

Các hệ thống hô hấp và tim mạch vốn đã được liên kết chặt chẽ với nhau. Khi nhiễm trùng đường hô hấp làm giới hạn lượng không khí đi vào phổi, tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung cấp ô xy cho các cơ quan quan trọng của cơ thể.

9-nhom-nguoi-co-nguy-co-mac-covid-19-cao-hon-can-het-suc-than-trong

SARS-CoV-2 chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, nhưng khi phổi không hoạt động bình thường, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Điều này gây thêm căng thẳng cho tim.

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Ở những người mắc bệnh tim mạch từ trước, tăng gánh nặng cho tim không chỉ làm tăng huyết áp mà còn có khả năng làm bộc phát cơn đau tim hoặc đột quỵ.

5. Người bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường loại 1 và loại 2 nếu không được kiểm soát tốt khiến có nhiều khả năng mắc Covid-19 và gặp phải tình trạng bệnh nặng hơn.

Tăng đường huyết kéo dài có thể dẫn đến tình trạng nhiễm toan (nồng độ a xít trong các dịch cơ thể vượt mức bình thường - PV), trong đó các a xít được gọi là ketone làm giảm sản xuất tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào lympho T và bạch cầu đa nhân trung tính. Kết quả có thể làm tăng khả năng bị lây nhiễm Covid-19.

6. Người bệnh gan

Covid-19 có thể làm phức tạp bệnh gan có sẵn ở một số người, gây tăng men gan và làm bệnh nặng hơn.
Một số loại thuốc bao gồm kháng sinh, thuốc chống virus và steroid dùng trong điều trị Covid-19 cũng gây hại cho gan.

7. Người bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong ở người mắc Covid-19. Nguy cơ dường như tăng lên cùng với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đặc biệt, những người chạy thận có nguy cơ cao nhất.

8. Người béo phì

Béo phì có liên quan đến nhiều rối loạn sức khỏe bao gồm: tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường loại 2, gan nhiễm mỡ, bệnh thận,… Tất cả đều khiến tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của Covid-19.

9-nhom-nguoi-co-nguy-co-mac-covid-19-cao-hon-can-het-suc-than-trong

Béo phì có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng viêm sưng, khiến cơ thể khó chống lại virus. Ngoài ra, béo phì cũng gây áp lực lên phổi, làm tăng thêm nguy cơ biến chứng từ Covid-19.

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Ngoài ra, béo phì có liên quan đến khả năng miễn dịch bị suy giảm. Điều này được chứng minh bằng tỷ lệ thất bại cao ở người béo phì khi đáp ứng với một số loại vắc xin, bao gồm vắc xin cúm A/H1N1 và vắc xin viêm gan B.

9. Người có rối loạn thần kinh

Mặc dù không có trong danh sách các yếu tố nguy cơ của CDC Mỹ nhưng một số nhà khoa học đã lưu ý rằng, một số rối loạn thần kinh nhất định như: bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson hoặc bệnh rối loạn thần kinh vận động, có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Nguyên nhân là do dễ làm rối loạn phản xạ nuốt, làm giảm phản xạ ho hoặc gây suy yếu cơ hô hấp.

Đồng thời, nhiều loại thuốc dùng để điều trị rối loạn thần kinh và nhược cơ chủ động gây ức chế hệ thống miễn dịch, dễ tạo điều kiện cho các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng hơn.

Theo Thanh Niên

----

Xem thêm:

7 dấu hiệu bạn chắc chắn đã nhiễm virus corona

Covid-19 phức tạp vì có nhiều triệu chứng “lạ” (ví dụ ngón chân Covid) hoặc không có triệu chứng nào (có tới 40% số người bị nhiễm Sars-CoV-2 không có triệu chứng).

Nhưng đôi khi những biểu hiện của virus rất rõ ràng. Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy bạn chắc chắn đã bị nhiễm virus corona. Nếu bạn đang gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy báo cho cơ quan y tế ngay lập tức.

1. Mệt mỏi hoặc đờ đẫn kéo dài

Đây không phải là cảm giác mệt mỏi khi kết thúc một tuần làm việc dài - nhiều người bị Covid-19 đã báo cáo về cảm giác mệt mỏi kiệt quệ và không thể tập trung kéo dài trong nhiều tuần.

TS Anthony Fauci, Giám đốc viện dị ứng và bệnh nhiễm trùng quốc gia, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 của Nhà trắng nói:

"Bạn có thể thấy những người đã hồi phục thực sự không trở lại bình thường bị những tình trạng rất dễ nghĩ đến hội chứng mệt mỏi mãn tính: đờ đẫn, mệt mỏi và khó tập trung. Đây là điều chúng tôi thực sự cần phải xem xét một cách nghiêm túc, bởi vì rất có thể đó là một hội chứng sau siêu vi liên quan đến Covid-19."

2. Bạn bị 3 loại phát ban

Andrew Chan, giáo sư về miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng T.H.Chan, Đại học Harvard tuyên bố ứng dụng Nghiên cứu Triệu chứng Covid-19 của ông đã phát hiện thêm nhiều trường hợp nổi mẩn và viêm trên ngón tay và ngón chân - còn gọi là ngón tay và ngón chân Covid  - và đó nên được coi là dấu hiệu chẩn đoán chính của bệnh.

Trên th ực tế, nhiều người gặp phải những biểu hiện da liễu kỳ lạ này khi không có bất kỳ triệu chứng nào khác. Các nhà nghiên cứu lưu ý 3 loại phát ban là:

- Phát ban kiểu mày đay: Sự xuất hiện đột ngột của những nốt sẩn trên da xuất hiện và biến mất khá nhanh sau vài giờ và thường rất ngứa. Phát ban có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, và thường bắt đầu bằng ngứa dữ dội ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, và có thể gây sưng môi và mi mắt. Những phát ban này có thể xuất hiện khá sớm trong nhiễm trùng, nhưng cũng có thể kéo dài rất lâu sau đó.

- Phát ban giống rôm sảy hoặc thủy đậu: Những nốt nhỏ, ngứa tập trùng thành từng vùng có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhưng đặc biệt là khuỷu tay và đầu gối cũng như mặt sau của bàn tay và bàn chân. Phát ban có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

- Ngón tay và ngón chân Covid: Các vết sưng đỏ và tím trên ngón tay hoặc ngón chân, có thể đau nhưng thường không ngứa. Loại phát ban này đặc hiệu nhất đối với Covid-19, phổ biến hơn ở những người trẻ mắc bệnh và có xu hướng xuất hiện muộn.

3. Ho khan dai dẳng không hết

Ho dai dẳng kèm theo sốt là dấu hiệu phổ biến nhất của virus corona. Ho khan, dai dẳng và gây khó thở. Và giống như mệt mỏi và khó thở, ho có thể kéo dài rất lâu sau khi bạn khỏi virus. Theo một nghiên cứu vào tháng 7 của CDC, 43% những người được chẩn đoán mắc Covid-19 báo cáo bị ho 14 đến 21 ngày sau khi có kết quả dương tính.

4. Mất mùi hoặc vị kéo dài

Triệu chứng “lạ” này có vẻ là dấu hiệu điển hình của nhiễm Covid-19 (mặc dù không phải ai cũng gặp phải). Theo một nghiên cứu được công bố trên tờ Journal of the American Medical Association, 64% người bị Covid-19 báo cáo bị mất mùi hoặc vị. Một khảo sát của CDC hồi tháng 7 cho thấy triệu chứng này kéo dài trung bình là 8 ngày, nhưng một số người bị nhiều tuần liền.

5. Khó thở

Đây thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của Covid-19, và nó có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi phục hồi. Virus gây viêm phổi và tổn thương có thể khiến bạn khó thở, và có thể dẫn đến viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS).

6. Tổn thương tim kéo dài

Theo một nghiên cứu được công bố trên tờ JAMA Cardiology, 3/4 số người được chẩn đoán mắc Covid-19 có bằng chứng về tổn thương tim nhìn thấy trên MRI nhiều tuần sau khi hồi phục. (Và 18% số người trong nghiên cứu chưa bao giờ xuất hiện các triệu chứng của coronavirus.)

Virus có thể gây viêm tim dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim (mô bị viêm có thể gây ra nhịp tim không đều và các vấn đề khác).

7. Bạn có những triệu chứng không biến mất

"Khoảng một phần ba số bệnh nhân virus corona có các triệu chứng không biến mất, theo một báo cáo mới từ CDC Mỹ. "Báo cáo - tập trung vào những bệnh nhân không nhập viện do virus corona – thấy rằng bệnh nhân có các triệu chứng nhiều tuần và nhiều tháng sau khi xét nghiệm dương tính ban đầu.

• Bệnh nhân mắc Covid-19 không bình phục sức khỏe bình thường trong vòng 2 đến 3 tuần sau khi chẩn đoán.

• Trên thực tế, 1/5 số bệnh nhân không bình phục sức khỏe bình thường.

• Các triệu chứng kéo dài bao gồm mệt mỏi, ho, nghẹt mũi, khó thở, mất mùi và vị, đau ngực và lú lẫn. Các triệu chứng khác, như nôn, buồn nôn, sốt và ớn lạnh, không kéo dài lâu.

Cẩm Tú

Theo ETN/Dân trí

----

Xem thêm:

+Những dấu hiệu nhận biết bệnh Covid-19 qua da

+Hội chứng 'sương mù' khiến người mắc Covid-19 khổ sở dù đã khỏi bệnh