Cô gái dân ca Bùi Thị Thúy: Tiếng hát cất từ trái tim

Ở trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình, nói tới “cô gái dân ca”, không ai không biết nữ sinh Bùi Thị Thúy. Ngoài hát hay, Thúy còn có thành tích học tập đáng nể vầ được kết nạp Đảng viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Ngay khi tốt nghiệp Thủ khoa Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình, Thúy đã thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Năm 2012, cô thôn nữ Bùi Thị Thúy (21 tuổi) quê xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đạt giải Nhì tại hội diễn Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường Văn hóa nghệ thuật thể dục thể thao toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng.

Năm nay, khi mới là sinh viên năm nhất ngành Thanh nhạc hệ Đại học chính quy của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Thúy đã tự tin và tỏa sáng ở cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP HCM.

co-gai-dan-ca-bui-thi-thuy

Cô gái dân ca Bùi Thị Thúy: Tiếng hát cất từ trái tim

Thúy có năng khiếu âm nhạc, lại là con “nhà nòi” nên có điều kiện tiếp xúc với niềm đam mê của mình từ nhỏ. Bố là diễn viên đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Yên Bái (xưa là đoàn chèo Yên Bái). Mẹ học chèo và thanh nhạc ở Thái Bình. Tuy vậy, “ngày đó mẹ không dạy hát chèo mà bày cho em những bài dân ca”, Thúy nói.

Cô gái dân ca Bùi Thị Thúy: Vươn lên từ khó khăn

Vốn sinh ra đã không được gần gũi và không có tình yêu thương của bố, mãi đến khi em tròn 21 tuổi thì 2 bố con mới gặp được nhau. Thúy nghẹn ngào khi chia sẻ: “Ngày bé em cố gắng hát thật hay để một ngày nào đó bố thấy em đứng hát trên sân khấu, thấy con gái mình thành đạt”.

Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhà không có điều kiện cho em đi học xa lại thêm thiếu thốn tình cảm bố nhưng Thúy chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê của mình. Khi còn ở quê, hầu như ai cũng biết đến tiếng hát của em trong những chương trình hội nghị lớn của tỉnh. Từ đó, em đã tự lo được cho bản thân và đỡ đần một phần cho mẹ.

Ngày còn nhỏ, Thúy đi cấy lúa, mò cua, bắt ốc, làm thêm bất cứ việc gì để kiếm tiền ăn học và giúp đỡ cho mẹ. Lúc đó, em cũng ích kỷ không cho mẹ đi thêm bước nữa mà cứ bảo “mẹ cứ nuôi con lớn để con nuôi lại mẹ”.

“Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em xác định đi hát không phải để kiếm tiền. Với em, được hát hát trên quê hương, cho mọi người nghe là đã thích rồi”, Thúy chia sẻ.

Lúc Thúy học Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, người mẹ nghèo tằn tiện mãi mới đủ tiền mua cho con gái chiếc xe đạp cũ ở hiệu cầm đồ. Khi học đến năm 2, nhờ chất giọng trời phú cùng quá trình khổ luyện, Thúy được mời đi hát nhiều. Nhờ chắt chiu, Thúy mua được xe máy, sắm sửa tiện nghi trong phòng trọ và không quên về quê tu sửa lại nhà, mua cái điều hoà cho mẹ. Thúy muốn dành tất cả tình thương yêu để bù đắp lại chuỗi ngày dài gian khổ của mẹ.

Tố chất của cô bé dân ca

Bao khó khăn vây quanh nhưng Thúy vẫn kiên trì theo đuổi được niềm yêu thích của mình. Chất giọng ngọt ngào và tiếng hát như cất lên từ trái tim nên cô ca sĩ trẻ này dành được thiện cảm của người nghe. Bởi thế, có một nhận xét rằng, Thúy sinh ra để hát và dòng nhạc dân ca sẽ đưa em vươn đến đỉnh cao.

co-gai-dan-ca-bui-thi-thuy

Tiếng hát dân ca của Bùi Thị Thúy luôn chinh phục được khán giả

Khi hát, Thúy luôn ý thức làm cho bài hát có hồn, sinh động hơn. Những nốt cao, trầm hay luyến láy, Thúy phải vận dụng kỹ thuật nhiều để tạo sự tinh tế. Tuy nhiên, cô ca sĩ trẻ này biết tiết chế giữa kỹ thuật và thổi hồn cho bài hát.

21 tuổi, không thể nhớ hết những lần đứng trên sân khấu. Nhưng kỷ niệm về lần đi hát trong cuộc thi tiếng hát người tàn tật và trẻ em mồ côi của tỉnh Thái Bình là để lại trong cô gái trẻ này nhiều kỷ niệm khó phai.

Lần đó, Thúy mới 10 tuổi, hát bài “Dấu chấm hỏi”. Bài hát man mác nỗi buồn của một đứa bé bé bất hạnh đi tìm mẹ, tìm cha trong đêm khuya, lạnh vắng. Khi giọng hát của Thúy cất lên, cả hội trường bật khóc. Khi Thúy trở về khách sạn nghỉ ngơi thì bất ngờ có rất nhiều cô chú khán giả đi theo. Họ chỉ mong được thêm một lần nghe Thúy hát bài “Dấu chấm hỏi”.

Con đường đến với “Tiếng hát truyền hình”

“Khi biết cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM tuyển thí sinh tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, em đã đăng kí nhưng lúc đó chưa dám nói với ai cả vì thấy mình còn non nớt, mới vào trường đã thi, sợ trượt từ vòng loại. Mãi cho đến khi em vào đến bán kết thì mọi người mới biết, cô trưởng khoa Thanh nhạc ủng hộ và động viên em nhiều lắm”, Thúy nói.

co-gai-dan-ca-bui-thi-thuy

Cô gái dân ca Bùi Thị Thúy tham gia Tiếng hát truyền hình

Trải qua hai vòng bán kết và hai vòng chung kết, Bùi Thị Thúy đã xuất sắc vượt qua hơn 1600 thí sinh giành quyền đi tiếp vào vòng chung kết ba. Tiếng hát ngọt ngào trong làn điệu dân ca của Thúy không chỉ chiếm được tình cảm của khán giả mà còn “chinh phục” cả Ban giám khảo... “khó tính”. Trong đêm chung kết một, Bùi Thị Thúy có số điểm cao nhất bảng dân ca. Đêm chung kết hai, không chỉ có số điểm cao nhất bảng dân ca, Thúy còn có số điểm cao nhất trong 9 thí sinh của cả ba bảng.

Khi được hỏi về dự định sắp tới, Thúy cho biết: “Mục tiêu lúc đầu của em là đi thi để lấy kinh nghiệm cho kì thi Sao mai điểm hẹn vào năm tới. Định hướng lâu dài của em là theo dòng âm nhạc chính thống. Em muốn trở thành ca sĩ thực thụ trên sân khấu”.

theocNgọc Bích (GDO)